Người Á Đông thường có quan niệm rằng số 9 là con số may mắn. Trùng hợp thay, 2024 cũng là năm điện ảnh Việt Nam (VN) có 29 phim ra rạp; cao hơn năm 2023 (28 phim) nhưng ít hơn so với năm 2018 (40 phim), 2019 (40 phim) và 2022 (38 phim)1. Tuy có ít phim ra rạp hơn, nhưng doanh thu phòng vé lại đạt kỷ lục với tổng doanh thu phim VN chiếu rạp năm 2024 lên đến hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm hơn 40,9% doanh thu của toàn bộ thị trường phim chiếu rạp VN trong cả năm.
Mặc dù vậy, cũng như năm trước đó, gần một nửa tổng doanh thu phim VN đến từ phim của Trấn Thành và Lý Hải. Thống kê từ Box Office Vietnam cho thấy chỉ có 9 phim đạt doanh thu trên 50 tỷ và có tới 15 phim thu về chưa đến 10 tỷ đồng (trong đó có 7 phim doanh thu dưới 1 tỷ). Phim có yếu tố tâm linh – kinh dị trở thành xu hướng với 4 phim ra rạp (Ma Da, Cám, Linh Miêu, Làm Giàu Với Ma) đều đạt doanh thu trên 85 tỷ đồng2. Những phim khai thác yếu tố tâm lý gia đình vốn là thế mạnh của điện ảnh nội địa3 lại có sự phân hóa rõ rệt khi có 8/15 phim nằm trong top 10 phim VN ăn khách nhất và 7 phim còn lại không phim nào thu về trên 7 tỷ đồng4.
Với những con số trên, nhìn một cách tích cực thì điện ảnh VN đang hồi phục với tỷ lệ thắng là 3-7 (3 phim thắng/7 phim lỗ), cao hơn so với hai năm trước đó (tỷ lệ thắng của phim VN năm 2022-2023 chỉ vào khoảng 2-8). Còn nhìn một cách thực tế, thì doanh thu của nền điện ảnh nước nhà đang có sự chênh lệch đáng báo động, khi doanh thu 6 tháng đầu năm (khoảng 1570 tỷ đồng) cao gấp gần 4,5 lần so với 6 tháng cuối năm (khoảng 350 tỷ đồng). Nếu nhìn kỹ hơn thì trong 6 tháng đầu năm, với 10 phim ra rạp, doanh thu của nền điện ảnh chủ yếu đến từ hai phim Mai của Trấn Thành (551 tỷ đồng) và Lật Mặt 7: Một Điều Ước của Lý Hải (479 tỷ đồng)5. Hai bộ phim mang về doanh thu 1.030 tỷ đồng, còn 540 tỷ đồng đến từ 8 phim còn lại (trong đó có 7 phim lỗ nặng).
Lý giải cho sự phân hóa, chênh lệch doanh thu “một trời một vực”, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn đã đưa ra những biện minh như:
- Phim bị ép suất chiếu.
- Do khán giả không yêu nước.
- Do khán giả không thích đề tài của phim.
- Do năng lực của biên kịch còn yếu kém6.
- Do chi phí sản xuất không đủ để quay đẹp.
- Do bị khán giả vùi dập dù chưa xem phim, chỉ mới xem trailer7.
- Do phim có đề tài kén khán giả.
- Do phim làm để thỏa đam mê chứ không làm vì tiền8.
- … và vài lý do tương tự.
Thế nhưng, về phía khán giả, hầu hết nhận định về lý do một bộ phim thất bại, hay đúng hơn là lý do khán giả không chọn xem bộ phim đó, đều đến từ các yếu tố sau:
- Kịch bản có chất lượng kém9, nội dung rời rạc, lời thoại giả trân, triết lý 3 xu, luôn muốn dạy đời khán giả dù biên kịch chưa đẻ ra được đứa con nào…
- Diễn viên diễn tệ, biểu cảm thô cứng (diễn đơ), ngoại hình (gương mặt, vóc dáng) diễn viên không phù hợp với tính cách nhân vật diễn viên thể hiện, đài từ (đọc thoại) như diễn sân khấu, ồn ào và không biết ngắt nghỉ.
- Hình ảnh phim bình thường, dựng phim, chuyển cảnh, kỹ xảo vụng về gây khó chịu.
- Mạch phim không có điểm nhấn, nhiều lỗ hổng từ kịch bản đến diễn xuất, không chạm được vào cảm xúc của khán giả.
- Một số phim chuyển thể không nêu bật được giá trị tinh thần, ý nghĩa, cốt lõi của tác phẩm gốc, khiến khán giả nghi ngờ đạo diễn, biên kịch không hiểu hoặc thậm chí là không đọc kỹ tác phẩm gốc trước đó.
Nhìn chung, khán giả xem phim VN suốt nhiều năm nay vẫn luôn phàn nàn về chất lượng nội dung, cụ thể là ở khâu kịch bản – đạo diễn – diễn xuất. Đây là 3 vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hay nói đúng hơn, là nhiều nhà sản xuất, đạo diễn không có ý định giải quyết.
Trong rất nhiều bài báo, bài viết về vấn đề chất lượng nội dung của phim truyện nói chung và phim điện ảnh VN nói riêng, không khó để bắt gặp các nhận định đến từ những nhà sản xuất, đạo diễn tên tuổi cho rằng vấn đề chính nằm ở chất lượng kịch bản và năng lực của đội ngũ biên kịch10. Những phát ngôn đến từ phía nhà sản xuất, đạo diễn được báo chí, truyền thông chia sẻ trong một thời gian dài dẫn đến sự hiểu lầm nơi khán giả rằng phim dở là do biên kịch. Thế nhưng, bất kỳ ai làm trong ngành điện ảnh cũng đều biết rằng, biên kịch chẳng có cái quyền móe gì trong cái sự lựa chọn kịch bản đần hơn cả độn đến từ cái lũ sản xuất, đạo diễn thiếu não kia cả không có quyền hạn gì trong việc quyết định kịch bản nào sẽ được sản xuất cũng như bộ phim khi ra rạp trông như thế nào.
Trên thực tế, việc một bộ phim có chất lượng kém không nằm ở năng lực của biên kịch hay do kiểm duyệt từ Cục Điện ảnh, mà tất cả đều là lỗi của nhà sản xuất và đạo diễn. Tuy biên kịch là người viết ra kịch bản phim, nhưng nhà sản xuất là người quyết định có mua kịch bản đó hay không. Nếu biên kịch mang đến chào hàng một kịch bản không đủ hay, nhà sản xuất có quyền từ chối. Nếu ý tưởng phim do nhà sản xuất hay đạo diễn nghĩ ra và thuê biên kịch viết thay, thì rõ ràng nhà sản xuất, đạo diễn phải chịu trách nhiệm vì cái ý tưởng tệ hại đó xuất phát từ trí tuệ của họ.
Một bộ phim từ khâu kịch bản đến bản phim cuối cùng phải trải qua rất nhiều vòng chỉnh sửa, cắt gọt, kiểm duyệt; phần lớn đến từ các nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên ngôi sao, nhà phát hành… Cục Điện ảnh thực tế chỉ có trách nhiệm phân loại và kiểm duyệt xem nội dung phim có vi phạm pháp luật gì không. Ở chiều ngược lại, khi nhà sản xuất quyết định phát triển dự án phim và đi kêu gọi đầu tư, nhà sản xuất chắc chắn phải nhìn thấy tiềm năng thương mại của truyện phim. Nhà sản xuất cũng là người lựa chọn đạo diễn, người đưa ra tầm nhìn nghệ thuật và phải chịu mọi trách nhiệm về tất cả các quyết định liên quan đến yếu tố nghệ thuật của phim. Nếu nhà sản xuất có tầm nhìn thương mại, nếu đạo diễn có tầm nhìn nghệ thuật, thì không có kịch bản dở nào nhận được đầu tư, không có phim dở nào được sản xuất.
Thế nhưng, lại một thực tế nữa, là hiện nay có không ít nhà sản xuất, đạo diễn đang né tránh trách nhiệm của bản thân khi liên tục có những phát ngôn đổ lỗi cho biên kịch, cho diễn viên, cho khán giả khi bộ phim mà họ làm ra bị thua lỗ do chính năng lực hạn chế của họ. Một số nhà sản xuất, đạo diễn còn lên mạng cãi tay đôi với khán giả, thậm chí dọa kiện khán giả chê phim của mình. Điều này tạo ra sự phẫn nộ trong lòng khán giả, những người chủ thực sự đang nuôi sống cả ngành điện ảnh.
Chính thái độ mất dạy của không ít nhà sản xuất, đạo diễn đã khiến cho niềm tin của khán giả và nhà đầu tư vào nền điện ảnh nước nhà bị xói mòn. Bằng chứng rõ ràng nhất là số lượng phim được đầu tư và ra rạp mỗi năm có dấu hiệu sụt giảm (năm 2023-2024 số phim VN ra rạp giảm 25% so với các năm 2018, 2019, 2022). Các nhà đầu tư và khán giả cũng chỉ tập trung vào một số ít các đạo diễn top đầu, những người duy trì được tỷ lệ lợi nhuận (ROI) nhất định qua nhiều dự án; và trên hết là thái độ cầu thị của những người đó đối với những lời khen chê của khán giả.
Việc nguồn đầu tư cũng như doanh thu phòng vé dồn vào một số lượng dự án ít ỏi dẫn đến việc thị trường bị lệch pha, không đạt được sự phát triển mà lẽ ra thị trường có thể mang lại. Việc các dự án có chất lượng nội dung kém đến từ các nhà sản xuất, đạo diễn có tên tuổi ngày càng nhiều dẫn đến rủi ro, nguy cơ thua lỗ ngày càng cao; khiến các nhà đầu tư trở nên rụt rè, lo lắng hơn. Việc thua lỗ liên tục khiến nhiều nhà đầu tư bị cạn vốn, phải rút khỏi thị trường. Kết quả tiêu cực từ nhiều dự án có chi phí sản xuất đắt đỏ khiến thị trường e ngại, cùng với tình hình khủng hoảng tài chính chung chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid (2020-2021) khiến nguồn đầu tư cho điện ảnh ngày càng thu hẹp.
Giữa tình hình đó, thị trường điện ảnh VN xuất hiện một tia sáng mới: Trong khi những bộ phim đến từ các hãng phim lớn, đạo diễn từng có tên tuổi, chi phí sản xuất khổng lồ liên tục thua lỗ; thì những bộ phim đến từ các đạo diễn mới, ngân sách sản xuất trung bình, lại thu về lợi nhuận khả quan. Có thể kể đến một số trường hợp như bộ phim Đêm Tối Rực Rỡ (đạo diễn Aaron Toronto, sản xuất năm 2022) có ngân sách (được đồn đoán) tầm 8 tỷ, thu về gần 21,5 tỷ11; hay bộ phim Chị Dâu (đạo diễn Khương Ngọc, sản xuất năm 2024) có ngân sách trung bình, khả năng cao sẽ thu về trên 100 tỷ12.
Dù vậy, không phải cứ làm phim với kinh phí thấp/trung bình hay giới hạn nội dung vào một bối cảnh là phim sẽ thắng. Có rất nhiều yếu tố liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại sự thành công của một bộ phim. Nhìn vào sự thành công của Mai, Lật Mặt 7: Một Điều Ước và Đêm Tối Rực Rỡ, Chị Dâu, cũng như sự thất bại của những phim còn lại, có thể thấy rằng: Hoặc là phim được đạo diễn, diễn xuất bởi các tên tuổi có khả năng “bảo chứng phòng vé”, hoặc phim phải có chất lượng nội dung tốt, có chiều sâu để thu hút khán giả và tạo ra hiệu ứng truyền miệng. Nói ngắn gọn hơn: Hoặc là bỏ nhiều tiền để thuê ngôi sao và làm marketing tốt, hoặc đầu tư chất xám và marketing tốt, để có cơ hội thắng cao hơn.
Tất nhiên, nói luôn dễ hơn làm. Để biết được mô hình sản xuất phim nào hạn chế rủi ro và tăng khả năng được khán giả đón nhận, cần phải có những nghiên cứu, thăm dò và đánh giá trong khoảng thời gian đủ dài để tìm thấy hình mẫu chính xác. Muốn làm được điều đó cần nhiều nỗ lực, kiến thức và nhận định sâu sắc. Trong khuôn khổ một bài viết, và dưới góc độ kinh doanh, khó có thể chia sẻ kỹ càng, cụ thể được. Vả lại, đây cũng là chuyện các nhà làm phim, nhà đầu tư phải tự mình làm, chứ không thể chỉ dựa vào vài con số, bài viết sơ sài để đưa ra kết luận.
Vậy bài viết này ngoài việc liệt kê các con số thì không đưa ra được phương án nào để vực dậy nền điện ảnh nước nhà hay sao?
Nghiêm túc mà nói, muốn vực dậy nền điện ảnh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đang làm việc trong ngành điện ảnh. Điều đó nghe còn bất khả thi hơn cả việc làm ra một bộ phim VN chiếu rạp với ngân sách chưa tới 100 triệu đồng.
Với chi phí sản xuất (production cost) đang bị đội giá từ 2 đến 4 lần so với giá trị sản xuất thực (production value) như hiện nay, cùng với sự thiếu hụt các nhà đầu tư, sản xuất (excutive producer) và đạo diễn có năng lực, tầm nhìn chiến lược; việc có thể tạo ra sự thay đổi trong dòng chảy điện ảnh chỉ có thể dựa vào các đơn vị sản xuất phim độc lập, với những nhà làm phim có kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực sản xuất phim với kinh phí hạn chế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, sản xuất, đạo diễn sẽ khó có thể chấp nhận liều mình với những dự án ngân sách thấp, yêu cầu góc nhìn mới lạ, nhãn quan độc đáo. Bởi làm phim với ngân sách hạn chế đòi hỏi nhiều tài năng. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn còn đang lúng túng, nhầm lẫn giữa khái niệm “phim thương mại” và “phim nghệ thuật”.
Về bản chất, “thương mại” và “nghệ thuật” là hai yếu tố song hành. Làm phim bán được vé là có tính thương mại. Cùng một đề tài mà phim làm ra có chiều sâu, có cảm xúc, thu hút hơn phim người khác là có tính nghệ thuật. Nhà sản xuất cần tìm cách để phim tiếp cận được càng nhiều khán giả, bán được nhiều vé nhất có thể. Đạo diễn cần tìm cách để kể chuyện ấn tượng nhất có thể trong điều kiện ngân sách hạn hẹp. Nhà đầu tư cần đảm bảo bản thân bỏ tiền đầu tư cho đúng người, đúng việc, không lãng phí. Làm được điều đó cần có niềm tin, cũng như tinh thần trách nhiệm tuyệt đối.
Nhưng điều này sẽ không dễ xảy ra, bởi phần lớn đạo diễn, nhà sản xuất làm phim chỉ để kiếm tiền. Họ không cần tiền từ khán giả, bởi trong mớ ngân sách mà họ kê lên đã bao gồm lương của họ trong đó rồi. Có một tin đồn trong giới làm phim rằng không ít dự án chưa bấm máy mà nhà sản xuất, đạo diễn đã có lời. Chỉ có nhà đầu tư chịu lỗ. Chính vì những tin đồn như vậy, chính vì những nhà sản xuất và đạo diễn khôn lỏi như vậy, mà không ít nhà đầu tư đã mất cả niềm tin lẫn vốn liếng, dẫn đến việc ngành điện ảnh bị hao hụt nguồn vốn và không có đủ nhà đầu tư điện ảnh chuyên nghiệp để có thể phát triển khỏe mạnh. Kết quả là nền điện ảnh trở nên chắp vá, làm phim nào biết phim đó, không dám và cũng không thể mơ tưởng tới một chiến lược dài hơi. Một nền điện ảnh “chợ phiên” đúng nghĩa.
Để nền điện ảnh VN có thể phát triển, không thể chỉ trông chờ vào Đảng và Nhà nước đưa ra chiến lược, cũng không thể hy vọng khán giả sẽ thương hại rồi ra rạp xem phim, hay trông chờ có ai đó khác sẽ đứng lên chiến đấu; mà mỗi người làm phim phải tự mình đứng dậy, tự bản thân cố gắng để kể ra những câu chuyện hay, để tạo ra những bộ phim vĩ đại, để mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh cùng với sự kết nối, thỏa mãn về mặt cảm xúc, để đào tạo ra đội ngũ kế cận có năng lực và thái độ tốt, trách nhiệm cao, để một ngày nào đó khán giả sẽ không phải hối tiếc vì đã bỏ ra hai tiếng cuộc đời quý báu để xem một bộ phim VN, để không còn diễn viên nào bị gọi là “thuốc độc phòng vé”, để không đạo diễn nào bị xem là “bảo chứng phim dở”. Nếu mỗi cá nhân trong ngành điện ảnh, mỗi người chỉ cần cố gắng thêm một chút, mỗi người có trách nhiệm với công việc thêm một chút, biết trân trọng khán giả, chịu khó sáng tạo và chỉn chu thêm một chút; từng chút một gom vào, thì chắc chắn tác phẩm mà mọi người làm ra, sẽ giúp nền điện ảnh tiến xa thêm nhiều chút.
Trong lúc bài viết này được viết ra, ở ngoài kia đang có những nhà làm phim trẻ ngày đêm nỗ lực để tạo ra những tác phẩm độc đáo, ấn tượng, thu hút, mang đến làn gió mới cho điện ảnh và khán giả. Còn bạn, người đang đọc đến những dòng chữ này: Bạn đã sẵn sàng để góp sức vào công cuộc phát triển nền điện ảnh nước nhà chưa?
©yooribae
Thông tin tham khảo:
- https://ngoisao.vnexpress.net/phim-cua-ly-hai-tran-thanh-chiem-gan-54-doanh-thu-dien-anh-viet-nam-2024-4834728.html ↩︎
- https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dien-anh-viet-2024-dau-an-ban-dia-len-ngoi-i754714/ ↩︎
- https://nguoidothi.net.vn/dien-anh-viet-2024-chu-de-mau-thuan-the-he-len-ngoi-46708.html ↩︎
- https://vnexpress.net/phim-viet-lien-tiep-lo-hang-chuc-ty-dong-4730494.html ↩︎
- https://baoquangninh.vn/dien-anh-viet-gio-chi-con-mua-phim-tran-thanh-va-mua-phim-ly-hai-3307235.html ↩︎
- https://vnexpress.net/phim-viet-2024-doanh-thu-ky-luc-hiem-kich-ban-hay-4831476.html ↩︎
- https://afamily.vn/kinh-van-hoa-dao-dien-tram-ty-tuc-gian-vi-dieu-te-hai-nay-20241227121522793.chn ↩︎
- https://www.baogiaothong.vn/dao-dien-vo-thanh-hoa-toi-lam-kinh-van-hoa-khong-vi-tien-192241230223633703.htm ↩︎
- https://moveek.com/bai-viet/phim-dien-anh-viet-nua-dau-nam-2024-chat-luong-chenh-lech-rat-lon/32948 ↩︎
- https://nhandan.vn/phim-viet-truoc-khoang-trong-van-de-va-kich-ban-post711435.html ↩︎
- https://boxofficevietnam.com/movie/dem-toi-ruc-ro/ ↩︎
- https://boxofficevietnam.com/movie/chi-dau/ ↩︎