[Review] Come Back Home – Con đường nào để trở về nhà?

Mọi người gọi tôi là “Kẻ anti phim Việt“. Có hơi oan ức một chút, bởi tôi không hoàn toàn ghét phim Việt Nam. Không phải là tất cả. Tôi chỉ đơn giản là bị dị ứng: Chứng dị ứng phim dơ. Không quan trọng là phim nước nào, dơ là tôi không xem được. Dơ ở đây không có nghĩa là mấy phim lấy bối cảnh bụi bặm đường phố, không, tôi thích mấy phim như “Slumdog Millionaire” lắm. Dơ ở đây là tư duy và nhân cách của biên kịch, đạo diễn thể hiện qua hình ảnh và nội dung phim, mà tiếc rằng vì là người Việt Nam nên tôi dễ nhìn thấy mấy phim dơ nước mình hơn phim dơ nước khác. Tóm lại, là hiểu lầm thôi, chuyện tôi anti toàn bộ phim Việt Nam ấy. Bởi có những phim, không phải quá xuất sắc, nhưng tôi vẫn dành thời gian để xem, để còn có chủ đề mà về nhà nằm chửi.

COME BACK HOME – CON ĐƯỜNG NÀO ĐỂ TRỞ VỀ NHÀ?

Trước khi đến với phần tiếp theo, vui lòng xem phim trước.

https://youtu.be/YKQhtSZ2Nro

Come Back Home, phim ngắn tốt nghiệp của một đạo diễn tuổi không còn quá trẻ, lại có thể thuyết phục tôi bởi một lý do khó tin: Sự can đảm. Sự can đảm khi dành một khoản đầu tư và công sức lao động nhiều đến bất ngờ cho một phim ngắn tốt nghiệp. Sự can đảm khi sẵn sàng đưa một sản phẩm hình ảnh với chi phí đầu tư nghe xong muốn xỉu lên Youtube để chiếu miễn phí cho nhiều khán giả khi mà nguyên phim không có tí trái cây nào. Hơn tất cả, đó là sự can đảm khi gửi vé mời ra mắt phim cho kẻ mà thậm chí chỉ đi xem phim Việt của đạo diễn trong top 5 và xem sau 22h để có vé rẻ nhất; yes, that’s me. Chưa từng có ai, kể cả không ít đạo diễn phim arthouse (tự xưng) mà tôi từng hỗ trợ khi họ mới chập chững làm phim, có lòng mời tôi tới buổi ra mắt phim của họ; chứ đừng nói đến việc gửi tới cặp vé mời xinh xắn đáng yêu thơm phức kèm lời nhắn “Chửi đi đừng sợ”. Vâng, nhiêu đó đủ làm phim ngôn tình rồi.

Quay lại chủ đề chính: Chửi phim. Đùa thôi. Nếu đây là một phim quá tệ, tôi chẳng việc gì phải phí sức nửa đêm ngồi viết mấy dòng này. Nếu đây là một phim tuyệt vời, bạn sẽ chẳng thể xem phim này đâu vì phim vừa chiếu xong là tôi sẽ chạy tới năn nỉ đạo diễn gửi phim đi Cannes liền.

Vấn đề của phim này là: Phim làm tôi khó chịu.

Sẽ rất dễ dàng khi nhận xét về một phim mà bản thân chẳng biết gì xoay quanh hậu trường bộ phim cả. Hoặc dễ hơn là bình luận phim với tư cách là crush hay bồ cũ của đạo diễn/biên kịch phim. Đáng tiếc, trường hợp của bộ phim này lại không dễ dàng như vậy.

Chứng nhận được mời đi coi
Chứng nhận được mời đi coi

Trước tiên, hãy nói về điểm sáng của phim:

1. Chỉn chu

Trong một lần trò chuyện, anh Khoa Nguyễn – đạo diễn phim này – đã nói với tôi rằng: “Mọi người đều làm phim để kiếm tiền, nhưng nhiều người chỉ lo kiếm tiền mà quên mất rằng: Trước tiên phải làm phim cho ra phim“. Một câu an ủi khá hay ho, nhất là sau khi anh nói 50 câu vùi dập cái tôi của tôi trước đó. Quả thật, khi xem phim ngắn này, suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Chỉn chu“. Có thể dễ dàng nhìn thấy, đạo diễn đã rất chỉn chu từ nội dung kịch bản, lấy tâm lý cho diễn viên, chọn lựa hình ảnh, tone, mood, flow cho toàn phim. Những thứ đó thể hiện gu thẩm mỹ và tư duy làm phim nghiêm túc, không thể tìm thấy trong mớ hỗn độn đang chen nhau ngoài rạp Tết này.

2. Diễn xuất

Diễn xuất là vấn đề gây khó chịu nhất trong phim Việt Nam. Ai không tin nhìn Chi Pu diễn 30s là biết. Một vấn đề mà rất rất nhiều phim từ thị trường chợ rau đến arthouse pornhub gặp phải, đó là casting diễn viên nghiệp dư để tiết kiệm chi phí, rồi để đám nghiệp dư đó diễn đơ diễn lố vô tư vì đạo diễn hoàn toàn không có kỹ năng chỉ đạo diễn xuất. Đáng mừng thay, phim ngắn này tuy ít diễn viên, nhưng tất cả đều biết diễn. Không quá xuất sắc, nhưng ít ra đủ để người xem cảm nhận. Thêm điểm cộng cho nam chính ăn hình.

3. Đạo diễn biết mình muốn gì và cần gì

Lần đầu khi nghe về chi phí hoàn thành bộ phim, tôi hơi hoảng. Với đứa nhỏ đi theo dòng phim kinh phí thấp và cực kỳ thấp như tôi, con số đó đủ cho tôi làm nguyên một phim feature chứ đùa. Nhưng không, ngân sách với dãy số gần chục quả trứng đó chỉ để làm một phim ngắn tốt nghiệp. Tôi từng nghĩ “Chời má có người điên hơn cả mình nữa hả?“. Tôi dậy sớm ăn diện xinh xẻo đi qua nửa thành phố tới rạp xem phim cũng vì tò mò chuyện đó. Điều tôi lo ngại nhất là, không thể nhìn thấy chi phí làm phim hiện diện trên màn ảnh, như nhiều phim chiếu rạp mà hình ảnh như quay bằng điện thoại Xiaomi không có tiền thuê đèn luôn ấy. May mắn thay, tôi có thể nhìn thấy hơn một nửa số tiền rõ nét trên phim.

Phim quay đêm. 100% cảnh quay là đêm. Máy quay tốt, đèn tốt, DP để nguyên con đèn 18 ký đánh banh đường luôn là biết phim giàu rồi. Xe hơi đẹp. Bối cảnh tốt. Quay chỉn chu tầm 1 tuần đúng chuẩn điện ảnh quả thật phải tốn tầm nhiêu đó. Ủa khoan, đó là việc của sản xuất mà? Lộn kèo.

Có hai vấn đề đạo diễn mới thường gặp. Một, là quay một cảnh ngàn shot, vì không biết mình muốn hình ảnh thế nào, xong về dựng phim ngồi khóc nửa tuần vì shot nào cũng tệ như nhau mà hận không format all được. Hai, là một cảnh một (và chỉ một) shot. Nhân vật ngồi im, nhìn máy, không khác gì ảnh thờ, im lặng, xả source nửa năm, trăm cảnh như một. Dựng phim ngồi khóc tiếp, vì cắt ghép xong hết nội dung vừa đủ cái gif up Instagram mà đạo diễn bắt kéo ra 20 phút cho đủ chuẩn đi Cannes. Trường hợp khác, mọi đạo diễn đều gặp, là sai raccord mà không ai check. Trường hợp này dựng phim vừa hút cần vừa khóc, hổng ai care.

Phim ngắn này, may mắn thay, hình ảnh gần như hoàn toàn mượt mà, coi dễ chịu, không bị giật cục, cũng không cố nhồi nhét 5000 cái thông điệp vô nghĩa vào cùng 1 khung hình. Cảm thấy không phí tiền bắp nước sau khi xem.

Hình chôm từ facebook đạo diễn
Hình chôm từ facebook đạo diễn

Bắp no nước (ngọt) say rồi, giờ tới phần chửi.

1. Kỹ xảo

Chắc không nhiều người biết, nhưng Tân Bình và Thượng Hải là hai công xưởng chuyên làm hoạt hình và kỹ xảo hình ảnh cho toàn thế giới. Tuy vậy, không phải công ty nào làm kỹ xảo cũng tốt. Công ty làm kỹ xảo cho phim này là ví dụ. Nguyên phim có mỗi một cảnh kỹ xảo ăn tiền mà làm không xong, nhìn giả rõ ràng, coi tụt mood. Đề nghị đạo diễn đòi lại tiền hoặc phim sau bắt giảm giá.

2. Lồng tiếng

Tôi là đứa cực nhạy cảm với âm thanh trong phim. Một phần cũng vì hồi nhỏ làm phim bị lỗi âm thanh tệ không dám nghe lại nên phải tự tìm hiểu thành thói quen. Phần là vì xem phim trên laptop toàn đeo tai nghe vặn max volume nên quen với kiểu phim có âm thanh thực, lồng tiếng giả phát nghe ngay. Như phim mới đây của chị Mỹ Tâm có đoạn chị đứng cãi nhau với trai trong hầm gửi xe, chị khóc chị nấc chị nói không nên lời máy thu lấy được tiếng thở của chị đưa vô phim nghe cảm động liền. Tương tự, trong trường hợp phim ngắn này, âm thanh gây chú ý ngay từ đầu, vì nó giả.

Tiếng thở con người nói lên rất nhiều thứ. Niềm vui, nỗi buồn, sự kìm nén cảm xúc, nỗi đau, bất lực, cô đơn, sợ hãi… mỗi xúc cảm, mỗi con người lại có tiếng thở khác nhau. Phim bắt đầu với nhân vật đang đau đớn, hoang mang, có phần sợ hãi; nhưng tiếng thở lại mạnh và gấp rút như vận động viên mới chạy nước rút 100m về. Tiếng thở giả tạo có lẽ được lồng lại ở khâu hậu kỳ vô tình gây ra sự khó chịu cho người xem khó tính ngay từ đầu phim, khiến người xem khó cảm được nhân vật và cảm xúc của phim.

3. Hình ảnh lặp lại

Có thể hiểu, đạo diễn muốn nhấn mạnh cảm xúc của nhân vật và vấn đề tạo ra biến cố nhân vật gặp phải bằng cách nhấn lại một khoảnh khắc hai lần; nhưng phần chuyển cảnh chưa mượt mà và cảm xúc không đủ mạnh ở nhân vật làm đoạn này có cảm giác thừa thãi. Tương tự, đoạn cuối phim bị kéo dài khiến người xem hơi chùng cảm xúc, nhưng đoạn đó có thể bỏ qua vì khúc đó có thể hiểu ý đồ.

4. Phim quá hiền

Người ta nói “đọc văn biết người“, xem phim là có thể đoán được tính cách của biên kịch và đạo diễn. Sau khi xem phim này xong, tôi thấy đạo diễn này hiền thiệt sự. Dù tôi biết đạo diễn từng làm giáo dục, nhưng tôi có hơi quan ngại rằng thế này là quá hiền. Bộ phim với thông điệp về “home” – nhà, cũng có nghĩa là gia đình – được thể hiện với góc nhìn và cách thể hiện khác biệt, ấn tượng nhưng đâu đó có cảm giác hoang mang rằng phải chăng còn thiếu cái gì đó?

Cảm giác đáng tiếc nhất sau khi xem phim, là cảm giác phim chưa “tới“. Có lẽ vì yếu tố (giống) kinh dị ở đầu phim khiến yếu tố tâm lý cuối phim trở nên lạc nhịp? Hay vì cái kết quá nhẹ nhàng không đủ đánh thức con nhỏ tâm thần bên trong mình? Có thể nhìn thấy những ẩn ý tiên quan đến tâm lý và triết học trong phim, nhưng lại ẩn quá sâu và chưa được thể hiện đủ rõ để dễ dàng cảm nhận.

Đó là lý do tôi nói rằng: Phim này khiến tôi khó chịu. Cảm giác khó chịu như chỉ thiếu một hạt muối hay nấu thêm vài giây nữa món canh sẽ tuyệt vời vậy. Món canh này không dở. Đầu bếp có một sự mạo hiểm. Nhưng nó chưa đủ mạo hiểm để vượt qua mức an toàn. Trong bóng chày, đó là một cú đánh bóng tốt, nhưng chưa đủ mạnh để thành một cú home run.

Tất nhiên, mỗi người một quan điểm riêng. Với mấy đứa cực đoan như tôi, home run or go home. Nhưng đạo diễn Khoa Nguyễn đã có một màn “Come Back Home” tuyệt vời, một cú bóng tốt, cho một màn debut.

Poster phim

Bản thân tôi dễ cáu nhất là khi một kẻ nào đó làm ra những thứ video mà tôi không xem nổi lại dám mở mồm dạy tôi về cách làm phim. Còn ông anh này, người đã oánh vào cái tôi đáng sợ của tôi một cách thẳng thắn, lại khiến tôi không thể từ bỏ sự tôn trọng. Người theo đuổi nghiệp làm phim hiếm khi công nhận người khác thật lòng, đơn giản vì cái tôi sẽ cảm thấy bị tổn thương nếu thật lòng làm điều đó. Nhưng mà, sau khi xem xong phim ngắn này, sau khi trải qua hơn một tháng trời với chứng trầm cảm sau sinh, lộn, rối loạn lo âu, để viết ra những dòng này; tôi thấy rằng không có vấn đề gì khi gửi tới bộ phim này một lời khen ngợi.

Dear Khoa Nguyễn,

Cảm ơn anh đã đối xử chân thành với em. Cảm ơn đã giúp em nhớ rằng vẫn có những đạo diễn có tâm với nghề, để em có thể hy vọng vào một tương lai xem phim Việt Nam thay phim Hàn Quốc.

Khoa Nguyễn, anh đã làm rất tốt rồi. Em mong rằng anh sẽ thành công, để mấy đứa như em không phải đi tạo nghiệp nữa.

Các nhà đầu tư, nếu anh chị đang đọc tới dòng này, đây là đạo diễn em nghĩ anh chị nên để mắt. Một người có đạo đức, biết cách dùng tiền, có phim em xem được và không bị em chửi, anh chị không kiếm được mấy người như vậy đâu.

Biên kịch à, tôi viết nguyên bài như này còn chưa được nhận job nè, bạn hãy cố gắng hơn đi.

Come Back Home, phim ngắn tốt nghiệp, không, phim ngắn debut của đạo diễn Khoa Nguyễn, là một sự thành công. Tôi mong chờ một màn “comeback” nữa, hoành tráng hơn, tuyệt vời hơn, hy vọng là một sự mạo hiểm đầy mạnh mẽ.

Lời chúc mừng đến từ “kẻ anti phim Việt”.

©yooribae


⊕P/S: Sau hơn tháng trời nằm bẹp nhìn thiên hạ chim nhau thì hôm nay cũng viết được vài chữ. Bản review nháp tháng trước viết đậm cảm xúc cá nhân và thảo mai quá nên viết lại. Thử type bằng điện thoại nên câu cú có thể lộn xộn, ý tứ có thể chưa hay, mà thôi, viết kỹ quá người ta lại bảo ăn tiền viết review thì oan uổng lắm huhu 😢

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *