Lẽ ra không định viết review phim này đâu, nhưng vì tiếc 55k đi mượn để mua vé xem phim quá nên thôi cứ viết vậy.
Đây là phim điện ảnh Việt Nam (VN) đầu tiên tôi xem trong năm nay, và cũng đã hơn một năm tôi mới vào rạp để xem phim VN, kể từ sau bộ phim Gái Già Lắm Chiêu năm ngoái.
Lý do chính khiến một người được biết đến như một antifan của phim VN như tôi lại chấp nhận bỏ tiền ra để vào rạp xem phim, là vì Hoài Linh. Trước đây, nếu là phim có Hoài Linh, thậm chí đến trailer tôi cũng chẳng buồn xem. Vì thời điểm đó, tôi biết rằng, tất cả dự án phim mà anh tham gia, đều là hài nhảm. Tôi rất thích Hoài Linh, nhưng tôi không thể xem những thứ như vậy.
Một ngày nọ, báo chí đưa tin, Hoài Linh và Chí Tài sẽ tham gia phim điện ảnh Dạ Cổ Hoài lang do Nguyễn Quang Dũng làm đạo diễn. Từ lúc đó, tôi đã chú ý đến dự án này. Khi đó, tôi đã nghĩ rằng, đây sẽ là một dự án, một bộ phim, làm thay đổi hoàn toàn hình tượng của Hoài Linh, giúp anh thể hiện được khả năng diễn xuất bi kịch, điều mà anh gần như không có cơ hội thực hiện kể từ sau MV Lý Phụ Tình hơn 20 năm trước.
Quả thật, khi xem Dạ Cổ Hoài Lang, tôi thật sự ấn tượng về diễn xuất của Hoài Linh và Chí Tài. Từng ánh mắt, biểu cảm, cử chỉ, hành động của cả hai cho thấy họ đã thực sự nghiêm túc và cố gắng hết sức mình để hóa thân vào nhân vật. Họ đã thành công. Và chỉ thế.
Nếu diễn xuất của Hoài Linh, Chí tài và cả dàn diễn viên là điểm cộng của bộ phim, thì điểm trừ của phim là tất cả các thành phần còn lại. Ngay từ những giây đầu tiên, khi tên phim hiện lên với tông màu xanh trên nền tuyết trắng, thì những quân cờ domino bắt đầu đổ.
Vấn đề đầu tiên, gây khó chịu nhất, chính là vấn đề về dựng phim. Với những người đã xem nhiều phim, không khó để nhận ra những cảnh quay bị cắt cụt một cách thô bạo, những đoạn chuyển cảnh không chút mượt mà, những cảnh chèn được thêm vào vô tội vạ, làm đứt gãy cảm xúc của khán giả khi xem phim. Có thể nói, đoạn dựng phim tốt nhất chính là đoạn cuối phim, khi fycam bay vòng vòng quay cảnh đồng quê một cách vô nghĩa.
Điểm trừ thứ hai của phim, nằm ở khâu hình ảnh. Cả hai DOP của phim đều là những tên tuổi có tiếng, đều là những người có năng lực được đánh giá cao, nhưng trong khi những cảnh quay ngoại, những cảnh làng quê được quay rất rốt, thì ở những cảnh quay nội tại bối cảnh chính chiếm tới 40% thời lượng phim, phần hình ảnh thực sự gây thất vọng.
Bối cảnh chính của phim là căn hộ nơi gia đình con ông Năm ở. Có lẽ vì để tiết kiệm kinh phí, nên đội ngũ sản xuất của phim đã sử dụng cảnh dựng. Và không khó để nhận ra đó là cảnh dựng, vì cách đánh sáng theo kiểu truyền hình cũng như các góc máy tĩnh và nhàm chán trong những cảnh này đã giúp thể hiện hết điều đó.
Dạ Cổ Hoài Lang được biết đến như một phim chuyển thể từ vở kịch cùng tên. Làm phim chuyển thể không hề dễ dàng, khi phải vừa giữ được tinh thần của tác phẩm gốc, vừa tạo ra sự mới lạ bằng cách kể chuyện theo ngôn ngữ và thủ pháp điện ảnh vốn hoàn toàn khác biệc so với cách thể hiện của kịch nghệ. Xét trên khía cạnh đó, thì việc chuyển thể bộ phim này, đã không được thành công như mong đợi.
Dạ Cổ Hoài Lang là một phim có nhiều thoại. Phần lớn thời gian các nhân vật chỉ ngồi hoặc đứng yên, và thoại. Việc sử dụng thoại quá nhiều trong những tình huống có thể thay bằng hình ảnh, cộng với việc sử dụng quá nhiều góc fix trong những cảnh thoại, khiến cho bộ phim trở nên thiếu sức sống, yếu ớt, nhàm chán và dễ khiến người xem liên tưởng đến những vở kịch truyền hình do HTV sản xuất. Bên cạnh đó, việc lồng tiếng cũng là một điểm trừ lớn của phim.
Không khó để nhận ra dấu vết của việc lồng tiếng. Đối với phim VN nói chung và phim điện ảnh VN nói riêng, lồng tiếng là thứ gia vị tệ hại nhất khiến cho bộ phim mất đi sức sống. Những giọng nói được thu âm hoàn hảo, tỉ mỉ, không chút ngập ngừng, không một hơi thở, không có một chút cảm xúc nào cứ vang lên trong phim, khiến cho nhân vật và bộ phim trở nên giả tạo, xa cách.
Cũng như việc lồng tiếng, phần âm nhạc trong phim cũng vì quá hoàn hảo mà trở nên không còn sức sống. Bản phối theo phong cách nhạc giao hưởng của bản Dạ Cổ Hoài lang tuy rất hay, nhưng trống rỗng, không hề có cảm xúc, không hề mang lại cảm giác khiến người xem rùng mình, nổi da gà khi nhạc cất lên.
Xét một cách tổng quan, thì Dạ Cổ Hoài Lang là một phim được làm chỉn chu, là sự cố gắng, tâm huyết được thể hiện rất rõ trên màn ảnh. Nhưng có lẽ vì quá áp lực, quá tham lam, quá cố gắng để mọi yếu tố trong phim trở nên hoàn hảo, mà kết cục tổng thể là bộ phim trở nên không tới, không đủ đẹp, cũng không đủ cảm xúc, khiến khán giả sau khi xem phim xong không có cảm giác thỏa mãn, mà lại có cảm giác khó chịu, khi bộ phim mình vừa xem xong, không hề dở, nhưng cũng không đủ hay đến mức có thể tạm hài lòng vậy.
Nói một cách bình dân, cảm giác như gần lên đỉnh mà bị ngừng x10 lần vậy.