Có một câu nói thế này: “Nghệ thuật là sự thuần thục kỹ thuật đạt đến đỉnh cao”. Ở một góc độ nhất định, quan điểm này có phần chính xác. Mọi nghệ nhân đều bắt đầu là một người thợ lành nghề. Chẳng gã còm nào vừa bước vào phòng tập đã trở thành vận động viên vô địch Olympic. Cũng như nghệ sĩ dương cầm dành hai tiếng mỗi ngày chỉ để luyện ngón, nghệ sĩ ballet dành hàng tiếng mỗi ngày chỉ để tập một động tác xoay, võ sĩ boxing dành một nửa thời gian trong phòng tập chỉ để tập một cú ra đòn; người kể chuyện cũng phải học và thực hành liên tục những kỹ thuật giúp câu chuyện bản thân sắp kể bớt nhàm chán và trở nên hấp dẫn, cuốn hút, tinh tế hơn.
KỸ THUẬT LÔI CUỐN KHÁN GIẢ
Khán giả thật ra rất đơn giản. Với khán giả, việc phim được quay bởi máy quay tiền tỷ hay kinh phí vài triệu đô quay trong ba tuần chẳng phải là chuyện mà họ cần quan tâm, thậm chí còn kém thu hút hơn việc một kiều nữ hết thời nào đó với đầy tai tiếng lại được mời làm nữ chính phim thanh xuân vườn trường. Khán giả xem phim, cũng như đến với bất cứ loại hình nghệ thuật nào, đều vì họ bị thu hút bởi những câu chuyện và cách thể hiện mới lạ mà câu chuyện đó mang lại. Một bộ phim hay, trong mắt khán giả, chỉ đơn thuần là một bộ phim có thể chạm được vào trái tim (cảm xúc) và cái đầu (suy nghĩ) của họ.
Dưới đây là vài kỹ thuật có thể giúp người kể chuyện làm được điều kỳ diệu đó.
Hook (móc câu)
Hãy tưởng tượng bạn là một người mới học câu cá. Để câu được cá, bạn cần có cần câu. Cần câu loại nào cũng được. Và bộ phận quan trọng nhất của cần câu là gì? Lưỡi câu và mồi. Để câu cá, bạn cần có một lưỡi câu thật tốt. Nhưng quan trọng hơn, bạn cần có mồi ngon để nhử con cá đớp lấy lưỡi câu của bạn. Hook là một kỹ thuật như vậy. Giống như câu cá, Hook là kỹ thuật sử dụng một cảnh quay, tình huống, hình ảnh, lời thoại nhất định để câu dẫn, tạo ra sự tò mò nơi khán giả, khiến khán giả muốn xem tiếp. Kỹ thuật này thường được sử dụng ở đầu phim, phổ biến nhất là với các phim sử dụng beatsheet “Save The Cat”, bằng việc mở đầu phim bằng một cảnh ấn tượng hoặc một cảnh flashforward (nhá hàng trước một tình huống/cảnh quay sẽ diễn ra trong tương lai phim). Kỹ thuật này nhìn chung khá đơn giản và được khá nhiều phim áp dụng. Chẳng hạn, bạn chỉ cần bắt đầu phim bằng cảnh nam nữ chính chĩa súng vào đầu nhau và bóp cò (flashforward), sau đó quay người trở lại thời gian 3 tháng trước, khi nam nữ chính mới gặp nhau, làm quen, hẹn hò, hạnh phúc bên nhau; và rồi khán giả sẽ kiên nhẫn chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra giữa hai con người hạnh phúc đó, lý do gì sẽ dẫn đến cảnh bi kịch mà khán giả thấy ở đầu phim.
Cũng giống như trong truyện ngắn ở trên, khi cá đã cắn câu, vì con cá khán giả này hơi nặng, nên bạn không thể một phát giật mạnh lên, sẽ làm gãy cần câu; mà phải dẫn dắt từ từ, thật dịu dàng, tự nhiên, khiến khán giả dần trở nên thân thuộc và chấp nhận được dẫn dắt theo câu chuyện, đến khi đó bạn mới có thể bắt đầu thu dây từ từ và kéo khán giả lên thuyền một cách nhẹ nhàng mà không bị phản kháng.
Một điều quan trọng nữa là mồi câu. Không phải mồi câu nào cũng có hiệu quả. Để câu cá, bạn cần xác định được loại mồi câu phù hợp. Tương tự, khi lựa chọn cảnh quay/tình huống làm Hook cho phim, bạn phải tính toán kỹ, đảm bảo được rằng cảnh quay/tình huống đó sẽ thu hút được sự chú ý và tò mò từ khán giả, đủ để dẫn dắt khán giả xem tiếp ít nhất đến giữa Hồi 2.
Hope & Fear (Hy vọng và sợ HÃI)
Mang lại hy vọng thành công và NỖI sợ thất bại cùng lúc
Hope & Fear không hẳn là một kỹ thuật thuần túy, mà còn là một tiêu chuẩn để xác định xem liệu kịch bản của bạn có đủ cuốn hút hay không. Trong nhiều bộ phim, khi nhân vật chính rơi vào tình cảnh khó khăn, nguy hiểm, khán giả cảm thấy vừa lo lắng cho nhân vật (Fear) vừa hy vọng, hồi hộp chờ xem nhân vật có cách nào để vượt qua (Hope). Hai cảm giác đó không tách biệt mà xuất hiện đồng thời trong tâm trí khán giả một cách vô thức. Vào khoảnh khắc đó, khán giả đã thực sự bị cuốn vào truyện phim, vào hành trình của nhân vật. Để tạo ra được cảm giác này, biên kịch cần phải khiến cho khán giả có được cảm giác đồng cảm, xuất phát từ sự thấu hiểu đối với những gì nhân vật thể hiện trước đó. Khán giả cần phải được cung cấp đủ thông tin để hiểu được hoàn cảnh khó khăn mà nhân vật đang trải qua, những bi kịch nhân vật đã, đang hay sẽ gặp phải. Mọi suy nghĩ, hành động, lựa chọn, quyết định của nhân vật đều phải có lý do; và lý do đó phải hợp lý đối với khán giả. Không chỉ thế, nhân vật còn phải khơi gợi được sự cảm mến, hay ít nhất là lòng thương hại, nơi khán giả. Khán giả là con người. Bản chất của con người luôn bao gồm lòng thương hại đối với những ai có đặc điểm gì đó có vẻ như yếu thế hơn mình; vậy nên chỉ cần nhân vật có điểm gì đó yếu thế hơn so với bình thường cũng đã đủ kích thích sự quan tâm nơi khán giả. Khi khán giả đã bắt đầu quan tâm đến số phận của nhân vật, khi đó khán giả sẽ bắt đầu có Hope & Fear đối với những gì mà nhân vật phải trải qua xuyên suốt truyện phim sau đó. Còn khi khán giả đã không quan tâm, thì dù cho nhân vật có hy sinh anh dũng để bảo vệ hòa bình thế giới, khán giả cũng chẳng thèm chú ý, bởi phần lớn trong số họ đã rời khỏi rạp đi ăn hột vịt lộn xả xui trước đó rồi.
Trap
Đặt bẫy khán giả & nhân vật
Khán giả cũng như người yêu của bạn (trong trường hợp bạn từng có bồ). Họ ghét bị lừa dối, nhưng lại thích những điều bất ngờ. Nếu bạn làm một phim tâm lý và nói với khán giả rằng đó là phim kinh dị, khán giả sẽ rất giận bạn. Tuy nhiên, nếu bạn làm một phim với cốt truyện thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng không ai có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, thì khán giả sẽ phát cuồng lên vì bạn (Đó là lý do tại sao Top 20 biên kịch phim truyền hình bên Hàn có lương từ 500 triệu/tập trở lên, còn biên kịch V… thôi bỏ đi).
Trap ở đây đơn giản là đánh lừa. Đúng vậy, bạn cần phải lừa dối khán giả, hay nói chính xác hơn, là đánh lạc hướng khán giả khỏi những gì mà bạn sắp bày ra phía sau. Một thuật ngữ khác thường được sử dụng là Red Herring (không phải Red Flags). Red Hearing là kỹ thuật tạo ra những dấu hiệu giả, đánh lạc hướng người xem, khiến cả khán giả lẫn nhân vật tin vào một hướng phát triển câu chuyện mà biên kịch cho thấy, thông qua những bằng chứng giả, dấu hiệu sai lệch, kích thích trí tưởng tượng và óc tò mò của khán giả.
Phần lớn khán giả thích đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu một câu chuyện diễn ra theo đúng những gì khán giả đã dự đoán trước đó, truyện phim sẽ rơi vào ô “Cliché”, tức là một tình huống/truyện phim khuôn mẫu, lỗi thời. Vậy nên, nhiệm vụ của người kể chuyện là phải làm mọi cách dẫn dắt khán giả (cùng với nhân vật) đi trên con đường mà họ không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, hoặc tạo ra những tình huống khiến khán giả phải nghi ngờ phán đoán của mình; để rồi sau đó, khi bộ phim kết thúc, dù khán giả có đoán trúng hay không, họ cũng đều sẽ cảm thấy phấn khởi vì vừa được tham gia vào một hành trình hấp dẫn, cuốn hút, lạ kỳ. Hoặc họ sẽ về nhà và chờ Phê Phim (via Reddit) review để hiểu rõ hơn những gì họ vừa trải qua.
Happen Ending
Cái kết được dự báo/Có thể đoán trước
Không phải Happy (HE), Happen Ending – Cái kết có thể đoán trước – là kết quả của những dấu hiệu đã được cài cắm từ ngay đầu phim. Từ lâu, việc tạo ra một cái kết bất ngờ khiến khán giả ngỡ ngàng, ngơ ngác, bật ngửa đã trở thành một trong những tiêu chí tối thiểu mà mọi câu chuyện kể ra đều phải đạt được. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là người kể chuyện có quyền kết thúc câu chuyện như thế nào tùy thích. Mỗi câu chuyện được sinh ra với khởi đầu và kết thúc có mối quan hệ mật thiết với nhau, khoa học gọi là thuyết Nhân – Quả. Trái táo không thể mọc ra từ cây đa, con gà không thể sinh ra từ trứng gián, mọi mối quan hệ trên đời đều bắt đầu hay kết thúc từ một điều gì đó. Trong mọi câu chuyện, những gì đã, đang và sẽ xảy ra đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không có chuyện gì xảy ra một cách ngẫu nhiên, cũng không có phép màu nào tự dưng xuất hiện. Nắm được điều này, người kể chuyện có thể xác định được chính xác cái kết phù hợp nhất với câu chuyện bản thân muốn kể ra.
Dù vậy, cái kết có thể đoán trước không có nghĩa là cái kết dễ đoán. Cái kết dễ đoán là một lỗi sai, là sự yếu kém trong kỹ thuật của người kể chuyện. Cái kết có thể đoán trước là cái kết hợp lý, phù hợp với tổng thể nội dung, ý đồ, thông điệp mà câu chuyện mang tới cho khán giả. Cái kết này, để bớt đi tính dễ đoán, được che phủ và bảo vệ bởi những kỹ thuật như Red Herring, khiến khán giả bị đẩy đi xa, đi lòng vòng, không để ý tới những dấu diệu được cài cắm, ẩn giấu trước đó; để khi cái kết diễn ra, khán giả sẽ phải kinh ngạc, cảm xúc bùng nổ, nhưng không thể cãi được, bởi không có cái kết nào hợp lý hơn, và lúc này khán giả cũng sẽ nhận ra được mối dây liên kết xuyên suốt câu chuyện dẫn đến cái kết đã được hình thành từ trước cả khi câu chuyện được bắt đầu.
Điềm báo (Foreshadowing)
Điềm báo là một công cụ kể chuyện thường được sử dụng để báo trước cho khán giả về những gì sắp xảy ra trong phim. Điềm báo đưa ra một dấu hiệu hoặc gợi ý về những gì sẽ xảy ra nhằm mục đích định hướng cho khán giả dự đoán tương lai của các nhân vật và sự kiện trong câu chuyện. Bên cạnh đó, điềm báo còn tạo ra cảm giác liên kết, thống nhất cho câu chuyện, khiến câu chuyện trở nên chặt chẽ, có ý nghĩa hơn; dù cho khán giả có thể nhận ra hoặc không.
Có hai loại điềm báo thường được sử dụng: Trực tiếp và Gián tiếp.
Điềm báo trực tiếp (Direct Foreshadowing) đề cập, ám chỉ rõ ràng về các sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai. Khi những điềm báo này xuất hiện, khán giả có thể cảm nhận được dấu hiệu. Những dấu hiệu này có thể gợi ý về những điều sắp xảy ra, hoặc chỉ ra những điểm cụ thể trong cốt truyện. Dù đó là gì, những dấu hiệu này đều tạo ra sự kỳ vọng, khiến khán giả chú tâm nhiều hơn vào truyện phim.
Có người sẽ cho rằng điều này chẳng khác gì spoil phim cả. Nhưng những điềm báo này chỉ thể hiện ra vừa đủ trước mắt khán giả như một gợi ý mơ hồ, không quá rõ ràng, chỉ vừa đủ để khán giả đoán trước tương lai, nhằm giúp khán giả có thể tập trung nhiều hơn vào hành trình mà nhân vật sẽ phải trải qua mà không phải quá bận tâm về kết quả. Điều này tương tự với Happen Ending. Khi kết hợp kỹ thuật này với Red Herring, người kể chuyện có thể tạo ra những chỉ dẫn sai, đánh lạc hướng khán giả khỏi những bí mật chưa đến lúc tiết lộ.
Khác với Điềm báo trực tiếp, Điềm báo gián tiếp (Indirect Foreshadowing) đề cập đến manh mối của các sự kiện trong tương lai theo cách ít rõ ràng hoặc khó nhận biết hơn. Trên thực tế, hầu hết điềm báo gián tiếp chỉ thật sự hiện rõ khi sự kiện đó đã diễn ra. Điều này khác với Easter Eggs (những thông tin bổ sung được cố tình che giấu hoặc những trò đùa hiếm khi liên quan đến nội dung phim).
Đôi khi, các điềm báo gián tiếp được che giấu một cách tinh tế; cũng có khi được phô diễn một cách trắng trợn thông qua những món đạo cụ được quay cận cảnh như hòn đá phong thủy hay bức tranh trên tường. Thế nhưng, khán giả khi xem phim lần đầu tiên sẽ không nhận ra những món đồ, đạo cụ, chi tiết đó liên quan thế nào, đại diện ra sao cho một phần hay toàn bộ nội dung phim. Khán giả thường sẽ chỉ nhận ra sau khi món đồ, chi tiết đó xuất hiện lại khi sự kiện liên quan xảy ra, hoặc sau khi được mấy tài khoản ẩn danh trên Reddit hay Twitter tiết lộ. Nếu bạn là fan Kpop Gen 3, Gen 4, bạn sẽ thấy có gì đó quen thuộc. Đúng vậy, thứ mà fan Kpop thường gọi là Theory, chính là một trong những phiên bản khác của Điềm báo gián tiếp.
Cách sử dụng điềm báo trong phim cũng khá đơn giản. Người kể chuyện có thể đưa ra gợi ý thông qua đối thoại, trong đó một nhận vật ám chỉ đến các sự kiện tương lai, hoặc nói ra một cách rõ ràng. Hoặc nhiều khi, người ta có thể để những gợi ý đó xuất hiện trong phần tiêu đề phim. Điềm báo cũng có thể được lồng ghép vào trong một đặc điểm tính cách, hành động của một nhân vật nào đó, hay một món đạo cụ, trang phục xuất hiện trong phim.
TẠM KẾT
Mọi kỹ thuật kể chuyện trong phim đều có thể kết hợp với nhau để tạo ra một câu chuyện mạch lạc và mang đến cái kết mà khán giả mong đợi, hoặc không. Việc áp dụng một kỹ thuật nào đó vào phim cũng không có công thức rõ ràng, mà hầu hết dựa vào kỹ năng cũng như sự sáng tạo của từng người kể chuyện. Những kỹ thuật được liệt kê trên đây vẫn chưa phải tất cả. Vẫn còn vài kỹ thuật nữa sẽ được tiết lộ trong bài sau. Hãy like, share và follow blog để cập nhật bài viết mới sớm nhất nhé!
©yooribae
P/S: Nếu bạn có thắc mắc tại sao lại không có ví dụ cụ thể cho từng kỹ thuật trong bài viết, thì đó là chủ ý, không phải quên đâu. Những kỹ thuật vừa được giới thiệu trong bài được sử dụng trong mọi phim mà bạn đã xem. Vậy nên, sau khi đọc xong bài viết, bạn hãy thử nhớ lại xem những phim mà bạn vừa xem gần đây đã áp dụng những kỹ thuật đó như thế nào, trong tình huống nào, hiệu quả ra sao; và chia sẻ với mọi người tại phần bình luận dưới bài viết nhé!
One Reply to “[Kịch bản 101] #35: Kỹ thuật lôi cuốn khán giả (Phần 1)”