Đã hơn bốn tháng kể từ lúc tôi viết bài blog gần nhất. Trong suốt thời gian đó, có rất nhiều bạn liên lạc, hỏi thăm, cũng như đề nghị tôi viết tiếp. Thực sự thì đôi lúc tôi cũng muốn viết gì đó, nhưng mấy tháng qua tôi thậm chí còn không còn đủ thời gian để thở chứ đừng nói chi tới chuyện làm anh hùng bàn phím.
Vậy suốt bốn tháng qua tôi đã làm gì?
Có lẽ nhiều bạn không biết, thời điểm tôi bắt đầu lập blog này và đăng tải loại bài Kịch Bản 101 là thời điểm tôi đang trong giai đoạn thất nghiệp. Đó chẳng phải là điều gì đáng tự hào cả, nhưng với một freelancer, thất nghiệp là chuyện có thể xảy ra thường xuyên.
Hơn một năm trước, tôi quyết định ngừng hẳn công việc biên kịch để tập trung vào công việc của một quay phim/sản xuất. Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ viết kịch bản để kiếm sống nữa. Tôi chỉ muốn viết những kịch bản mà tôi muốn, những kịch bản mà tôi sẽ đạo diễn nó. Công việc quay phim và sản xuất cũng mang lại cho tôi thu nhập ổn định hơn, không phải thảm hại như hồi còn cầm viết nữa.
Khi những dự án quay phim kết thúc, tôi loay hoay tìm kiếm công việc mới. Lúc ngày, có vài người tìm đến tôi, đề nghị tôi viết sitcom cho họ, tiện mồm kêu tôi bớt chút đỉnh rồi họ lấy tiền đó đi spa, làm tóc bla bla… Tôi không vui lắm, nên tôi quyết định thà thất nghiệp còn hơn phải bán chất xám đại hạ giá thậm chí là phá giá như vậy.
Tôi chảnh chó, vâng, đó giờ là vậy, tôi luôn như vậy.
Vậy nên tôi không có nhiều khách.
Vậy nên khách hàng của tôi phần lớn đều là những người khó tính, chỉn chu và tử tế.
Lúc họ thanh toán cho tôi đúng hạn, họ cực kỳ tử tế.
Quan trọng hơn, họ cho tôi cảm giác được tôn trọng.
Sau cú shock sitcom đại hạ giá, tôi chán nản thực sự. Đó là thời điểm Kịch Bản 101 ra đời.
Kịch Bản 101 vốn như một món quà tôi để lại sau khi quyết định nghỉ việc viết lách kiếm sống vĩnh viễn. Tôi chưa từng nghĩ rằng từ những bài viết này, tôi lại có thêm những người bạn mới, cũng như nhận được nhiều sự ủng hộ như vậy.
Tôi thật sự vô cùng biết ơn.
Để đào tạo ra một biên kịch làm được việc thực tế tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Vậy nên từ khi Kịch Bản 101 được lên sóng, dù có không ít bạn liên hệ xin theo thực tập, tôi đều từ chối.
Một phần vì tôi quá lười, một phần nữa là vì tôi đã bỏ nghề nên chẳng có việc gì để phải tuyển và đào tạo thêm thực tập sinh cả.
Tôi nghĩ thế đấy.
Cách đây sáu tháng, CGV tổ chức một cuộc thi tìm kiếm kịch bản. Kịch Bản 101 bỗng dưng có lượt xem cao bất ngờ. Thời gian đó, một bạn nhà văn trẻ cũng tham gia cuộc thi đã liên hệ với tôi. Ban đầu chỉ là kết bạn vì cùng muốn làm phim, rồi trước khi tôi kịp nhận ra, tôi đã hướng dẫn cho bạn ấy quá nhiều kỹ thuật viết kịch bản mà tôi còn chưa tiết lộ trong Kịch Bản 101. Khi tôi kịp tỉnh lại, thì chúng tôi đã cùng nhau thực hiện một bộ webdrama nhỏ.
Đó là một bộ webdrama thuộc thể loại tình cảm lãng mạn, với thời lượng chỉ có 5 phút x 8 tập; và chúng tôi đã thực hiện nó tới nay là 5 tháng.
5 tháng cho một dự án webdrama với tổng thời lượng chỉ 40 phút. Thật điên rồ, đúng không?
Tôi cũng thấy vậy.
Dù sao thì, dự án này cũng giúp tôi học hỏi và nhận ra nhiều thứ mà tôi đã quên mất. Nó cũng giúp tôi vực dậy sau một khoảng thời gian dài loay hoay lạc lối.
Không biết tại sao, chỉ đến lúc này, sau khi tôi đã từ bỏ một thời gian dài, hàng loạt lời đề nghị viết và biên tập kịch bản lại đồng loạt xuất hiện.
Tôi có nên quay lại ngồi trước máy đánh chữ không? Hay tôi nên cầm máy quay lên và bước tiếp?
Đó là điều mà tôi đang cân nhắc.
©yooribae.
⊕P/S: Tôi sẽ sớm quay trở lại, có thể là với Kịch Bản 101 mùa 2, hoặc có thể là một series hoàn toàn mới. Hãy cho tôi biết bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề gì, có thể đó sẽ là chủ đề cho bài viết sắp tới của tôi đấy. ^_^
Thấy có bài mới là phải vào cmt ủng hộ anh cái rồi mới đọc , hóng mãi :3
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^
Phim của đạo diễn yorgos lanthimos , phim của ổng cứ dì dị và ám ảnh sao ấy , hay anh có thể khai thác nó làm chủ đề mới được ko ?
Mình từng xem phim của ổng, nhưng cũng lâu rồi và cũng chưa xem hết các phim của ổng nữa. Cơ mà chủ đề này rất thú vị, cảm ơn bạn ^_^