“Nội dung phim yếu với một kịch bản rời rạc, thiếu thuyết phục, tính cách nhân vật thiếu chiều sâu, chưa được lý giải thấu đáo”, “Dàn nhân vật cứ thế quay cuồng trong việc đi tìm rồi lại lạc mất nhau mà không có mục đích cụ thể”, “Nhiều tình tiết khiên cưỡng, ngô nghê”, “Phim ôm đồm nhiều tuyến nhân vật nhưng không ai thực sự được đầu tư, các tình tiết đầy rối rắm nhưng chưa giải quyết đến nơi đến chốn”… Đó là những nhận xét từ khán giả, báo chí cho không chỉ một mà rất nhiều phim chiếu rạp Việt Nam ra mắt trong vòng 10 năm trở lại đây.
Dù nền điện ảnh Việt Nam mỗi năm đều có ít nhiều phim chất lượng tốt, nhưng số lượng phim có chất lượng tệ hại mỗi năm chỉ có tăng lên. Điều đáng buồn hơn là, nếu chịu khó ngồi tính tỷ lệ phim hay/phim dở (theo nhận xét của báo chí, khán giả và bản thân bạn) và tìm hiểu về đội ngũ sản xuất đằng sau, thì bạn sẽ nhận ra rằng, rất nhiều phim dở được làm bởi đạo diễn xuất thân từ trường Sân khấu & Điện ảnh, còn phần lớn phim hay lại đến từ đạo diễn tay ngang hoặc học nước ngoài về. Điều này có nghĩa chất lượng giảng dạy của các trường Điện ảnh nước nhà không tốt? Không hẳn vậy. Vấn đề không nằm ở việc học, mà nằm ở tư duy và cách thực hành.
Một vấn đề rất lớn mà sinh viên ngành Đạo diễn ở Việt Nam gặp phải, đó là việc thiếu hẳn kỹ năng tư duy độc lập, tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, khả năng lãnh đạo, kỹ năng thực hành. Gói kỹ năng này vốn dĩ không có trường nào dạy hết được, mà nằm ở chính bản thân mỗi người học. Thế nhưng, không ít sinh viên ngành phim, thay vì tập trung nghiên cứu và thực hành ngôn ngữ điện ảnh, lại cố gắng lao đầu vào kiếm tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dấn thân vào ngành công nghiệp làm phim vốn đã lỗi thời về mặt quy trình và tư duy, nhận thức. Không ít sinh viên ngành Điện ảnh khi được hỏi đã không hề hay biết gì về lịch sử điện ảnh miền Nam từ năm 1956 đến 2006. Nếu bạn tìm hiểu về nền điện ảnh Sài Gòn trước năm 1975 và thị trường phim ảnh TP. HCM từ năm 1976 đến nay, bạn sẽ hiểu lý do vì sao nền phim ảnh nước nhà lại có vẻ như vô vọng thế này. Còn nếu bạn muốn blog chia sẻ về chủ đề đó, link donate tại đây.
Việc gia nhập thị trường lao động quá sớm mà thiếu đi những kỹ năng cần thiết khiến rất nhiều người học và làm phim không có thời gian rèn giũa, phát triển tư duy, tầm nhìn, năng lực bản thân. Kết quả là, khi cơ hội đến, những người học làm phim vốn đã quen với kiểu làm phim chộp giật – hay còn gọi là phim “mì ăn liền” – của các thế hệ tiền bối làm phim trước đó, ngay lập tức làm ra những bộ phim tệ không thể tả, mang lại sự phẫn nộ cho cả nhà đầu tư lẫn khán giả vô tội.
Để lấp liếm cho điều đó, nhiều đạo diễn có xu hướng tỏ vẻ như bản thân là một nghệ sĩ thiên tài bị đánh giá sai và những lời phê bình của khán giả chỉ là những chỉ trích lệch lạc đến từ những người thiếu lòng yêu nước mù quáng. Khi không thể biện minh cho sự kém cỏi của mình, cũng không thể tiếp tục đổ lỗi cho quyết định chọn phim của khán giả, họ liền tìm cách đổ lỗi cho vị trí dễ dàng bị tấn công nhất trong mọi vị trí mà ngành phim có: Biên kịch.
Khi Alfred Hitchcock thở ra câu quote huyền thoại: “To make a great film you need three things – the script, the script and the script”, ý của ông là thế này: Muốn làm phim hay, đầu tiên phải có kịch bản tốt. Mà kịch bản tốt từ đâu ra? Từ tài năng của biên kịch, tầm nhìn của đạo diễn, niềm tin của nhà sản xuất mà có chứ còn từ đâu nữa? Thế nhưng, trong nhiều năm, nền điện ảnh nước ta thiếu hẳn những cơ sở, chương trình đào tạo nhà sản xuất, biên kịch có chất lượng. Rất nhiều nhà sản xuất bắt đầu sự nghiệp từ ngành đạo diễn. Rất nhiều biên kịch xuất thân từ ngành văn học hoặc báo chí. Và những ngành đó hoàn toàn không dạy bất kỳ kỹ thuật chuyên môn nào có ích cho việc viết kịch bản hay sản xuất phim đáp ứng tiêu chuẩn thương mại. Một nhà sản xuất làm phim với tư duy đạo diễn, một biên kịch viết kịch bản với tâm thế của một nhà văn, một đạo diễn xem làm phim chỉ như công việc kiếm sống qua ngày mà không có bất kỳ mục đích nào cao đẹp hơn; đó chính là tổ hợp đã, đang và sẽ mãi luôn tạo ra những bộ phim khiến khán giả cảm thấy lãng phí sức lao động của bản thân.
Tuy vậy, nếu nói rằng phim dở là do biên kịch có lỗi đầu tiên, bởi biên kịch là người chịu trách nhiệm cho phần kịch bản, thì điều này có phần oan ức. Trong suốt sự nghiệp của mình, phần lớn biên kịch chuyên nghiệp chẳng có mấy cơ hội được nhìn thấy kịch bản được phát triển từ ý tưởng của bản thân được đưa vào sản xuất. Hầu hết nhà sản xuất, đạo diễn thuê biên kịch về để phát triển ý tưởng mà họ nghĩ ra (hoặc chôm được từ đâu đó). Hiếm lắm mới có nhà sản xuất, đạo diễn chấp nhận kịch bản được sáng tạo hoàn toàn bởi biên kịch. Điều này xuất phát từ tư tưởng và thiên kiến của rất đông người khi nghĩ về ngành phim. Nhà sản xuất đứng ở vai trò là người bỏ tiền ra, nên muốn làm phim mà bản thân thích. Đạo diễn muốn tỏ ra có năng lực, nên muốn biên kịch viết theo ý mình. Trong khi đó, nhiều đạo diễn và nhà sản xuất (như đã chia sẻ ở trên) chẳng có tí kiến thức hay năng lực gì trong việc kể chuyện cả. Khi người không biết nấu ăn bắt đầu bếp Michelin phải chế biến món ăn theo ý mình, ai cũng biết kết quả của món ăn đó.
Sau tất cả, biên kịch chỉ là người viết ra kịch bản theo yêu cầu. Biên kịch chẳng có quyền gì cả. Đạo diễn muốn một cô gái thông minh với IQ 120 phải đi làm sugar baby vì không biết làm gì khác? Biên kịch phải viết theo. Sản xuất muốn làm một phim tình cảm lãng mạn với 50% hài, 30% hành động, 15% cảnh nóng và 0,1% tâm lý? Biên kịch hoặc làm, hoặc mất việc vào tay kẻ khác. Vậy biên kịch có thực sự phải chịu mọi trách nhiệm khi tất cả những gì họ làm chỉ là nghe theo lời những người luôn tự hào là được đào tạo bài bản, được học qua trường lớp, những người thuê họ?
Phần lớn người học và làm phim được bảo rằng: Phim là của đạo diễn. Đạo diễn mới là người quyết định tầm nhìn, chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật của bộ phim. Nhà sản xuất là người quyết định có lấy tiền vay mượn từ nhà đầu tư đổ vào dự án phim đó hay không. Nếu như đạo diễn có tầm nhìn, nhà sản xuất biết dùng tiền, thì khả năng một phim dở được sinh ra sẽ có phần giảm bớt. Nhưng điều đó không phải là thứ dễ dàng thay đổi. Khi nhiều đạo diễn vẫn không hiểu được phim thương mại với phim nghệ thuật là gì, khi nhiều nhà sản xuất vẫn làm phim vì tin/tưởng rằng khán giả đã thích một phim cũng sẽ thích mọi phim có nội dung y hệt, thì chừng đó phim dở (và dơ) vẫn còn cách để tồn tại.
Vậy lý do gì, mà khi phim hay thì báo chí khen đạo diễn, còn phim dở thì đổ tại biên kịch?
Câu chuyện về sự biến mất của các nhà phê bình có bằng cấp và sự trỗi dậy của các chiến thần review phim đến từ Youtube, Tiktok, mục Giải trí của các tờ báo, trang tin điện tử đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà như thế nào, chúng ta hãy cùng chia sẻ vào một dịp khác.
Khi phim thành công, người ta sẽ tôn vinh đạo diễn, ngợi ca diễn viên. Khi phim thất bại, mọi tội lỗi sẽ dồn hết lên đầu người yếu thế nhất. Này biên kịch, người đang đọc những dòng chữ này, bạn mạnh mẽ đến đâu?
©yooribae