[Kịch bản 101] #7: Nhân vật, nhân vật và nhân cmn vật

Một điều chắc chắn rằng, phim là của nhân vật. Mỗi bộ phim đều xoay quanh một nhân vật, nói về nỗi đau của nhân vật, kể lại câu chuyện về cuộc đời của nhân vật. Tất cả đều là về nhân vật. Vậy nên phim phải là của nhân vật, chứ không phải là của biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà đầu tư hay một đứa cô hồn ất ơ nào đó trên mạng. Nhớ cho kỹ điều đó.

Bạn có một câu chuyện, bạn nghĩ là khá hay, khá hấp dẫn, bạn viết thành kịch bản, bạn làm nó thành phim, nhưng khi bạn xem phim, nhưng khi khán giả xem, có một cái gì đó thiếu thiếu. Câu chuyện của bạn rất hay, bạn nghĩ thế, nhưng tại sao khán giả không hiểu được nó? Tại sao khán giả lại ngủ gục trong rạp? Tại sao khán giả lại chuyển kênh? Tại sao khán giả lại comment dưới link bộ phim của bạn vỏn vẹn 2 chữ “như lol”? Vấn đề không nằm ở mấy em diễn viên “bình bông”, cũng không nằm ở tay đạo diễn mà bạn cảm thấy chẳng có tí năng lực nào. Vấn đề đầu tiên phải xem xét, chính là câu chuyện của bạn, nhân vật của bạn.

Như tôi đã nói trong bài trước, ở cái thời buổi phim Mc Donalds* hiện nay, chẳng có đạo diễn hay diễn viên nào đủ thời gian để chỉnh sửa hay sáng tạo kịch bản của bạn cả. Họ chỉ lo làm đúng nhiệm vụ của họ theo những gì bạn đã ghi trong kịch bản thôi. Vậy nên nếu bạn xem phim và cảm thấy “ủa sao nó khác kịch bản quá vậy?” thì 1 là do kịch bản của bạn quá tệ đến nỗi đạo diễn & diễn viên ko làm theo được, 2 là đạo diễn & diễn viên có cách hiểu khác về câu chuyện cũng như nhân vật. Mà thường là, với năng lực của bạn, thì dễ rơi vào trường hợp 1 hơn.

NHÂN VẬT

Có nhiều biên kịch hiểu sai rằng, biên kịch (hay đạo diễn) phải kiểm soát nhân vật, và bắt họ đi theo hướng mà mình mong muốn. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Nhân vật không chỉ là một cái tên hay vài chữ cái mà biên kịch viết ra. Nhân vật phải được xem như một thực thể sống, có trái tim, có linh hồn, có hơi thở, có tính cách riêng, có suy nghĩ riêng, có cuộc sống riêng với các mối quan hệ xã hội, công việc, điều kiện tài chính nhất định. Biên kịch, đạo diễn hay diễn viên chỉ là những người tái hiện lại cho khán giả biết về nhân vật đó, cùng với những gì nhân vật đã trải qua, cùng với câu chuyện của nhân vật. Người biên kịch phải có sự tôn trọng và thấu hiểu đối với nhân vật. Bạn không thể bắt buộc nhân vật phải làm theo tất cả những gì bạn muốn, bất chấp điều đó có phù hợp với nhân vật hay không. Đương nhiên, là người viết ra kịch bản, bạn vẫn có thể điều khiển nhân vật làm điều bạn muốn. Làm như vậy sẽ thuận tiện và nhanh chóng cho bạn, nhưng kết quả mang lại là một đống giấy lộn vô dụng. Đã bao lần bạn xem phim và thấy rằng những tay anh hùng thông minh suốt cả bộ phim đến lúc cần thì lại có những hành động ngu như vừa rớt não? Đã bao lần bạn xem phim và nhận ra cả đống sạn, đá trong nội dung? Những chuyện như vậy xảy ra khi biên kịch quên mất tính cách, góc nhìn của nhân vật và áp đặt nhân vật hành động theo góc nhìn mà biên kịch muốn. Tệ hại hơn, điều đó khiến khán giả cảm thấy nhân vật “giả”, bộ phim “giả”, và khi họ cảm thấy điều đó, bọ sẽ bỏ chạy khỏi phim ngay lập tức.

Phim là giả, nhưng nó phải khiến khán giả tin là thật.

Thông thường, khi gửi kịch bản cho nhà sản xuất hay đạo diễn, diễn viên, bạn phải kèm theo đề cương và lý lịch nhân vật. Chính xác hơn là Tóm tắt đề cương và Tóm tắt lý lịch nhân vật. Bản tóm tắt đề cương chỉ dài từ 3-4 trang, còn lý lịch nhân vật chỉ từ vài dòng cho đến nửa trang A4, trong khi đề cương gốc thường dài 20-30 trang đối với phim điện ảnh và 10-15 trang mỗi tập phim truyền hình. Nguyên nhân chính là vì nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên không có nhiều thời gian để đọc kỹ kịch bản ngay từ lần đầu tiên trong khi mỗi ngày họ nhận được hàng trăm kịch bản, vậy nên họ thường chỉ đọc lướt qua đề cương hay lý lịch nhân vật. Nếu đề cương quá dài, họ sẽ dễ bỏ qua. Bên cạnh đó, không nhất thiết phải gửi đi bản đầy đủ, vì bản đầy đủ chỉ nhằm phục vụ quá trình viết kịch bản của bạn, chứ không phải để đính kèm cho dày bộ hồ sơ. Tuy nhiên rất ít người hiểu và được bảo về điều này, vậy nên có rất nhiều biên kịch viết đề cương và lý lịch nhân vật một cách sơ sài như trong bản tóm tắt, dẫn đến việc biên kịch không thực sự hiểu rõ nhân vật cũng như đề cương, kết quả là kịch bản viết ra cũng trở nên sơ sài và đầy lỗ hổng. Tình trạng này biểu hiện rõ trong các phim truyền hình Việt Nam, nơi mà phần lớn kịch bản được viết bởi những biên kịch ma, những người chỉ nhìn vào bản đề cương và lý lịch nhân vật chưa tới 10 dòng và viết theo cách nghĩ riêng mà không cần quan tâm đến nhân vật hay cốt truyện hay các biên kịch ma đang phụ trách các tập khác sẽ viết những gì. Cuối cùng thì chỉ có khán giả là mệt mỏi vì phải chuyển kênh liên tục thôi.

Vậy thì, làm thế nào để có thể hiểu rõ về nhân vật nhất?

Hãy lập ra một bảng lý lịch nhân vật. Bảng lý lịch nhân vật thường dài từ 3-4 trang A4, liệt kê đầy đủ toàn bộ những đặc điểm xoay quanh nhân vật, giúp biên kịch hiểu rõ hơn về nhân vật mà mình đang và sẽ viết. Khán giả không cần biết hết về lý lịch nhân vật, bộ phim cũng không cần khai thác hết toàn bộ mọi khía cạnh của nhân vật, nhưng biên kịch thì cần phải hiểu rõ, vì mỗi đặc điểm trong lý lịch sẽ tạo nên tính cách cũng như ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, hành động của nhân vật trong suốt tiến trình hành động của phim.

Vậy bảng lý lịch nhân vật gồm những gì?

LÝ LỊCH NHÂN VẬT

Nhận dạng:

  • Họ tên nhân vật
  • Biệt danh/tên thường gọi
  • Ý nghĩa của tên gọi
  • Tuổi (ngày tháng năm sinh, cung hoàng đạo…)
  • Ngoại hình (cao, thấp, mập, ốm…)
  • Điểm đặc biệt về ngoại hình nếu có (cận, viễn, loạn thị, bị tật, gù lưng, mù, câm, điếc, nốt ruồi, sẹo, bớt, chàm…)
  • Nguyên nhân gây ra điểm đặc biệt (nếu điểm đó quan trọng, ảnh hưởng tới truyện phim)
  • Màu tóc, kiểu tóc
  • Màu da
  • Cỡ giày
  • Kiểu trang phục/ phong cách ăn mặc

Tính cách:

  • Tính cách cơ bản (hướng nội, hướng ngoại, sôi nổi, lãnh cảm, trầm tính, ngây thơ…)
  • Sở thích (màu sắc, món ăn, thức uống, hoạt động giải trí…)
  • Không thích
  • Ghét
  • Có dị ứng thứ gì không?
  • Có nỗi sợ thầm kín nào không?
  • Có chơi thể thao không? Nếu có thì chơi môn gì? Giỏi hay không?
  • Có hâm mộ ai không? Hâm mộ tới mức nào? Tại sao?
  • Có năng khiếu gì?
  • Có kỹ năng gì?
  • Tình trạng sức khỏe? Làm sao đạt được sức khỏe như vậy?
  • Ước mơ?
  • Mục tiêu sống?
  • Quan niệm xã hội?
  • Châm ngôn sống?

Hoàn cảnh:

  • Có bao nhiêu nguời thân? Gồm những ai? Bố? Mẹ? Anh chị em? Cô dì chú bác…?
  • Quan hệ với những người đó thế nào?
  • Trình độ học vấn? Lý do học tới mức độ đó?
  • Thông minh thế nào?
  • Hoàn cảnh tài chính gia đình? Tại sao đạt được mức đó?
  • Hoàn cảnh tài chính cá nhân? Tại sao đạt được mức đó?
  • Thu nhập? Tài sản cá nhân?
  • Quan hệ với các nhân vật khác trong phim?

Trên đây là những câu hỏi chính, trong quá trình lập hồ sơ lý lịch nhân vật đôi khi sẽ xuất hiện thêm những câu hỏi khác. Vấn đề khi lập bảng lý lịch nhân vật là đôi khi bạn sẽ bỏ qua nhiều câu hỏi vì nghĩ rằng nó không cần thiết, tuy nhiên việc lập lý lịch giúp bạn phác họa hình ảnh nhân vật một cách rõ ràng nhất trước khi bắt tay vào viết kịch bản, vậy nên nếu bạn phác họa nhân vật một cách sơ sài, bạn sẽ không thể nắm rõ về nhân vật. Bạn sẽ không nhận thấy gì vào lúc đầu, nhưng khi kịch bản bắt đầu đến những giai đoạn quan trọng, việc thiếu hiểu biết về nhân vật sẽ khiến bạn bị mắc kẹt, hoặc đôi khi, hùy hoại luôn nhân vật và cả câu chuyện.

TẠO RA NHÂN VẬT HẤP DẪN

1341685971142

Tất cả mọi câu chuyện đều có thể chia ra làm 4 loại:

  1. Nhân vật bình thường rơi vào tình huống bình thường
  2. Nhân vật bình thường rơi vào tình huống bất thường
  3. Nhân vật bất thường rơi vào tình huống bình thường
  4. Nhân vật bất thường rơi vào tình huống bất thường

Trong 4 loại này, loại 1 là loại đảm bảo chắc chắn sẽ không bao giờ được chọn làm phim. Why? Vì nó toàn là những thứ bình thường. Trừ khi bạn là một nhà làm phim độc lập muốn thử nghiệm và không màng tới doanh thu thì cứ việc. Nhưng nhà đầu tư và khán giả chỉ quan tâm đến những thứ “bất thường”. Đúng hơn, là những điều mà chúng ta sẽ khó có thể bắt gặp hoặc trải qua trong cuộc sống thường nhật. Khán giả xem phim là để trải nghiệm một thế giới khác với thế giới họ đang sống. Đó chính là nền tảng của sự “bất thường”. Nhân vật cũng vậy. Hãy nhớ lại những phim mà bạn đã xem. Những nhân vật để lại cho bạn ấn tượng nhất là ai? Họ là những nhân vật khác hẳn với đám người bạn gặp hàng ngày, hoặc là một người bình thường nhưng trải qua chiều chuyện kinh khủng trong cuộc sống. Đó là điểm khiến nhân vật thu hút được khán giả.

Cho nên là, để tạo ra một nhân vật hấp dẫn, hãy tạo ra một nhân vật khác hẳn với nhửng người “bình thường khác”, có thể là ngoại hình, tính cách, hay chỉ đơn giản là cách họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tạo ra sự khác biệt cho nhân vật, may ra bạn sẽ có được sự hấp dẫn.

CÁC TUYẾN NHÂN VẬT

Thông thường, mỗi bộ phim không chỉ có một nhân vật, mà bên cạnh nhân vật chính còn có nhiều nhân vật khác. Mỗi nhân vật trong phim được xếp vào một tuyến nhân vật khác nhau. Tuyến nhân vật ở đây không có nghĩa là nhân vật nào quan trọng hơn, mà nhằm xác định thời lượng xuất hiện cũng như mối quan hệ, liên kết của mỗi nhân vật trong phim như thế nào.

Characters

  • Nhân vật chính: Đây là nhân vật trung tâm của phim, tất cả mọi sự kiện trong phim đều xoay quanh hoặc dẫn đến nhân vật này.
  • Thứ – Chính diện: Nhân vật đứng cùng phe với Nhân vật chính, đồng hành củng nhân vật chính, có tác động lớn đối với tình cảm và suy nghĩ của nhân vật chính.
  • Thứ – Phản diện: Kẻ thù của nhân vật chính, kẻ đối đầu và có quyền lực, sức mạnh vượt trội so với nhân vật chính. Người sẽ đối đầu với nhân vật chính ở trận chiến cuối cùng.
  • Phụ – Chính diện: Nhân vật đi theo Nhân vật chính và Thứ – Chính diện, hỗ trợ cho nhân vật chính.
  • Phụ – Phản diện: Trợ thủ của Thứ – Phản diện.
  • Phụ – Chính diện sang Phản diện: Nhân vật này ban đầu theo phe chính diện, sau đó chuyển sang phục vụ hoặc đứng về phe phản diện.
  • Phụ – Phản diện sang Chính diện: Nhân vật này ban đầu theo phe phản diện, sau đó chuyển sang phục vụ cho phe chính diện.
  • Hài: Nhân vật mang lại sự hài hước, vui vẻ cho phim. Không quá quan trọng nhưng cần thiết để cân bằng truyện phim, nhất là với các phim nặng tâm lý, bi kịch hay hành động, kinh dị.
  • Quần chúng: Nhân vật xuất hiện trong một hay vài tình huống nhất định trong phim, làm nền cho khung cảnh. Đôi khi, nhân vật quần chúng có thể mang lại thông tin hữu ích cho các nhân vật khác, giúp đẩy mạch phim lên.
  • Cameo / Khách mời: Nhân vật quần chúng do người nổi tiếng thủ vai. Thường có tác dụng thu hút khán giả. Những nhân vật quần chúng do cameo thủ vai cũng thường là những nhân vật có thể mang lại thông tin cho các nhân vật khác.
  • Không lộ diện: Rất ít người biết về kiểu nhân vật này, nhưng đây là nhân vật xuất hiện rất nhiều trong phim. Đó là những nhân vật được-nhắc-tới, nhưng không bao giờ xuất hiện. Ví dụ như người mẹ đã chết của nhân vật, ông sếp nào đó ở trên, bạn gái cũ… Những nhân vật này không hề lộ diện, chỉ được nhắc tới qua lời thoại của nhân vật, nhưng có khả năng tác động đến suy nghĩ, tình cảm và ảnh hưởng đến chuyển biến tâm lý cũng như hành động của nhân vật.

Trong một bộ phim thường có nhiều nhân vật. Những nhân vật phụ, quần chúng có nhiệm vụ bổ trợ cho các nhân vật chính, đưa các nhân vật chính và thứ chính vào các hoàn cảnh, vấn đề, hoặc giúp họ giải quyết vấn đề đó. Tùy vào sự sáng tạo của mỗi câu chuyện, nhân vật chính, thứ chính hoặc nhân vật phụ đôi khi không phải là người mà có thể là một loài động vật nào khác như chó, mèo hay thậm chí là một cục đá, một cái cây. Cũng có phim chỉ có một nhân vật duy nhất. Cũng có phim chẳng có nhân vật hữu hình nào. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

25

Hãy luôn nhớ rằng, phim nói về nỗi đau của con người, phim là của nhân vật. Dù cho bạn là người tạo ra nhân vật, tạo ra câu chuyện, thì đến cuối cùng, nhân vật vẫn sẽ tự quyết định vận mệnh của họ. Bạn, là một biên kịch, là người kể chuyện, bạn chỉ có thể dõi theo nhân vật, và cố gắng đẩy nhân vật đến gần hơn với điều bạn mong muốn, và cố gắng để thuyết phục nhân vật đi đến cái kết bạn đã bày ra. Bạn phải thấu hiểu, và dựa vào nhân vật, chứ không phải ép nhân vật phải đi theo bạn. Trong mọi tình huống, nhân vật sẽ giải quyết theo hướng gần với tính cách bản thân nhất. Vậy nên nếu bạn muốn nhân vật làm theo ý bạn, thì hãy làm sao để thuyết phục nhân vật, và phải xây dựng thật tốt nhân vật ngay từ đầu, để nhân vật có thể đi theo hướng bạn mong muốn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn có thể xây dựng tất cả mọi nhân vật giống y như nhau đâu. Một bức tranh chỉ mỗi một màu thì chán lắm. Nhưng một bức tranh với nhiều màu sắc tương phản, đối lập, bổ trợ cho nhau thì chắc chắn sẽ đẹp hơn bức tranh chỉ có một màu. Hãy tạo ra một bức tranh nhiều mằu sắc của riêng bạn. Và đừng quên, bạn là người tô màu lên tấm vải, chứ bạn không phải là sắc màu.

©yooribae

17 Replies to “[Kịch bản 101] #7: Nhân vật, nhân vật và nhân cmn vật”

  1. Bài viết hay quá, mình muốn hỏi cái câu “Luôn luôn đặt nhân vật trước sự chọn lựa và thu xếp sao cho những chọn lựa ấy giống với nhân vật”. Cảm ơn admin vì những bài viết rất hay.

  2. Em thật sự rất thích ngành biên kịch mà chưa biết bắt đầu từ đâu cảm ơn ad rất nhiều vì đã cung cấp những kiến thức rất hữu ích.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *