Phim Việt và duyên nợ Oscar

Ngày 23.09.2024, dưới sự chỉ đạo của Cục Điện ảnh, Hội đồng quốc gia tuyển chọn phim tham dự vòng sơ tuyển Oscar (tạm gọi là “Hội đồng tuyển chọn”) đã làm việc và thảo luận về việc gửi một phim truyện đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Oscar 2025 ở hạng mục “Phim Quốc tế hay nhất” (Academy Award for Best International Feature Film, tên cũ dùng trước năm 2019 là Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất), với bốn phim đăng ký tham dự gồm Đào, phở và piano, Cái giá của hạnh phúc, Lật mặt 7: Một điều ước và Mai.

Kết quả, hội đồng thống nhất chọn bộ phim Đào, phở và piano (Công ty cổ phần Phim truyện 1 sản xuất) đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển này.

Ngay khi thông tin về việc bộ phim Đào, phở và piano sẽ đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển giải Oscar 2025, dự kiến sẽ được tổ chức tại Los Angeles vào ngày 10.03.2025 (theo giờ Mỹ, bắt đầu từ 6h00 ngày 11.03.2025 giờ Việt Nam), dư luận trong nước đã có những phản ứng trái chiều. Trong đó, không ít khán giả thắc mắc, dù bộ phim Đào, phở và piano có thông điệp về lòng yêu nước rất cảm động, nhưng xét về mặt cả mặt kỹ thuật lẫn nghệ thuật thì bộ phim vẫn còn nhiều điểm yếu; vậy tại sao bộ phim lại được lựa chọn đại diện Việt Nam tham dự Oscar? Câu trả lời chính xác có lẽ cần phải được giải đáp bởi Hội đồng tuyển chọn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử gửi phim từ trước đến nay, có lẽ những người quan tâm đến nền điện ảnh nước nhà ít nhiều có thể cảm nhận được một phần nguyên nhân và kết quả.

Từ phim được đề cử đầu tiên…

Theo các ghi nhận chính thức, tác phẩm điện ảnh “Mùi Đu Đủ Xanh” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng trở thành phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên tranh giải và lọt vào vòng đề cử (Nominee) tại giải Oscar năm 1993, hạng mục Academy Award for Best International Feature Film, và cũng là phim điện ảnh nói tiếng Việt duy nhất lọt vào vòng đề cử của giải Oscar tính đến nay (2024).

Dù vậy, con đường để bộ phim “Mùi Đu Đủ Xanh” trở thành phim đại diện Việt Nam tham gia giải Oscar lại khá lạ thường.

Đạo diễn của bộ phim, Trần Anh Hùng (1962) là một người Pháp gốc Việt (sinh ra tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, sau năm 1975 gia đình rời khỏi Việt Nam sang định cư tại Pháp. Bộ phim “Mùi Đu Đủ Xanh” là phim điện ảnh đầu tay của ông, lấy bối cảnh xoay quanh một gia đình thương buôn gốc Bắc tại Sài Gòn những năm 1950-1960, với toàn bộ vốn đầu tư, tài trợ và đội ngũ nhân sự sản xuất, kỹ thuật 100% là người Pháp. Bộ phim được quay hoàn toàn trên đất Pháp, với cây đu đủ được nhập khẩu từ Thái Lan. Chỉ có diễn viên trong phim là người Việt Nam. Vậy nên, về mặt pháp lý, tài chính và kỹ thuật, “Mùi Đu Đủ Xanh” là một phim của Pháp.

Sau khi “Mùi Đu Đủ Xanh” được hoàn thành và công chiếu, bộ phim nhanh chóng đạt được nhiều giải thưởng lớn như giải Camera vàng, phim Pháp hay nhất, đề cử giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993, giải César cho phim đầu tay hay nhất… Tuy nhiên, khi bộ phim đăng ký tham gia giải Oscar 1993 cho giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, thì lại nảy sinh vấn đề.

Theo quy định của giải Oscar: “Nước nộp phim phải chứng nhận rằng, tài năng sáng tạo của nước đó nắm quyền kiểm soát nghệ thuật của bộ phim. Lời thoại phải sử dụng chủ yếu bằng ngôn ngữ của nước xuất xứ, trừ khi câu chuyện đòi hỏi một ngôn ngữ bổ sung, mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính”. Nói một cách dễ hiểu, ở hạng mục Academy Award for Best International Feature Film, AMPAS (tên viết tắt của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ, đơn vị tổ chức giải Oscar) chỉ cho phép mỗi nước gửi một phim đại diện, và phim đó phải nói ngôn ngữ của nước sở tại. Đây là một trong những quy định gây nhiều tranh cãi, cũng là nguyên nhân khiến nhiều bộ phim như Sắc, Giới (Đài Loan), Divine Intervention (Palestine) bị loại khỏi giải Oscar.

Quy định về “quốc tịch” cũng áp dụng đối với cả những phim được sản xuất tại Mỹ nhưng nội dung và ngôn ngữ là tiếng nước ngoài, như trường hợp phim The Farewell của A24 là phim Mỹ nhưng bối cảnh, diễn viên và ngôn ngữ chính trong phim là tiếng Trung Quốc nên phim phải từ bỏ cơ hội được đề cử tại giải Oscar (có lẽ vì không muốn xin quốc tịch từ Trung Quốc).

Năm 1992, sau sự cố gây tranh cãi với bộ phim A Place in the World (lọt Top 5 đề cử Oscar 1992), một phim có quốc tịch 100% Argentina (bối cảnh, lời thoại, đạo diễn, diễn viên), nhưng vì năm đó Argentina lại chọn một bộ phim khác tham gia vòng loại Oscar, thế là các nhà sản xuất quyết định nộp nó từ Uruguay, với lý do một nhà đầu tư và một đồng tác giả kịch bản là người Uruguay (?!); AMPAS đã bổ sung quy định (áp dụng từ Oscar 1993) rằng “Nước nộp phim phải được đại diện ít nhất 2 hạng mục trong số 3 hạng mục này: sản xuất, đạo diễn, biên kịch. Ngoài ra, nước đó nên được đại diện trong ít nhất 3 trong số các hạng mục này: thiết kế nghệ thuật, quay phim, thiết kế trang phục, dựng phim, âm thanh và âm nhạc. Cuối cùng, dàn diễn viên từ nước nộp phim phải là một yếu tố quan trọng”. Và năm 1993 cũng là năm mà bộ phim “Mùi Đu Đủ Xanh” tham gia tranh giải.

Năm 1993, Pháp chọn gửi đến Oscar bộ phim sử thi Germinal. Một phim khác của Pháp là Three Colors: Blue (đạo diễn Ba Lan Krzysztof Kieslowski) liền lợi dụng kẽ hở trong quy định mới của AMPAS, nộp phim này tranh giải với quốc tịch Ba Lan (đạo diễn, kịch bản, âm nhạc, quay phim đều là người Ba Lan). Nhưng bộ phim không được chấp nhận vì “yếu tố Ba Lan không đáng kể”.

“Đó hoàn toàn là một bộ phim Pháp, với bối cảnh Pháp, diễn viên Pháp, nói tiếng Pháp và chuyện phim nói về nước Pháp”, Giám đốc điều hành của AMPAS (khi đó) Bruce Davis phát biểu.

Với trường hợp của “Mùi Đu Đủ Xanh”, tuy là phim của Pháp, nhưng nội dung phim, diễn viên, ngôn ngữ trong phim là tiếng Việt. Vậy nên, có lẽ rút kinh nghiệm từ những phim trước, để có thể tham gia giải Oscar, nhà sản xuất của phim “Mùi Đu Đủ Xanh” đã gửi phim về Việt Nam để “xin quốc tịch cho phim” (gọi vậy cho dễ hiểu). Lẽ tất nhiên, với nội dung và cách thể hiện không vi phạm pháp luật Việt Nam, bộ phim được cấp phép; và trở thành “phim Việt Nam”.

Và thế là nền điện ảnh Việt Nam, giữa thời kỳ phim Nhà nước còn im ắng và phim mì-ăn-liền đang tung hoành, bỗng dưng được hưởng tiếng thơm, mà chẳng mất tí công sức nào.

Nhiều năm về sau, không ít người làm phim Việt Nam vẫn tự huyễn hoặc bản thân bởi một niềm vui nhỏ bé bất ngờ xuất hiện từ nhiều năm về trước, một sự may mắn vốn chẳng liên quan gì đến cuộc đời và sự nghiệp của chính bản thân họ.

Dẫu vậy, việc “Mùi Đu Đủ Xanh” lọt vào vòng đề cử của giải Oscar đã tạo động lực vô cùng lớn đến các nhà làm phim Việt Nam và gốc Việt về sau. Tiếp sau “Mùi Đu Đủ Xanh”, giải Oscar đón nhận thêm những bộ phim khác có quốc tịch Việt Nam được sản xuất, đạo diễn bởi các đạo diễn gốc Việt như phim Bụi hồng (1996) của Hồ Quang Minh, Ba mùa (1999) của Tony Bùi và Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) của Trần Anh Hùng. Những bộ phim này hầu hết được đầu tư sản xuất, tài trợ bởi các nhà đầu tư nước ngoài (riêng phim Bụi hồng nhận được tài trợ trong nước). 

Tháng 9.2003, Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam quyết định gửi Vua bãi rác của Đỗ Minh Tuấn, một bộ phim hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, tham gia tranh giải ở hạng mục này. Tuy nhiên, tác phẩm không được AMPAS đưa vào danh sách tranh giải..

… đến giấy mời gửi phim

Từ năm 1956, AMPAS đã gửi thư mời đến nhiều quốc gia có nền điện ảnh, mời các quốc gia gửi phim hay nhất của họ trong năm đó tham gia Giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, trong khi đó Hội đồng Giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài sẽ giám sát quá trình và xem hết tất cả các phim điện ảnh đã nộp. Hội đồng Giải thưởng bỏ phiếu thông qua cơ chế bỏ phiếu kín để xác định năm tác phẩm được đề cử chính thức cho hạng mục.

Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam chính thức nhận được lời mời tham gia hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất từ AMPAS. Yêu cầu được đưa ra là phim điện ảnh gửi tranh vòng sơ loại phải được phát hành thương mại ít nhất 7 ngày liên tục tại rạp chiếu phim ở quốc gia tương ứng trong khoảng thời gian thỏa mãn điều kiện tranh giải. Bộ phim được Bộ Văn hóa và Thông tin lựa chọn đầu tiên theo lời mời này là phim Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh). Năm 2007, mảng văn hóa của Bộ Văn hóa và Thông tin được sáp nhập với Ủy ban Thể dục Thể thao và Tổng cục Du lịch; trở thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau khi sáp nhập, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trở thành đơn vị đảm nhiệm việc quyết định các phim điện ảnh được đệ trình hàng năm. Tính đến năm 2024, Đào, phở và piano đã trở thành bộ phim thứ 20 và mới nhất đại diện cho Việt Nam được gửi tranh giải.

Các phim điện ảnh được Việt Nam gửi dự thi đều do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn. Mỗi năm, sau khi nhận được thư mời từ AMPAS, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ gửi thông báo mời các hãng phim, công ty sản xuất trong cả nước gửi phim tham gia ứng tuyển. Sau khi nhận được danh sách các phim tham gia ứng tuyển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ định một hội đồng để chọn một phim trong số các phim ứng tuyển để đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ loại của hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất vào năm tiếp theo. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận công khai và bỏ phiếu kín – phim được lựa chọn phải đạt điểm cao nhất theo thang điểm 10 và điểm trung bình trên 9 điểm. Các bộ phim được chọn, cùng với phụ đề tiếng Anh, sẽ được gửi đến AMPAS; tại đây các tác phẩm sẽ được trình chiếu cho ban giám khảo.

Năm 2008, Rừng đen là phim điện ảnh duy nhất được gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham gia xét duyệt, nhưng tác phẩm bị coi là không đủ điều kiện vì chưa được khởi chiếu thương mại tại các rạp theo yêu cầu của AMPAS. Tương tự, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định không gửi phim vào năm 2013 khi bộ phim duy nhất tham gia xét duyệt là Thiên mệnh anh hùng không kịp ra mắt. Việt Nam cũng chọn không tham gia vào năm 2010 vì các phim tham gia xét duyệt không đạt yêu cầu; trong khi vào năm 2014, Việt Nam không nhận được bất kỳ lời mời nào từ AMPAS – lần đầu tiên kể từ năm 2006.

Từ năm 2015 đến nay, hầu hết các bộ phim được Việt Nam cử đi tranh giải đều mang yếu tố thị trường, nghệ thuật hoặc đạt doanh thu cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi tham gia tranh cử Oscar, các bộ phim này đều bị đánh giá thấp về mặt kịch bản, không có yếu tố mới lạ và phong cách kể chuyện thiếu ấn tượng. Đây là lý do dẫn đến việc hầu hết các bộ phim đều không được đề cử tại giải Oscar trừ Mùi đu đủ xanh. Từ Cô Ba Sài GònHai PhượngMắt biếcBố già, 578: Phát đạn của kẻ điên và mới nhất là Đào, phở và piano đều nhận nhiều chỉ trích khi được cử đi tham gia tranh giải.

NămTựa tiếng ViệtTựa tiếng AnhĐạo diễnKết quả
1993Mùi đu đủ xanhThe Scent of Green PapayaTrần Anh HùngĐược đề cử
1996Bụi hồngGone, Gone Forever GoneHồ Quang MinhKhông được
đề cử
1999Ba mùaThree SeasonsTony BùiKhông được
đề cử
2000Mùa hè chiều thẳng đứngVertical Ray of the SunTrần Anh HùngKhông được
đề cử
2003Vua bãi rácFoul KingĐỗ Minh TuấnKhông được
đề cử
2005Mùa len trâuThe Buffalo BoyNguyễn Võ Nghiêm MinhKhông được
đề cử
2006Chuyện của PaoStory of PaoNgô Quang HảiKhông được
đề cử
2007Áo lụa Hà ĐôngThe White Silk DressLưu HuỳnhKhông được
đề cử
2009Đừng đốtDon’t BurnĐặng Nhật MinhKhông được
đề cử
2011Khát vọng Thăng LongThe Prince and the Pagoda BoyLưu Trọng NinhKhông được
đề cử
2012Mùi cỏ cháyThe Scent of Burning GrassNguyễn Hữu MườiKhông được
đề cử
2015Trúng sốJackpotDustin NguyễnKhông được
đề cử
2016Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhYellow Flowers on the Green GrassVictor VũKhông được
đề cử
2017Cha cõng conFather and SonLương Đình DũngKhông được
đề cử
2018Cô Ba Sài GònThe TailorTrần Bửu Lộc
Kay Nguyễn
Không được
đề cử
2019Hai PhượngFurieLê Văn KiệtKhông được
đề cử
2020Mắt biếcDreamy EyesVictor VũKhông được
đề cử
2021Bố giàDaddy, I’m SorryTrấn Thành
Vũ Ngọc Đãng
Không được
đề cử
2022578: Phát đạn của kẻ điên578 MagnumLương Đình DũngKhông được
đề cử
2023Tro tàn rực rỡGlorious AshesBùi Thạc ChuyênKhông được
đề cử
2024Đào, phở và pianoPeach Blossom, Pho and PianoPhi Tiến SơnChưa công bố
Danh sách các phim đại diện Việt Nam tham gia Oscar hạng mục “Academy Award for Best International Feature Film” từ 1993 đến 2024

Thấy gì từ các phim được chọn qua từng năm?

Trước hết, để hiểu lý do vì sao có những bộ phim bị khán giả lẫn giới chuyên môn đánh giá thấp về mặt nội dung, kỹ thuật, nghệ thuật mà vẫn được đại diện Việt Nam tham gia Oscar, cần phải biết được tiêu chí đánh giá của Hội đồng tuyển chọn là gì. Tuy nhiên, điều này có hơi khó khăn, bởi ngoài Quy chế Tuyển chọn phim tham dự giải thưởng Oscar dành cho phim nói tiếng nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 25.10.2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời kỳ đó, thì dường như không còn tài liệu công khai nào của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến tiêu chí tuyển chọn phim.

QUY CHẾ

TUYỂN CHỌN PHIM THAM DỰ GIẢI THƯỞNG OSCAR DÀNH CHO PHIM NÓI TIẾNG NƯỚC NGOÀI
(ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Điều 3. Tiêu chuẩn và điều kiện đối với phim tham dự vòng tuyển chọn quốc gia của Việt Nam

1. Về nội dung:

– Phim tham dự tuyển chọn quốc gia phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định và cho phép phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước;

– Phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật thể hiện;

– Ưu tiên cho những bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và sử dụng lời thoại gốc chủ yếu bằng tiếng Việt.

*Vậy nên những gì tiếp theo đây chỉ là suy luận chủ quan của người viết, mang tính chất tham khảo, không đại diện cho quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Từ năm 2003 đến năm 2012, có thể thấy rằng, các bộ phim được gửi đi có nội dung xoay quanh thân phận con người (Vua Bãi Rác, Mùa Len Trâu, Chuyện Của Pao), con người trong chiến tranh (Áo Lụa Hà Đông, Đừng Đốt, Mùi Cỏ Cháy) và dấu ấn lịch sử nổi bật của dân tộc (Khát Vọng Thăng Long, bộ phim xoay quanh mối quan hệ giữa Lê Long Đĩnh và Lý Công Uẩn). Từ năm 2015 đến 2018, phim gửi đi bắt đầu có sự chuyển biến, với hai phim xoay quanh thân phận con người (Trúng Số, Cha Cõng Con), một phim có yếu tố quảng bá du lịch (Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh với nhiều cảnh đẹp ở Phú Yên), một phim có yếu tố quảng bá văn hóa (Cô Ba Sài Gòn với hình ảnh áo dài). Từ 2019 đến 2022, với những phim được chọn là những phim có yếu tố kỹ thuật tốt (Hai Phượng, 578: Phát đạn của kẻ điên với kỹ thuật quay dựng các cảnh quay hành động nổi bật), phong cảnh đẹp (Mắt Biếc) có thể thấy rõ rằng Hội đồng tuyển chọn có xu hướng lựa chọn những bộ phim nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu hình ảnh đẹp, hy vọng góp phần thúc đẩy quảng bá Việt Nam như một địa điểm du lịch, phim trường nhiều hơn là nhằm mục đích tranh giải. Lý giải này phù hợp khi xem xét Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09.06.2014 của Đảng và Nhà nước về Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cũng như các văn bản về sau.

Như vậy, nếu nhìn vào điểm chung của các bộ phim đại diện Việt Nam tham gia Oscar từ năm 2015 đến 2022, có thể thấy rằng dường như Hội đồng tuyển chọn có xu hướng lựa chọn phim tham gia để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, giới thiệu văn hóa, thúc đẩy du lịch nhiều hơn là tranh giải. Bởi có lẽ Hội đồng tuyển chọn cũng như khán giả Việt Nam đều đã từ bỏ hy vọng về một tương lai gần khi Việt Nam có một phim điện ảnh đậm tính nghệ thuật đủ sức đi đến vòng đề cử của giải Oscar rồi.

Có lẽ đó cũng là lý do Hội đồng tuyển chọn thà chọn một phim có chất lượng không xuất sắc (thậm chí tệ cả về mặt chuyên môn lẫn thương mại) nhưng đáp ứng đủ các yêu cầu về thời gian phát hành, ngôn ngữ, có yếu tố văn hóa hoặc khung cảnh thiên nhiên trông đẹp để đại diện nước nhà đi giao lưu, học hỏi; còn hơn là không gửi phim đi (dù Oscar không bắt ép năm nào cũng phải gửi).

Điển hình là năm 2022, bộ phim 578: Phát đạn của kẻ điên vốn được biết đến là tác phẩm có doanh thu và chất lượng tệ hại lại được lựa chọn đại diện Việt Nam tham gia Oscar 2022 khiến Hội đồng tuyển chọn khi đó bị khán giả chỉ trích, bởi khán giả không biết rằng dù năm đó phim Đêm Tối Rực Rỡ được đánh giá cao hơn nhưng vì đạo diễn Aaron Toronto là người Mỹ nên phim không thể đại diện Việt Nam (theo tiêu chí của AMPAS).

Riêng phim Bố Già thì thật sự không biết phim đó đáp ứng tiêu chí nào, có thể là tiêu chí đã chiếu 7 ngày tại rạp(?) vì thời điểm 2020 số lượng phim Việt Nam ra rạp không nhiều (chỉ tầm 24 phim), nhiều phim tệ, hoặc những phim quá bạo lực, đen tối như Ròm không phù hợp để quảng bá văn hóa.

Đến năm 2023, phim điện ảnh Tro Tàn Rực Rỡ được đại diện Việt Nam tham gia Oscar 2023 sau khi đoạt nhiều giải thưởng trước đó như một dấu hiệu cho việc Hội đồng tuyển chọn có vẻ như đã nhìn thấy tiềm năng và sẵn sàng tạo cơ hội cho những bộ phim có yếu tố nghệ thuật.

Đào, Phở và Piano

Ngày 28.09.2024, giữa bốn phim tham gia ứng tuyển vị trí đại diện Việt Nam tham gia Oscar 2025 gồm: Đào, Phở và Piano, Cái giá của hạnh phúc, Lật mặt 7: Một điều ước, Mai; Hội đồng tuyển chọn đã quyết định Đào, Phở và Piano chính thức trở thành phim đại diện Việt Nam tham gia Oscar 2025 tại hạng mục Phim Quốc tế xuất sắc nhất. Trước đó, bộ phim Đào, Phở và Piano đã đoạt Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 và Cánh Diều Bạc tại giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Theo Quyết định số 2092/QĐ-BVHTTDL, Hội đồng quốc gia tuyển chọn phim tham dự Vòng sơ tuyển giải thưởng Phim truyện quốc tế – OSCARS (2024 – 2025) gồm các ông, bà có tên sau:

  1. Ông Tạ Quang Đông – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Chủ tịch Hội đồng;
  2. Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Nghệ sĩ Ưu tú, Tiến sĩ Nghệ thuật, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh – Ủy viên;
  3. Ông Trần Thanh Hiệp – Giáo sư, Tiến sĩ Nghệ thuật, Chủ tịch Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình nhiệm kỳ 2023-2025;
  4. Ông Bùi Thạc Chuyên – Đạo diễn – Ủy viên;
  5. Bà Nguyễn Thị Thu Huệ – Nhà Biên kịch, Nhà văn, Giám đốc Bảo tàng văn học Việt Nam – Ủy viên;
    Bà Lê Thị Thu Hà – Thạc sĩ Quản lý Văn hóa, Trưởng phòng Phổ biến phim, Cục Điện ảnh – Thư kí Hội đồng.

Tuy nhiên, giống như những năm trước đó, phản ứng của khán giả vẫn là sự ngạc nhiên, khó hiểu, thậm chí có phần tiêu cực về quyết định của Hội đồng tuyển chọn. Bởi với rất nhiều khán giả đã xem Đào, Phở và Piano, bộ phim ngoài thông điệp về lòng yêu nước ra thì các yếu tố về công tác biên kịch và đạo diễn đều bị đánh giá tệ đến mức không thể chấp nhận được. Có thể nói rằng điểm yếu nhất của Đào, Phở và Piano là đạo diễn Phi Tiến Sơn. Và đối với nhiều người trong nghề, sự thất vọng càng tăng cao bởi không ai nghĩ một đạo diễn kỳ cựu lại có thể làm ra một bộ phim nhiều lỗi kỹ thuật hơn cả sinh viên năm I như vậy.

Thế nên, khán giả Việt Nam dù rất yêu nước nhưng cũng không thể chấp nhận sự thật rằng một bộ phim có nhiều khuyết điểm như vậy lại được mang đi đại diện nước nhà “tranh giải” cùng những bộ phim nghệ thuật hàng đầu thế giới. “Tốt khoe, xấu che”, khán giả có thể chấp nhận một bộ phim yếu kỹ thuật vì lòng yêu nước, nhưng không ai muốn khoe cho cả thế giới thấy cá dở, cái kém cỏi của nền điện ảnh nước nhà. Nỗi nhục khi phim Bố Già bị giới phê bình quốc tế chỉ trích lúc công chiếu tại Mỹ vẫn còn đó. Khán giả có thể chấp nhận việc nước nhà 20 năm nữa vẫn không có phim nào gửi đi Oscar, còn hơn là nhét đại một thứ gì đó vào gửi đi cho có. Điều khiến nhiều khán giả khó hiểu hơn, là xét về cả mặt kỹ thuật lẫn kể chuyện, Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải và Mai của Trấn Thành đều không thua kém gì Đào, Phở và Piano, thậm chí công tác đạo diễn có phần nhỉnh hơn; thì lại không được lựa chọn.

Tạm kết

Dẫu biết rằng Hội đồng tuyển chọn có tiêu chí và lý do riêng, nhưng việc Hội đồng tuyển chọn im lặng không thèm công khai lý do lựa chọn Đào, Phở và Piano là nguyên nhân chính dẫn đến sự bức xúc của không ít khán giả. Với khán giả, “đại diện cho đất nước” là một vinh dự cao quý, sự kiện thiêng liêng. Việc Hội đồng tuyển chọn biến niềm hy vọng của khán giả trở thành trò hề trong mắt bạn bè quốc tế là điều không người yêu nước nào có thể chịu đựng nổi.

Tham gia Oscar là ước mơ của nhiều nhà làm phim cũng như nhiều quốc gia có nền điện ảnh nhỏ bé trên thế giới. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Hội đồng tuyển chọn mỗi năm đều tạo điều kiện, cơ hội để phim Việt Nam được tham gia tranh giải tại Oscar là hành động đáng trân trọng. Với người làm phim, thay vì chỉ trích việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng tuyển chọn đưa một phim kém chất lượng đi Oscar, thì cũng cần nhìn nhận lại rằng chính những người Việt Nam đang làm phim Việt Nam cần phải cố gắng hơn để làm ra những bộ phim điện ảnh thuần Việt vừa có hiệu quả thương mại, vừa có giá trị nghệ thuật cao, để điện ảnh Việt Nam có thêm nhiều phim đạt được các tiêu chuẩn tranh giải cơ bản của Oscar, thay vì cứ nằm đó trông chờ các dự án và vốn đầu tư nước ngoài rót xuống miệng mình.

Hoặc thử nghĩ tích cực hơn, rằng phim tệ như vậy mà còn có cơ hội đi Oscar, thì nếu mình cố gắng hơn, mình cũng sẽ có cơ hội.

©yooribae


OSCARS 2023

ĐIỀU LỆ 15

ĐIỀU LỆ DÀNH RIÊNG CHO

GIẢI THƯỞNG PHIM TRUYỆN QUỐC TẾ

ĐỊNH NGHĨA

Một bộ phim quốc tế được định nghĩa là một bộ phim dài (trên 40 phút) được sản xuất bên ngoài mọi lãnh thổ thuộc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bao gồm phần lớn (trên 50%) có lời thoại không phải là tiếng Anh. Phim truyện Hoạt hình và Phim truyện Tài liệu được phép tham dự.

ĐIỀU KIỆN TUYỂN CHỌN

A. Phim do quốc gia lựa chọn phải được phát hành lần đầu tiên tại quốc gia đăng ký tham dự trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 12 năm 2022 đến ngày 31 tháng 10 năm 2023, đồng thời được trình chiếu trong ít nhất bảy ngày liên tiếp tại rạp chiếu phim thương mại cho lợi nhuận của nhà sản xuất và nhà phát hành. Để các bộ phim dễ dàng đáp ứng yêu cầu về tính thương mại, Viện Hàn lâm sẽ cho phép các bộ phim được chiếu ngoài quốc gia xuất xứ, với điều kiện là bộ phim được trình chiếu bên ngoài Hoa Kỳ và các lãnh thổ của Hoa Kỳ trong ít nhất bảy ngày liên tiếp trong rạp chiếu phim thương mại.

Phim nộp tham dự phải theo định dạng phim 35mm hoặc 70mm, hoặc theo định dạng kỹ thuật số 24 hoặc 48 khung hình mỗi giây với độ phân giải trình chiếu tối thiểu là 2048 x 1080 pixels, định dạng hình gốc phải tương thích với thiết bị ST 428-1:2006 D-Cinema Distribution Master-Image Characteristics; nén hình ảnh (nếu có) phờ hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 15444-1 (JPEG 2000); các tập tin hình ảnh và âm thanh được đóng gói cho bản Kỹ thuật số (DCP) theo định dạng SMPTE DCP. Định dạng SMPTE DCP tương tự với tiêu chuẩn SMPTE ST 429- 2:2020 D-Cinema Packaging – DCP Operational Constraints và các thông số kỹ thuật liên quan (định dạng Blu-ray không đạt chuẩn yêu cầu Điện ảnh Kỹ thuật số)

Hệ thống âm thanh trong DCP là kênh âm thanh tách rời 5.1 hoặc 7.1. Phải có tối thiểu ba kênh tiếng Phải, Trái, Trung tâm (hệ thống kênh Phải/Trái không phù hợp với môi trường rạp chiếu). Ngoài âm thanh kênh, âm thanh đối tượng cũng có thể đưa vào dưới dạng âm thanh nổi immersive audio bitstream.

Nguồn âm thanh rời cần được định dạng tương thích với thiết bị SMPTE ST 429-3:2007 D-Cinema Packaging – Sound and Picture Track File, SMPTE ST 428-2:2006 D-Cinema Distribution Master – Audio Characteristics and SMPTE ST 428-12:2013 D-Cinema Distribution Master Common Audio Channels and Soundfield Groups. Âm thanh nổi sống động (nếu có) cần được định dạng tương thích với thiết bị SMPTE ST 2098-2:2019 Immersive Audio Bitstream Specification và SMPTE 429-18:2019 D-

Cinema Packaging – Immersive Audio Track File và đóng gói tương thích với thiết bị SMPTE 429- 19:2019 D-Cinema Packaging – DCP Operational Constraints for Immersive Audio.

B. Bộ phim phải được quảng bá và khai thác một cách bình thường trong suốt thời gian công chiếu. Bộ phim không cần phải được công chiếu tại Hoa Kỳ.

C. Trước khi chiếu trên hệ thống rạp, tất cả các phiên bản của bộ phim được chiếu và phát hành công khai thông qua những kênh khác (không phải rạp chiếu, được liệt kê bên dưới) sẽ không được tham dự Giải thưởng Viện Hàn lâm.

Những phương thức chiếu hoặc phát hành ra công chúng không phải hệ thống rạp bao gồm:

• Phát trên sóng và trên truyền hình cáp

• PPV/VOD

• Phát hành bằng DVD

• Phát trên máy bay

• Phát trên mạng Internet

D. Tiếng của lời thoại gốc cùng hình ảnh của bộ phim hoàn chỉnh chủ yếu (hơn 50%) bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ, không phải tiếng Anh. Phim bắt buộc phải có phụ đề tiếng Anh chuẩn.

E. Quốc gia đăng ký tham dự giải phải xác nhận phần lớn nghệ sĩ sáng tạo, nghệ sĩ nghệ thuật trong bộ phim phải là công dân hoặc đang cư trú tại quốc gia đăng ký.

F. Nếu Hội đồng tuyển chọn không tiết lộ thông tin cập nhật mới nhất và/hoặc thông tin chính xác liên quan đến quyền công dân, liên kết liên quan đến kinh doanh hoặc tín dụng của bộ phim đã nộp, các khoản tín dụng được chỉ định, chi tiết sản xuất và thông tin phát hành thì bộ phim sẽ được coi là không đủ điều kiện.

G. Ban Thường trực Phim Quốc tế sẽ đánh giá tất cả các vấn đề liên quan đến luật lệ và điều kiện tham dự.

ĐĂNG KÝ DỰ THI

A. Mỗi quốc gia được mời gửi một phim xuất sắc nhất tham gia tranh giải. Việc tuyển chọn phim hay nhất của mỗi quốc gia phải do một Hội đồng/ hoặc Ban giám khảo/hoặc Uỷ ban với ít nhất 50% thành viên là các nghệ sỹ hoặc những người có

chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh. Danh sách của Hội đồng tuyển chọn quốc gia cần phải gửi đến Viện Hàn lâm trước thứ Ba 15/8/2023, hoặc theo thời hạn được công bố bởi Viện Hàn lâm. Trường hợp những quốc gia mới mong muốn được tham gia dự thi lần đầu tiên, hoặc không tham dự trong vòng 5 năm qua, sẽ phải nộp danh sách các thành viên tuyển chọn và tài liệu đăng ký để được Viện Hàn lâm thông qua trước ngày 31/12/2023 để được quyền tham dự xét Giải thưởng (lần thứ 97) năm sau. Các quốc gia không cần gửi phim đều đặn hàng năm.

B. Mỗi nước chỉ được chấp nhận duy nhất một phim chính thức dự giải. Phim nên được gửi đến Viện Hàn lâm ngay sau khi được chọn.

C. Viện Hàn lâm sẽ cung cấp địa chỉ trực tuyến cho Hội đồng tuyển chọn đã được thông qua của mỗi quốc gia để các nhà sản xuất phim điền thông tin về phim đã được chọn của mình.

D. Các tài liệu đăng ký tham dự dưới đây cần được gửi trước tới văn phòng Viện Hàn lâm trước 5 giờ chiều thứ Hai ngày 02/10/2023:

• Đơn đăng ký qua mạng đã điền đầy đủ

• Bản phim kỹ thuật số được tải lên để phát trực tuyến

• [CHỈ SỬ DỤNG NỘI BỘ] Một liên kết an toàn và được bảo vệ bằng mật khẩu của phim. Điều này là bắt buộc để kiểm tra các đoạn hội thoại không phải là tiếng Anh.

• Danh sách diễn viên và đoàn làm phim

• Tiểu sử cá nhân và thành tựu điện ảnh, ảnh chân dung của đạo diễn

• Key frame được thiết kế riêng cho mục đích trình chiếu

• Poster phim tại rạp cho mục đích lưu trữ

• Bằng chứng cho việc công chiếu phim ra rạp bao gồm tư liệu quảng bá (không giới hạn).

E. Những phim dự thi lọt vào danh sách rút gọn phải nộp một bản in phim 35mm hoặc 70mm hoặc một bản DCP của phim sau khi danh sách rút gọn được công bố. Việc gửi phim tham dự đồng nghĩa với việc cho phép Viện Hàn lâm sao chép và chiếu bản phim nhằm mục đích bầu chọn cho phim. Viện sẽ lưu giữ một bản phim của mỗi phim được đề cử cho Giải thưởng Phim Quốc tế.

THỂ THỨC BẦU CHỌN

A. Những đề cử cho Phim quốc tế sẽ được quyết định qua hai vòng bầu chọn:

1. Tất cả các thành viên đang hoạt động và thành viên trọn đời của Học viện sẽ được mời xem các phim dự thi đủ điều kiện trong danh mục. Những người chọn tham gia sẽ được yêu cầu xem một số lượng tối thiểu các bộ phim đủ điều kiện được gửi theo quy

định hiện tại. Các thành viên sẽ bỏ phiếu bằng cách bỏ phiếu kín theo thứ tự ưu tiên của họ cho không quá mười lăm phim. Mười lăm phim điện ảnh nhận được số phiếu bầu cao nhất sẽ lọt vào vòng bình chọn tiếp theo.

2. Tất cả các thành viên đang hoạt động và thành viên trọn đời của Học viện sẽ được mời xem mười lăm bộ phim lọt vào danh sách rút gọn trong hạng mục này. Một thành viên phải xem tất cả các bộ phim lọt vào danh sách rút gọn để lá phiếu được tính. Các thành viên sẽ bỏ phiếu theo thứ tự ưu tiên của họ cho không quá năm bộ phim. Năm phim điện ảnh nhận được số phiếu bình chọn cao nhất sẽ trở thành đề cử vòng chung kết bình chọn cho giải Phim truyện quốc tế.

B. Vòng bầu chọn cuối cùng cho Giải thưởng Phim truyện quốc tế sẽ chỉ dành riêng cho những thành viên đang hoạt động và thành viên trọn đời của Viện Hàn lâm, những người đã xem hết 05 phim được đề cử.

C. Bức tượng Giải thưởng (Oscar) sẽ được trao cho bộ phim và do đạo diễn – người thay mặt cho tập thể nghệ sĩ sáng tạo phim – lên nhận giải. Vì mục đích Giải thưởng của Viện Hàn lâm, Phim được đề cử sẽ được gọi theo tên quốc gia có phim. Tên đạo diễn được khắc trên biển chữ dưới tượng sau tên quốc gia và tên phim.

QUY ĐỊNH VỀ QUẢNG CÁO

Ngoài việc tuân thủ Nội quy Giải thưởng cho Giải Oscars lần thứ 96, tất cả đối tượng tham gia Giải thưởng cũng bị ràng buộc bởi Quy chế vận động tuyên truyền của Viện Hàn lâm liên quan đến quảng bá các bộ phim đủ điều kiện và phải chịu các hình phạt trong đó, bao gồm tuyên bố của Hội đồng Quản lý về vi phạm các nguyên tắc.

ĐIỀU KIỆN THAM GIA CÁC HẠNG MỤC KHÁC

A. Phim đăng ký tham dự giải Phim quốc tế trong Giải thưởng Viện Hàn lâm lần thứ 96 cũng có thể đăng ký ở những thể loại giải khác, kể cả Phim Xuất sắc nhất, nếu đáp ứng được những quy định riêng của các thể loại đó.

B. Phim đã được đề cử tranh Giải thưởng Phim Quốc tế lần thứ 96 sẽ KHÔNG được tham dự các hạng mục giải khác trong năm tiếp theo (lần thứ 97) của Viện Hàn lâm, hay đăng ký tham dự các hạng mục giải khác trong những năm trước đó.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *