[Kịch bản 101] #4: Viết lằm viết lốn

If a writer of prose knows enough of what he is writing about he may omit things that he knows and the reader, if the writer is writing truly enough, will have a feeling of those things as strongly as though the writer had stated them. The dignity of movement of an ice-berg is due to only one-eighth of it being above water. A writer who omits things because he does not know them only makes hollow places in his writing.

–Ernest Hemingway-

Phần trích dẫn trên nằm trong tác phẩm “Death in the Afternoon” của đại văn hào Ernest Hemingway, người được đông đảo bạn đọc Việt Nam biết đến với tác phẩm “Ông già và biển cả”. Phần trích dẫn trên cũng là nội dung chính của “Nguyên lý tảng băng trôi”, một trong những nguyên lý quan trọng nhất đối với phương pháp kể chuyện hiện đại, được giảng dạy phổ biến trong SGK lớp 12, được đưa vào đề thi Tốt nghiệp môn Văn và thi Đại học, và 99% số người học viết văn (không ít trong số đó đang học hoặc đã tốt nghiệp chuyên ngành Văn học) mà tôi từng hỏi lắc đầu bảo KHÔNG BIẾT đến nguyên lý này.

hqdefault.jpg

Trước khi viết bài viết này, tôi đã dành vài tiếng để tìm kiếm thông tin về “Nguyên lý tảng băng trôi” trên mạng, với hy vọng tìm thấy những trích dẫn phù hợp để đưa vào bài viết. Nhưng những gì tôi nhận được là vài ngàn bài phân tích về nguyên lý mà chẳng có bài nào trích dẫn lại được nguyên lý quá 2 dòng. Vào lúc đó, suy nghĩ đầu tiên bật ra trong đầu tôi, chính là tiêu đề của bài viết hôm nay.

Tuy nhiên, bài viết hôm nay không chỉ dành để nói về “Nguyên lý tảng băng trôi”, mà sẽ bàn về một chủ đề rộng hơn, to lớn hơn, bao quát hơn; một chủ đề mà nói bao nhiêu cũng không đủ, nhưng chẳng ai thèm nói:

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT CỦA MỘT KỊCH BẢN PHIM TRUYỆN

Tôi sẽ không đi quá sâu về chủ đề này, bởi nói về kỹ thuật kể chuyện một cách đầy đủ, thì có lẽ phải viết thành sách. Mà tôi thì chẳng phải nhà văn, cũng chẳng rảnh đến mức ngồi viết ra cuốn sách chẳng ai thèm đọc. Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ nêu ra một cách khái quát, ngắn gọn về một số kỹ thuật kể chuyện tiêu biểu; không phải là kỹ thuật kể chuyện trong văn chương, mà là Những kỹ thuật kể chuyện cơ bản trong điện ảnh.

ĐIỆN ẢNH TRƯỚC HẾT LÀ THỊ GIÁC

Kể từ khi người ta chuyển từ phim câm sang phim có tiếng, sự chênh lệch giữa phần hình và phần tiêng trong phim ngày càng lớn dần. Ngay cả ở Pháp, kinh đô của “nghệ thuật thị giác”, rất nhiều phim gần đây nhân vật đối thoại với nhau liên tục không nghỉ xả hơi uống nước suốt từ khi phim vừa bắt đầu đến cả sau after-credit. Còn ở Việt Nam, không khó để bạn có thể xem những bộ phim truyền hình hay điện ảnh có nội dung và hình thức thể hiện không khác gì như những vở kịch nói hay được trình diễn trong các buổi sinh hoạt phường xã. Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ chính sự dễ dãi của những người làm nghề, hay đúng hơn, từ sự lười biếng của những người được trả tiền để làm điện ảnh.

Ngay từ khi sinh ra, điện ảnh đã là nghệ thuật thị giác. Từ “movie”, vốn xuất phát từ “motion pictures” có nghĩa là “những hình ảnh chuyển động”. Giống như Nhiếp ảnh, Điện ảnh kể chuyện bằng hình. Đối với Nhiếp ảnh, mỗi bức ảnh thể hiện một câu chuyện độc lập, thì trong Điện ảnh, mỗi bộ phim được tạo thành từ vô vàn những khung hình khác nhau, sắp xếp, kết hợp với nhau để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Vậy nên đối với người học Điện ảnh, bài học đầu tiên, cơ bản nhất, chính là Kể chuyện bằng hình.

maxresdefault (1).jpg

Người đàn ông trong bức ảnh trên, là Chaplie Chaplin, hay còn có tên khác là Vua hề Sặc-lô, là một trong những bậc thầy Điện ảnh, là ông hoàng của dòng Phim câm. Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của ông – The Kid – cũng là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Vào thời của Chaplin, phim điện ảnh chỉ có 2 màu trắng-đen, cũng chẳng có đủ kỹ thuật để lồng tiếng gắn vào phim. Tất cả những gì nhà làm phim có thể làm khi đó là kể ra một câu chuyện thuần hình ảnh. Đó cũng chính là nền tảng tạo nên sự khác biệt trong tư duy và ngôn ngữ điện ảnh so với các loại hình nghệ thuật khác.

12

Tôi từng nghe một ai đó, hình như cũng có tiếng tăm, bảo rằng “phim là để nghe”. Tôi hiểu rằng ông ấy nói điều đó trong bối cảnh phim truyền hình Việt Nam chiếu cho lứa khán giả chủ yếu là các bà nội trợ, những người tranh thủ xem phim trong lúc làm việc nhà. Nhưng, cái phát biểu đó, cho thấy sự mất dạy của người phát ngôn đối với cái nghề đã mang lại danh tiếng, vinh quang và tiền bạc cho người đó. Phát ngôn đó, được thốt ra từ miệng của một người có tiếng nói trong giới làm phim, sẽ khiến cho những người mới vào nghề hiểu sai đi bản chất thật của ngôn ngữ điện ảnh, từ đó khiến họ đi sai đường, gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.

Sau đó, quả thật là càng có nhiều người đi sai đường như vậy.

Thứ khiến người ta chú ý đầu tiên khi xem một bộ phim, chính là hình ảnh. Tôi không quan tâm câu chuyện của bạn hay ho cỡ nào. Tôi không quan tâm ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến đâu. Hình ảnh không tạo cho tôi ấn tượng, tôi tắt máy. Khán giả là như vậy.

Nhiều người sẽ bảo rằng: Ơ hay, hình ảnh là việc của đạo diễn với quay phim mà, đâu phải việc của tôi? Tôi là biên kịch mà, việc của tôi chỉ là viết chữ. Đúng. Công việc của biên kịch là viết. Học sinh cũng viết vậy. Sao không ai mang cuốn tập làm văn ra làm phim?

Công việc chính của biên kịch, là viết kịch bản. Kịch bản là những chỉ dẫn, miêu tả, thể hiện những sự kiện, hành ảnh, hành động sẽ xảy ra trong phim. Từ những chỉ dẫn đó, đạo diễn, quay phim, diễn viên và hơn 200 nhân viên khác trong đoàn phim mới biết là họ cần phải quay phim thế nào, diễn xuất ra sao, để biến những hình ảnh được miêu tả trên giấy đó thành những đoạn phim và thành một bộ phim thực sự.

Khác với kịch bản kịch, vốn được viết ra để biểu diễn trên sân khấu, nơi mà diễn viên thể hiện câu chuyện bằng lời thoại và những hành động mang tính ước lệ; kịch bản phim được viết ra để mang lại cho người xem những biểu cảm, hành động được diễn ra một cách tinh tế thông qua những hình ảnh cận cảnh, đặc tả.

30

Bạn làm gì để miêu tả nỗi buồn? Nếu là nhà văn, bạn có thể viết 10.000 từ chỉ để miêu tả cảm giác đó. Nếu là sân khấu, bạn có thể thấy nhân vật gào lên, khóc lóc, nói với khán giả rằng “Tôi buồn quá”. Còn trong điện ảnh, chỉ cần một khoảnh khắc, một khung hình.

maxresdefault (2).jpg

Công việc của người biên kịch, không phải là ngồi gõ chữ, mà là miêu tả lại những hình ảnh xuất hiện trong đầu. Thay vì cố gắng ngồi viết cho đủ trang đủ từ, hãy nghĩ đến những hình ảnh mà bạn có thể viết ra trước đã. Còn nếu bạn không thể nghĩ ra, hãy buông bút xuống, và đi ra ngoài chụp ảnh. Tôi không cần bạn phải chụp ảnh bằng những chiếc máy ảnh hiện đại giá vài ngàn đô. Chỉ cần bạn có một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh là có thể làm được điều đó. Còn nếu quá nghèo đến nỗi không thể có 500k ra chợ Nhật Tảo mua điện thoại cũ, hãy lên Google tìm ảnh mà xem. Đó là cách rẻ nhất.

Dẫu cho kịch bản phim truyền hình thường có nhiều thoại, nhưng không có nghĩa là bạn muốn viết cái giống gì vào kịch bản cũng được. Phim truyền hình, cũng như phim điện ảnh vậy, phải luôn đặt yếu tố hình ảnh lên đầu. Lời thoại chỉ là bất đắc dĩ, dùng để thay thế cho những gì hình ảnh khó có thể thể hiện ra, hay là quá tốn kém để thể hiện. Lời thoại nếu dùng đúng chỗ, dùng đúng câu, dùng đúng cách thì sẽ là cú hích đẩy câu chuyện lên. Còn nếu dùng tràn lan, bừa bãi, thì kịch bản dễ bị vứt vào thùng rác.

KHÔNG CÓ AI SÁNG TẠO KỊCH BẢN THAY CHO BẠN

03

Trong những kịch bản phim truyền hình Việt Nam mà tôi từng nhìn qua, tôi thấy rằng trong đó có hơn 90% là thoại, chỉ có chưa tới 10% miêu tả hành động, và gần như chẳng có chút miêu tả hình ảnh nào. Nói đơn giản, đó là kịch bản kịch. Khi được hỏi về điều này, nhiều người biện hộ rằng, họ muốn “chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo”, theo như một câu nói trong một cuốn sách do một biên kịch nổi tiếng Việt Nam viết. Tôi có biết cuốn sách đó. Tôi cũng biết rằng câu nói “chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo” nằm trong chương cuối, chương Kinh nghiệm cá nhân của tác giả. Từ một câu nói xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của một người, những kẻ lười biếng sáng tạo, lười biếng suy nghĩ đã đưa nó lên thành nguyên lý, thành tấm khiên biện minh cho sự thiếu sót của mình, trong khi mấy chục chương kỹ thuật trước đó thì không thèm nhớ.

Sau này, khi có ai đó nói rằng “tôi muốn chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo”, tôi thường hỏi lại họ rằng “nếu đạo diễn và diễn viên không thèm sáng tạo thì bạn làm thế nào?”. Thực tế là, riêng đối với phim truyền hình Việt Nam hiện nay, chỉ mỗi việc quay cho kịp tiến độ đã đủ mệt rồi, chẳng có ai đủ thời gian để sáng tạo hay chỉnh sửa kịch bản. Ngoài biên kịch ra, không ai được trả tiền để làm chuyện đó. Mấy tay biên tập trong các hãng phim chỉ là mấy tay buôn thôi, chẳng có đủ trình độ để mà biên kịch trông chờ đâu.

Điều buồn cười là, biên kịch nào cũng muốn được làm bà hoàng, có quyền lực tối thượng, nhưng mỗi chuyện viết kịch bản cho tốt cho hay thì chẳng ai làm được cho nên hồn.

NGUYÊN LÝ TẢNG BĂNG TRÔI

iceberg

“Nếu như người viết biết rõ những gì anh ta viết, anh ta có thể bỏ qua nhiều điều từ những gì anh ta biết đó, và nếu như anh ta viết đủ trung thực, người đọc sẽ cảm nhận được tất cả những gì bị bỏ qua cũng rõ ràng như thể nhà văn đã nói ra điều đó với họ. Sự hùng vĩ của tảng băng trôi là ở chỗ chỉ có 1/8 của nó nổi trên mặt nước. Bảy phần chìm dưới nước cho một phần nhìn thấy. Phần chìm nền tảng đem lại sức mạnh và sự hùng vĩ cho phần đỉnh mà người ta thấy. Bạn càng biết nhiều bao nhiêu, phần chìm càng lớn bấy nhiêu, tảng băng của bạn càng hùng vĩ bấy nhiêu. Nhưng nếu người viết bỏ qua những điều đó chỉ vì anh ta thực sự không biết thì chúng sẽ chỉ để lại những lỗ hổng trong bài viết của anh ta.”

–Ernest Hemingway-

Trong tác phẩm “Death in the Afternoon” ra mắt năm 1923, nhà văn Hemingway đã viết như vậy. “Nguyên lý tảng băng trôi”, hay còn gọi là “Nguyên tắc lược bỏ” của Hemingway không chỉ thể hiện mong muốn viết “không thừa lời”, mà còn bắt nguồn từ lối viết “trưng ra” (showing) chứ không “miêu tả” hay “nói ra” (telling) xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và đặc biệt phát triển trong thế kỷ 20 ở các trào lưu văn học hiện đại chủ nghĩa. Hemingway từng viết: “Nếu như thay vì miêu tả anh trưng ra những gì anh thấy, anh có thể làm việc đó một cách có dung lượng và mang tính tổng thể, trung thực và sống động. Dù tốt hay xấu, lúc đó anh sáng tạo”.

Lối viết “trưng ra” ở nhiều nhà văn hiện đại chủ nghĩa không chỉ đáp ứng nhu cầu tái hiện lại cuộc sống một cách khách quan mà còn thể hiện sự khủng hoảng ý thức hệ của thời hiện đại, gắn liền với nguyên tắc “phi lựa chọn” (nonselection), với cái chết của “tác giả”. Khác với họ, Hemingway không phủ nhận tri thức và cảm nhận của tác giả, ông muốn “trưng ra chính sự kiện, sự vật và hiện tượng đã gợi nên những cảm nhận… đào sâu vào bản chất hiện tượng, hiểu được mạch phát triển của sự kiện và hành động đã gợi nên cảm nhận này hay cảm nhận khác”. Hemingway từng khuyên một nhà văn trẻ: “Hãy xác nhận những gì gợi lên trong anh cảm nhận, hành động nào làm anh xúc động, sau đó truyền tải lên mặt giấy tất cả những cái đó sao cho thật rõ ràng – kết quả là người đọc cũng trông thấy và cảm nhận chính những gì đã cảm nhận được”.

“Nguyên lý tảng băng trôi” của Hemingway khẳng định rằng một tác phẩm nghệ thuật có 2 phần: phần mà khán giả nhìn thấy (phần nổi) và phần ý nghĩa, câu chuyện thực bên trong (phần chìm). Phần mà khán giả nhìn thấy cần được thể hiện bằng lối viết ngắn gọn, súc tích, giản đơn, tĩnh lược, giúp người đọc có thể cảm nhận được câu chuyện và dễ dàng liên kết hơn với phần mạch ngầm, ý nghĩa ở phần chìm hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn muốn bỏ gì thì bỏ. Nếu bạn lược bỏ đi những vấn đề mà bản thân bạn không hiểu rõ nó, thì sẽ để lại lỗ hổng trong tác phẩm. Nói một cách dễ hiểu, đó là chơi ngu, chứ không phải áp dụng nguyên lý.

Ủa khoan, thằng viết bài này mâu thuẫn nè. Mới hôm qua bảo kịch bản không phải văn, bữa nay lại nói về nguyên lý văn học là sao?

Thực tế đã chứng minh, “Nguyên lý tảng băng trôi” không chỉ áp dụng trong văn chương, mà còn có mặt trong tất cả mọi vấn đề và khía cạnh của cuộc sống. Vậy thì, “Nguyên lý tảng băng trôi” được áp dụng trong Điện ảnh và kịch bản Điện ảnh như thế nào?

“Nguyên lý tảng băng trôi” trong điện ảnh dựa trên sự tối giản trong sáng tạo nghệ thuật. Tối giản ở đây không có nghĩa là đơn giản. Chúng ta có 3 mức độ cho sự sáng tạo: đơn giản, phức tạp, tối giản. Lấy ví dụ như các công đoạn thực hiện món bánh kem. Đầu tiên chúng ta có nguyên vật liệu, cái này đơn giản. Tiếp theo chúng ta có công thức, gồm một đống bước thực hiện khác nhau, khá là phức tạp. Cuối cùng chúng ta có cái bánh kem, đã được hoàn thành, nhìn đẹp mắt, ăn ngon lành, trông chẳng có gì phức tạp cả. Cái bánh kem đó, chính là sự tối giản, là kết quả của một đống công thức và quá trình thực hiện đầy phức tạp trước đó. Người ta gọi sự tối giản đó là sản phẩm, là nghệ thuật.

Bạn muốn ăn bánh kem, hay lòng đỏ trứng với bột mì, hay là bột trộn dang dở?

nwicecreamcake.jpg

Có khá nhiều người hiểu sai về sự khác nhau giữa đơn giản và tối giản. Phần lớn là do khả năng đọc hiểu ngôn ngữ không được tốt. Vậy nên thay vì đi đến sự tối giản, nhiều người lại chọn cách làm mọi thứ trở nên phức tạp. Tôi đã đọc không ít kịch bản từ phim ngắn, truyền hình đến kịch bản do những người viết kịch bản vô danh gửi đến. Rất nhiều kịch bản trong số đó là những câu chuyện rối rắm, phức tạp, trưng bày hàng đống triết lý 3 xu mà lẽ ra cần phải nhấn chìm (theo “Nguyên lý tảng băng trôi”) thì lại được trưng bày, phô diễn ra như sợ rằng người xem sẽ không biết nếu như kịch bản không nói hết. Kết quả là những kịch bản đó không khác gì mớ tuyết đông trong ngăn đá tủ lạnh, chứ đừng nói tới chữ “băng”.

“Nguyên lý tảng băng trôi” là một trong những nguyên lý quan trọng nhất trong nghệ thuật kể chuyện hiện đại. Nó lại càng quan trọng hơn đối với nghệ thuật điện ảnh, nơi sự tối giản là nền tảng của mọi hình ảnh, chuyển động, âm thanh, lời thoại, và kịch bản. Trước khi bắt tay vào viết kịch bản đầu tiên, hạy tìm hiểu kỹ, và hiểu rõ về “Nguyên lý tảng băng trôi”, cũng như phải luôn ghi nhớ trong đầu rằng ĐIỆN ẢNH LÀ NGHỆ THUẬT CỦA SỰ TỐI GIẢN.

etter-notebook-dear-santa-photo-bokeh-lights-pencil-hd-wallpaper.jpg

Khát khao được viết là một khát khao chính đáng và cũng rất cần thiết đối với bất kỳ một người làm nghề viết nào. Nhưng cái bạn viết ra có đáng để người khác đọc không lại là chuyện khác. Viết kịch bản không chỉ đòi hỏi kỹ thuật đơn thuần, mà còn yêu cầu rất nhiều tư duy nghệ thuật trong đó nữa. Một biên kịch giỏi không phải là người viết được 40 trang/ngày, cũng không phải là người thuộc lòng kỹ thuật như sách giáo khoa, mà là người mỗi chứ viết ra đều chứa đựng đầy đủ tư duy, kỹ thuật, nghệ thuật một cách mượt mà như dòng nước vậy.

Để đạt được điều đó, một biên kịch phải dành gần như toàn bộ thời gian để suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu thật nhiều, và viết thật nhiều. Và dẫu cho 90% những thứ chúng ta viết ra chỉ là rác rưởi vô giá trị, thì hãy cứ viết. hãy viết đến khi nào kỹ thuật, nghệ thuật và tư duy của bạn hòa làm một. Cho đến khi kịch bản của bạn đủ hay, thì trước đó, những gì bạn viết ra chỉ mang lại cho người đọc duy nhất một suy nghĩ là: Viết lằm viết lốn!

©yooribae

15 Replies to “[Kịch bản 101] #4: Viết lằm viết lốn”

  1. Những bài viết của bạn luôn là chủ đề mà tôi cảm thấy rất phấn khích, nó đem lại cho tôi nhiều tri thức và giá trị bổ ích mà tôi đang cố gắng tự mài mò. Cảm ơn vì sự đam mê của bạn.

    1. Sự ủng hộ của bạn là nguồn động lực to lớn giúp tôi thêm năng lượng và nhiệt huyết để viết thêm nhiều bài viết mới, cố gắng cung cấp đến bạn nhiều kỹ thuật và kiến thức hơn nữa. Cảm ơn sự ủng hộ của bạn.

    1. Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog. Mình từng thấy vài trang blog khác viết về kịch bản, nhưng mình không nhớ rõ. Chắc bạn phải tự tìm thôi. Rất tiếc vì điều này.

  2. Thật may mắn cho bước đầu chập chững học làm phim mà tìm được những trang như này. 2020 rồi, không biết giờ người viết bài này ra sao?

    1. Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^ Hôm nay là mùng 60+n Tết năm 2020, người viết bài này đang ngồi trong bếp và suy nghĩ nên bắt đầu giảm cân từ hôm nay hay ăn nốt mấy cái bánh flan sắp hết hạn sử dụng trong tủ lạnh ^_^

  3. Anh ơi, anh có bài viết nào nói về sự khác biệt giữa kịch bản điện ảnh và kịch bản kịch không ạ? Ngoài ra em cũng muốn tìm hiểu sâu về kịch bản kịch nữa, em hi vọng là anh sẽ có 1 bài viết như thế. :3 Em cảm ơn anh vì đã viết nên những bài viết thật tâm như thế <3

    1. Vân ơi, anh không nghiên cứu sâu về kịch bản kịch đâu -_- Thiệt ra phim và kịch khác nhau rõ ràng nhất là phim kể chuyện bằng hình ảnh còn kịch dùng lời thoại. Diễn viên kịch diễn thiên về hình thể còn diễn viên phim diễn thiên về biểu cảm. Cả 2 đều có cấu trúc câu chuyện tương tự nhau, chỉ khác ở cách thể hiện chi tiết. Em có thể tìm hiểu về kịch bản kịch thông qua các đầu sách hay clip youtube phân tích kịch La-Hy cổ đại, kịch Shakespeare hay kịch truyền thống của Nhật nha ^_^

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *