Dù mọi người mặc định tôi là người thích phim Hàn, cơ mà vốn dĩ không phải phim Hàn nào tôi cũng xem, và không phải phim nào xem xong rồi cũng thích. Mấy tuần nay, trong quá trình hồi phục tinh thần, tôi lại quay về tìm kiếm những phim nhẹ nhàng, có tính chữa lành để xem. Quả thật là không có nhiều phim như vậy. Và rồi, sự bất ngờ lại xuất hiện ở một phim mà tôi chẳng mấy trông chờ: Find Me In Your Memory (MBC, 2020)
Find Me In Your Memory là một phim tình cảm với cốt truyện xoay quanh sự rung động và quá trình chữa lành vết thương trong quá khứ giữa một phát thanh viên mắc căn bệnh ghi nhớ mọi ký ức xảy ra trong đời và nữ diễn viên xinh đẹp quên đi mọi ký ức trong quá khứ để tiếp tục sống. Ra mắt cùng thời điểm với Itaewon Class khiến bộ phim nhận được ít sự chú ý từ báo chí, truyền thông. Tuy nhiên, dàn cast thực lực Kim Dong Wook (The Guest) và Moon Ga Young (Welcome to Waikiki 2) là lý do chính khiến tôi quyết định xem thử một tập mà không xem trước trailer. Có lẽ vì không quá trông đợi vào bộ phim có vẻ mang công thức cổ điển “lãng mạn + bệnh tật + melo chuẩn Hàn” nên khi xem phim tôi bị bất ngờ và ấn tượng khá nhiều.
Đầu tiên, là nội dung. Nội dung phim không quá mới mẻ. Motif hai con người bị hai chứng bệnh trái ngược được kết nối với nhau bởi một duyên phận đau thương trong quá khứ, phải lòng nhau và cố gắng san sẻ, vượt qua, chữa lành cho nhau là công thức quá phổ biến, ước tính hơn nửa số phim truyền hình Hàn Quốc gần đây có motif này. Thế nhưng, cách dẫn dắt câu chuyện, cách câu chuyện thể hiện cho khán giả thấy, không phải là kiểu lên gân lên cốt hay cố gắng tạo ra bi thương để tìm kiếm sự thương cảm, mà là sự nhẹ nhàng, tinh tế, mang lại cho khán giả cảm giác dễ chịu, gần gũi, đồng cảm khi xem.
Những tình huống trong phim cũng khá thú vị và ấn tượng. Trường đoạn người mẹ giữ bí mật về cái chết của mình vì không muốn con mình bị ám ảnh bởi hình ảnh thi thể mẹ cả đời, trường đoạn nhân vật đau buồn đến trầm cảm và tự sát sau khi người bạn thân nhất qua đời, chi tiết người đàn ông cứ mãi luôn nhớ về người bạn gái chết trước mặt mình mỗi ngày tuyết rơi, hay chi tiết bác sĩ thần kinh bị mắc kẹt trong quá khứ của bệnh nhân mình từng chữa trị, người đạo diễn si mê đến mức hoang tưởng về nữ diễn viên mình từng làm việc cùng, kẻ tâm thần chỉ vì có người đối xử tốt với mình mà nhầm lẫn rằng đó là tình yêu… Mỗi chi tiết đều được khắc họa một cách nhẹ nhàng và tinh tế, không gượng ép, không bùng nổ mạnh mẽ, chỉ như cơn gió lạnh buốt khẽ thổi vào vết thương, khiến người xem cảm thấy xót xa, đau nhói.
Mỗi nhân vật trong phim đều có quá khứ, đều có câu chuyện riêng. Người mắc kẹt trong quá khứ, người cố gắng để quên đi, người cố gắng để vật lộn với những ký ức đau buồn không thể biến mất, người sống với trái tim trống rỗng vì quên mất đi những ký ức quan trọng nhất của cuộc đời… Mỗi nhân vật, cùng với câu chuyện và quan điểm, thái độ dẫn tới mỗi hành động, quyết định của họ, tạo ra những tình huống phim khiến khán giả phải suy nghĩ và đồng cảm với câu hỏi muôn đời: Ký ức là gì, có ăn được không? À nhầm. Quên đi hay mãi nhớ về một ký ức, điều gì mới làm ta hạnh phúc hơn?
Tiếp theo, là diễn xuất. Diễn xuất của Kim Dong Wook và Moon Ga Young là yếu tố đầu tiên khiến tôi quyết định xem phim. Trái với suy nghĩ của nhiều người, tôi không thích xem melodrama và romcom. Tôi chọn xem phim dựa vào cốt truyện (đó là lý do tôi xem Come Back Mister thay vì Descendants of the Sun, xem Oh My Geum-bi thay vì Legend of the Blue Sea…), hoặc diễn viên (thường là diễn viên phái thực lực như Jang Hyuk, Kim Nam Gil, Go Soo, Lee Jun Ki, Kim Dong Wook, Kim Hye Soo…). Trước phim này, tôi đã xem Kim Dong Wook diễn xuất trong phim The Guest của đài OCN, cũng như biết đến diễn xuất của Moon Ga Young qua phim Welcome to Waikiki 2 và một số vai phụ trong các phim khác. Vậy nên tôi có cảm giác yên tâm về chemistry của họ trong phim này (dù khoảng cách tuổi tác giữa hai người khá là sugar…à thôi). Quả thật, diễn xuất, không chỉ của hai diễn viên chính, mà của cả dàn cast, không khiến người xem thất vọng. Diễn xuất tự nhiên, tinh tế, có chiều sâu, dùng ánh mắt thay cho cơ mặt ở những trường đoạn tâm lý khiến cảm xúc của cảnh phim được đẩy lên cao, giúp truyền tải được cảm xúc của nhân vật đến với khán giả một cách vừa vặn, không quá yếu, cũng không quá bùng nổ. Diễn xuất của các diễn viên, cũng như cảm giác chung mà bộ phim mang lại, là sự tinh tế, nhẹ nhàng, như một ly trà hoa cúc mật ong ấm áp giữa đêm đông lạnh giá vậy.
Tuy nhiên, điểm khiến tôi cảm thấy yêu thích nhất ở bộ phim này, đó là phần hình ảnh. Chính xác hơn, là cách đạo diễn, đạo diễn hình ảnh và thiết kế mỹ thuật vận dụng màu sắc vào phim.
Những người làm phim thường nghe bảo rằng “màu sắc giúp thể hiện cảm xúc trong phim”. Tất nhiên, màu phim không phải là nhiệm vụ của riêng mỗi colorist, cũng như không phải cứ áp công thức màu Teal-Orange hay Neon Xanh-Đỏ là thành “màu điện ảnh”. Find Me In Your Memory là một trong số ít phim truyền hình gần đây mà tôi xem mà yếu tố “điện ảnh” về mặt hình ảnh có thể nói là vượt trội hơn hẳn so với nhiều phim khác (kể cả phim điện ảnh).
Màu sắc trong phim là sự phối hợp ăn ý của mọi bộ phận, với tầm nhìn tinh tế của người đạo diễn. Ngay từ Teaser, khán giả có thể nhận ra, nhân vật nam chính luôn xuất hiện với tông màu xanh (blue) trầm buồn, còn nữ chính xuất hiện với tông màu vàng ấm áp, giống như ánh nắng sưởi ấm cho thế giới của nam chính. Mỗi khi nữ chính xuất hiện bên cạnh nam chính, tông màu vàng từ nữ chính cứ từ từ lấn át tông màu xanh của nam chính. Dần dần, thế giới của nam chính bắt đầu chuyển từ tông màu xanh đậm sang nhạt hơn, từ tông màu trầm sang tươi sáng hơn.
Màu sắc cũng được thể hiện thông qua trang phục, phụ kiện. Trang phục của nam chính có tông màu tối, còn trang phục của nữ chính có tông màu sáng, rực rỡ. Trong trường đoạn lần đầu hai người gặp nhau, nữ chính đề nghị, rồi ép buộc nam chính đổi cravat của anh ta từ màu xanh sang màu vàng. Đó là dấu hiện đầu tiên cho thấy sự xâm lấn của nữ chính vào thế giới của nam chính. Cũng trong trường đoạn đó, nữ chính mặc bộ trang phục màu đỏ. Màu sắc này tương đồng với cảnh quay lần đầu tiên nam chính gặp mối tình đầu của mình là khi cô gái ấy mang đôi giày đỏ, nhặt những trái táo đỏ rơi rớt trên đường. Trái táo đỏ là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu nam nữ (Adam & Eva). Màu đỏ cũng lặp lại ở đôi giày ballet mà mối tình đầu của nam chính mang khi tập múa, liên kết với chi tiết nữ chính ngày xưa từng học múa ballet, cho thấy mối quan hệ giữa hai nhân vật (nữ chính và mối tình đầu của nam chính).
Tương tự, những cảnh hồi tưởng của nam chính trong quá khứ đều có màu vàng với tông hơi trầm tạo cảm giác buồn hơn so với tông vàng của nữ chính ở hiện tại. Cảnh hồi tưởng ký ức tươi đẹp của nữ chính có tông trắng hồng pastel như kẹo bông gòn, bởi những ký ức đó đều là ký ức tuổi thơ (ngây thơ, ngọt ngào và trong trẻo).
Không chỉ màu sắc, hình ảnh trong phim cũng được chăm chút với mỗi góc quay đều được tính toán cẩn thận, làm hoàn thiện thêm cảm xúc cho nội dung cảnh quay. Mỗi khung hình trong phim, từ bố cục, ánh sáng, góc máy, màu sắc, chuyển động máy… đều mang đến cho khán giả cảm giác của những thước phim điện ảnh thực sự, đôi khi quên mất đây là phim truyền hình của đài mặt đất (MBC).
Thêm một yếu tố quan trọng giúp hình ảnh của phim trở nên hoàn thiện, đó là phần thiết kế mỹ thuật, cụ thể là bối cảnh trong phim. Mỗi bối cảnh trong phim, nhất là bối cảnh nhà của các nhân vật, đều được thiết kế và tính toán về vật liệu, vật dụng, màu sắc… nhằm thể hiện bản chất, tính cách cũng như trạng thái tâm lý của nhân vật. Không quá cầu kỳ, cũng không cần khoe mẽ về độ đắt tiền của nội thất (dù dân rành shopping đều thấy đống đồ trong phim đắt kinh hoàng), thiết kế nội thất trong phim đã thể hiện đúng vai trò của mình: Tạo ra không gian để nhân vật bộc lộ cảm xúc. Bên cạnh đó, các bối cảnh ngoại cảnh cũng được chăm chút, đẹp mắt và nên thơ.
©yooribae
2 Replies to “[DRAMA] FIND ME IN YOUR MEMORY (MBC, 2020)”