Tại sao KHÔNG nên để đạo diễn và diễn viên tự sáng tạo?

Có ý kiến cho rằng, biên kịch chỉ cần viết kịch bản một cách khái quát, còn lại dàn dựng cảnh quay như thế nào là việc của đạo diễn và dựng phim. Quan điểm này hoàn toàn sai lầm, nhất là vào thế kỷ 21, khi mà bất kỳ ai với chiếc smartphone trong tay cũng có thể làm phim đoạt giải quốc tê. Thậm chí, từ xa xưa, khi điện ảnh còn chưa hình thành, thì những nhà soạn kịch đã được dạy rằng người viết kịch bản là người kể chuyện đầu tiên; nếu câu chuyện trên kịch bản không đủ hay, thì vở kịch chắc chắn sẽ tệ hại.

Kịch bản phim phiền phức hơn kịch bản kịch khi được thể hiện chủ yếu bằng hình ảnh và rất nhiều kỹ thuật cắt dựng, chuyển cảnh khác nhau để cảnh phim có thể truyền đạt thông tin đến khán giả hiệu quả trong thời gian cực ngắn. Chính vì vậy, công việc của người viết kịch bản phim lại càng phải tính toán nhiều hơn, bởi mỗi cảnh quay được đưa vào sản xuất sẽ tốn hàng mớ tiền, và mỗi cảnh quay phải gọt giũa hoặc cắt bỏ sẽ gây lãng phí tiền bạc và ô nhiễm môi trường nhiều hơn nữa. Trách nhiệm lớn đòi hỏi tầm nhìn lớn. Biên kịch là người đầu tiên phát hiện ra câu chuyện, là người đầu tiên có tầm nhìn về câu chuyện và thể hiện lên kịch bản phim. Biên kịch không có tầm nhìn thì kịch bản viết ra chỉ là một mớ hỗn độn, vô nghĩa, vô giá trị.

Khi nói về tính sáng tạo và nghệ thuật của một bộ phim, người ta thường nghĩ ngay đến vị trí đạo diễn. Tuy nhiên, về mặt thực tế công việc, biên kịch là người chịu trách nhiệm về nội dung phim trước tiên. Ngay cả khi một đạo diễn tự tay viết kịch bản phim của riêng mình, thì việc đầu tiên người đó cần làm vẫn là ngồi vào ghế biên kịch chứ không phải ngồi trên phim trường nghĩ xem mình sẽ chỉ đạo diễn xuất như thế nào.

Nhiều biên kịch và đạo diễn non kinh nghiệm thường hiểu lầm rằng kịch bản chỉ đơn thuần là một văn bản miêu tả nội dung phim cùng với lời thoại để diễn viên tham khảo; kết quả là rất nhiều kịch bản được viết ra một cách sơ sài, và điều này dẫn đến sự thất bại có thể đoán trước được của tất cả các phim được làm ra từ những kịch bản đó.

Kịch bản phim không chỉ đơn thuần là một bản hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì hộp sữa. Kịch bản phim cũng giống như bản vẽ kiến trúc, công thức nấu ăn, phác đồ điều trị ung thư hay văn bản hướng dẫn thi hành luật; đó là: Mọi thông tin được đưa ra phải đầy đủ và chính xác nhất có thể. Nói một cách dễ hiểu, một kịch bản được trình bày đúng hình thức, đầy đủ nội dung cần thiết, mọi chỉ dẫn về hình ảnh, hành động hay lời thoại đều rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thể loại phim, tính cách nhân vật là nội dung câu chuyện; sẽ luôn có khả năng thành công cao hơn một kịch bản chỉ vỏn vẹn 20 trang sơ sài cho một phim chiếu rạp dài 90 phút.

Trong khi các biên kịch, đạo diễn lĩnh vực phim truyện thường có xu hướng xây dựng kịch bản thiếu chặt chẽ với nhiều cảnh quay thừa thãi, thời lượng kịch bản không chính xác với thời lượng phim, cá biệt có những phim quay xong phải cắt bỏ gần một nửa thời lượng, hoặc phải làm tới hai bản mới chứa đủ nội dung, cùng tư tưởng “quay dư cho hậu kỳ thoải mái” mặc kệ chi phí sản xuất bị lãng phí đến chừng nào; thì trong lĩnh vực phim quảng cáo và hoạt hình, mọi kịch bản đều phải được hoàn thiện chính xác đến từng điểm cắt dựng trước khi được đưa vào sản xuất. Bởi vì phim quảng cáo và hoạt hình đều ngốn cực kỳ nhiều tiền bạc cho mỗi giây hình ảnh, nên các nhà sản xuất, nhà đầu tư đều không muốn lãng phí dù chỉ một đồng xu cắc bạc. Đó cũng là lý do lương biên kịch quảng cáo và hoạt hình thường cao hơn phim truyện thông thường.

Việc trình bày kịch bản phim đúng cách luôn gây khó chịu cho không ít người muốn làm biên kịch. Dù các yếu tố, yêu cầu, nguyên tắc trình bày đều đơn giản, nhưng nhiều người thường bỏ qua với lý lẽ rằng kịch bản chỉ cần hay, không cần trình bày đẹp. Nhưng người đọc kịch bản – ở đây là nhà sản xuất, nhà đầu tư – có mấy ai nhìn vào một kịch bản vô hồn, câu cú lủng củng, trình bày lộn xộn, ngập lỗi chính tả mà chịu đọc tới trang thứ 5, chứ đừng nói tới chuyện vỗ tay tán thưởng? Có mỗi chuyện trình bày văn bản cho đàng hoàng còn làm không xong, ai dám tin vào năng lực viết lách của những người như vậy?

Bên cạnh đó, một kịch bản được trình bày sơ sài là nguồn cơn cho hơn một nửa số câu chửi thề của mọi bộ phận trong đoàn phim. Điểm chung của các kịch bản kiểu này là không miêu tả đầy đủ về bối cảnh, ngoại hình cũng như cảm xúc của nhân vật. Một bối cảnh không được miêu tả chính xác trong kịch bản thì khi lên phim tổ thiết kế và chủ nhiệm phim có thể hiểu sai và chọn nhầm bối cảnh không phù hợp. Nhân vật không được miêu tả rõ về ngoại hình hay phục trang sẽ dẫn đến việc casting diễn viên không phù hợp hoặc trang phục không thể hiện được tính cách nhân vật. Kịch bản không miêu tả những cảm xúc có thể nhìn thấy của nhân vật thông qua hình ảnh hay lời thoại, thì diễn viên có thể diễn sai với ý đồ mà biên kịch nghĩ tới nhưng không đưa vào. Một sự hiểu sai, hai chục hiểu lầm, một trăm quyết định lệch lạc so với kịch bản gốc sẽ dẫn đến cái kết mà khán giả nào cũng biết: Phim bị tế sống trên group Chê Phim Review; hoặc tệ hơn là đến Phê Phim cũng phải lên bài chửi thẳng.

Khác với biên kịch chỉ làm việc với cái laptop và nhà sản xuất, kịch bản phải làm việc với mọi bộ phận, nhân sự trong đoàn phim, từ trợ lý sản xuất đến phục vụ hiện trường. Đạo diễn phân tích kịch bản để đưa ra chỉ đạo nghệ thuật hiệu quả. Đạo diễn hình ảnh, quay phim đọc kịch bản để biết nên quay cái gì, dùng tông màu gì, cần thiết bị gì, quay làm sao để hậu kỳ xử lý được. Thiết kế mỹ thuật đọc kịch bản để biết phải trang trí không gian bối cảnh thế nào, chuẩn bị đạo cụ gì, trang phục hay hóa trang của mỗi nhân vật sẽ được chỉ định ra sao. Trợ lý sản xuất, trợ lý đạo diễn đọc kịch bản để tính toán lịch quay, sắp xếp nhân sự, nắm được mỗi ngày quay sẽ đốt bao nhiêu tiền. Bộ phận truyền thông đọc kịch bản để lên kế hoạch quảng bá phim sao cho phim được biết tới nhiều nhất. Hội đồng duyệt phim đọc kịch bản xem phim có phù hợp để chiếu hay không, nên dán nhãn gì. Diễn viên đọc kịch bản để cảm nhận nhân vật và tìm cách thể hiện nhân vật thông qua bản thân. Một kịch bản miêu tả hành động sơ sài, lời thoại không phù hợp nhân vật, sẽ khiến việc diễn xuất của diễn viên gặp nhiều khó khăn hơn… Có rất nhiều người đọc kịch bản nhằm phục vụ cho nhu cầu và công việc của họ. Quan trọng nhất, kịch bản là kim chỉ nam cho cả đoàn phim, là bản đồ, là hướng dẫn chi tiết cho cả đoàn phim hiểu cần phải làm gì để có một bộ phim xem được. Một kịch bản được viết chỉn chu, hấp dẫn, có sức sống, cuốn hút, với những chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể sẽ mang lại nguồn cảm hứng và động lực để mọi thành phần trong đoàn phim nỗ lực, từ đó đoàn phim cố thể hỗ trợ hết sức mình để hiện thực hóa câu chuyện trên giấy thành những thước phim đầy tính thẩm mỹ, mang lại trải nghiệm không quá tệ hại cho khán giả.

Cảm xúc của ekip khi phải đoán xem kịch bản muốn gì (Ảnh minh họa)

“Chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo” vốn là câu trích dẫn từ phần “Kinh nghiệm cá nhân” trong sách hướng dẫn của một biên kịch có tuổi. Từ kinh nghiệm của một cá nhân, câu trích dẫn đó đã trở thành lời biện hộ cho không ít biên kịch kém cỏi tài năng và lười sáng tạo khi gửi cho các đạo diễn, nhà sản xuất xem kịch bản được trình bày sơ sài, cẩu thả. Chừa chỗ cho đạo diễn và diễn viên sáng tạo không có nghĩa là “sống chết mặc bay”, phó thác mọi trách nhiệm sáng tạo lên đầu người khác. “Chừa chỗ” ở đây có nghĩa là biên kịch hãy đưa ra chỉ dẫn thật cụ thể và chính xác, nhưng chỉ vừa đủ, không cần quá nhiều chi tiết thừa thãi, cũng không quá sơ sài thiếu sót thông tin. Một kịch bản được trình bày đúng quy tắc, miêu tả đầy đủ và chính xác hình ảnh, hành động diễn ra, lời thoại được viết cẩn thận; không chỉ cung cấp đủ dữ liệu để đạo diễn, diễn viên và đoàn phim xử lý, mà còn mang lại điều kiện cần và đủ để mọi người có thể chuyển hóa kịch bản thành phim dựa vào khả năng chuyên biệt của họ.

Đến cuối cùng, một kịch bản trình bày sơ sài là hành động vô trách nhiệm với bản thân, vô đạo đức với đoàn phim, coi thường và xúc phạm khán giả. Bạn có thể coi thường nhà sản xuất, khinh bỉ đạo diễn, ghét bỏ bất kỳ diễn viên nào cũng chẳng sao. Nhưng khán giả là người nuôi sống bạn cũng như mọi người đang cùng bạn làm phim. Khán giả phải được tôn trọng. Hãy tôn trọng khán giả như tôn trọng bản thân. Bởi suy cho cùng, ngoài những lúc làm phim, bạn cũng là khán giả.

©yooribae

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d