[The Scenes] #1:
Hoài niệm mối tình đầu
[vimeo 228213822 w=640 h=360]
- Cảnh phim mở đầu bằng việc giới thiệu nhân vật và bối cảnh. Trong đêm, giữa đồng cỏ hoang vu, nhóm săn nô (thợ săn nô lệ) đang nghỉ ngơi. Qua một phút đầu, với vài hình ảnh và đối thoại giữa Seol Hwa và Wang Son, khán giả có thể biết được rằng Seol Hwa là một cô gái từng làm trong gánh hát, chẳng biết nữ công gia chánh hay nội trợ là gì; Wang Son là một gã mê gái và thích “tình một đêm”, Tướng Quân Choi – người trầm lặng nhất trong nhóm – là người có vẻ trí thức, ít nói, hiền lành, luôn cầm theo cuốn sách; và Dae Gil, người ngủ ngồi và ôm kiếm, đã đi tìm một cô gái, một nô lệ, suốt hơn 10 năm trời.
- Biến cố khởi đầu khi Wang Son dụ dỗ Seol Hwa “tình một đêm” và Seol Hwa đến chỗ Dae Gil mách lẻo.
- Bước ngoặt 1 xảy ra khi Seol Hwa quyết định dùng tài đàn hát của mình để “trả tiền ăn”.
- Ban đầu, Dae Gil, Wang Son và Tướng Quân Choi cố gắng nhịn cười khi nghe tiếng đàn của Seol Hwa. Nhưng đến khi nghe tới tiếng mẹ con trâu nghé giao tình, cả ba người đã bật cười lớn. Đó là Mid-point, khi cả ba nhân vật đều chấp nhận và lắng nghe tiếng đàn.
- Seol Hwa bất ngờ chuyển sang đàn hát một bản tình ca, đây là bước ngoặt 2.
- Đang vui vẻ, cả ba nhân vật đều bất ngờ, trái tim họ chùng xuống, khi nghe bản nhạc, mỗi người đều có suy tư riêng. Tuy đây là cao trào, nhưng ở đây không có sự bùng nổ cảm xúc một cách mãnh liệt, mà là sự bung tỏa cảm xúc khi những kẻ săn nô máu lạnh bắt đầu cảm nhận lại tình cảm con người và có những giây phút yên bình hiếm hoi giữa những tháng ngày săn đuổi, giết chóc đầy căng thẳng.
- Kết cảnh là hình ảnh mọi người quây quần ăn tối cùng nhau. Seol Hwa đã hoàn thành mục đích ban đầu là tiến gần hơn với nhóm săn nô, và hình ảnh mọi người cùng ngồi ăn cho thấy họ đã thân thiết với nhau hơn.
Tôi không muốn đi sâu vào nội dung cảnh này. Nếu bạn đã từng xem phim này, bạn sẽ thấy, mỗi cảnh đều có lớp lang chiều sâu, ý nghĩa chồng chéo lên nhau, mà bạn chỉ có thể hiểu toàn bộ mọi chi tiết sau khi đã xem đi xem lại ít nhất vài lần. Sự tinh tế và ý nghĩa trong từng chi tiết, đậm nét văn hóa Á Đông, nên là thứ để tự tìm hiểu và cảm nhận.
2. Dẫn dắt cung bậc cảm xúc:
- Cảnh phim bắt đầu từ sự hài hước, khi Wang Son phát hiện ra Seol Hwa không biết nấu ăn.
- Khi Seol Hwa hỏi Wang Son về Dae Gil, và biết Dae Gil đi tìm một cô gái suốt 10 năm trời, không khí bắt đầu chùng xuống.
- Rồi Wang Son bắt đầu dụ Seol Hwa “tình một đêm”, Seol Hwa đi mách Dae Gil, làm Wang Son bị mắng, không khí bắt đầu tươi vui trở lại.
- Seol Hwa đàn mấy giai điệu vui vẻ cho mọi người nghe, sự hài hước tăng cao.
- Seol Hwa bất ngờ chuyển sang đàn một bản tình ca, cảm xúc mọi người trở nên lắng đọng.
- Kết cảnh, khi Seol Hwa ngồi ôm nồi cơm ăn, đó là một chi tiết hài hước, nhưng cảm xúc buồn vẫn còn, vì nhạc chưa dứt.
Bạn có thể thấy, trong cảnh này, hài hước là yếu tố để dẫn dắt cảm xúc của khán giả, cuốn khán giả vào truyện phim, để khi yếu tố bi kịch xuất hiện, khán giả có thể mở lòng và đón nhận cảm xúc ấy. Đúng hơn là, khán giả không kịp chống lại. Đây là mẹo được dùng trong vô cùng nhiều phim Hàn, mà nổi bật nhất là phim điện ảnh “Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7” (Miracle in Cell No.7)
3. Nhân vật:
- Seol Hwa: Cách nói chuyện và trang phục cho thấy đây là một cô gái sống trong môi trường khá giả, không phải lao động chân tay, vừa tới tuổi trưởng thành, lanh lẹ, hoạt bát, có phần đáng yêu. Ban đầu, khán giả thấy cô gái này khá bạo dạn khi ngồi gần đàn ông và chạm vào người anh ta (lưu ý, Triều Tiên ngày xưa là nước trọng Nho giáo, chuyện “nam nữ thụ thụ bất thân” vô cùng nghiêm ngặt) đối lập với ngoại hình tiểu thư khuê các của cô. Sau khi bị Wang Son dụ dỗ, Seol Hwa đến mách Dae Gil, lúc này khán giả mới biết cô gái trẻ có vẻ ngoài giống tiểu thư này thực ra từng làm trong gánh hát (chính xác là công việc giống như gái mại dâm lưu động vậy). Nhưng cô ấy không hề có vẻ cay đắng, buồn tủi, có lẽ vì cô ấy đã quá quen với cuộc sống như vậy.
- Wang Son: Cách nói chuyện, biểu cảm cho thấy đây là một gã thanh niên mê gái, thích “tình một đêm”, nhưng không phải loại háo sắc hay quá đê tiện. Đây cũng là một gã khá ngoan ngoãn với các anh lớn, không có vẻ gì là xấu xa hay nguy hiểm.
- Tướng Quân Choi: Người có vẻ già dặn nhất nhóm, trong suốt cảnh quay gần như chẳng có câu thoại nào, có dáng vẻ của một người cha hiền lành, ấm áp. Trong suốt cảnh quay anh ta chỉ theo dõi mọi người và ngồi đọc sách. Chi tiết anh ta cầm quyển sách/đọc sách cho thấy anh ta là một người có trí thức/có học. một người có học thức lại đi làm thợ săn nô lệ, sống khổ cực, ăn mặc rách rưới, đó là một điều bí ẩn.
- Dae Gil: Ngay cả khi ngủ, anh ta cũng không nằm, mà chỉ ngồi và ôm chặt thanh kiếm. Hình ảnh này cho thấy đây là người luôn phải sống trong cảnh nguy hiểm, hay đúng hơn, là một người luôn sợ hãi và đề phòng mọi thứ xung quanh. Khi Seol Hwa đến và gọi tên, Dae Gil trả lời bằng giọng bình thản, cho thấy anh ta không hề say ngủ, có thể chỉ nhắm mắt nghỉ ngơi. Chi tiết này cho thấy sự nguy hiểm của nhân vật này. Dae Gil trong cảnh này không nói nhiều, nhưng những câu nói đều cho thấy nhân vật này cũng có học thức. “Hái hoa thì được, ngắt hoa thì không”, “Phụ nữ ngoài sinh con còn phải biết việc nội trợ”. Cánh anh ta dạy dỗ các em nhỏ của mình tuy ngắn gọn, kiệm lời nhưng rất rõ ràng, đầy đủ thông tin. Khi Seol Hwa đàn khúc ca về “trái tim loạn nhịp của chàng trai khi nhìn thấy cô hàng xóm”, trong khi Wang Son và Tướng Quân Choi hồi tưởng với nụ cười mỉm nhẹ nhàng, thì Dae Gil lại buồn bã. Trước đó, Wang Son và Seol Hwa đã nhấn mạnh về chuyện Dae Gil 10 năm đi tìm một cô gái, đi đâu cũng giơ hình cô ấy ra. Cùng với chi tiết này, khán giả có thể hiểu, Dae Gil đang nhớ đến cô gái ấy, cô gái anh đang tìm suốt 10 năm qua, mối tình đầu của anh.
4. Bố cục cảnh phim:
Cảnh phim được chia làm 4 phần: Phần đầu là câu chuyện giữa Seol Hwa và Wang Son, phần hai là chuyện giữa Seol Hwa, Dae Gil và Wang Son, phần ba là chuyện Seol Hwa kéo đàn, phần cuối là mọi người ăn tối. Có thể thấy, tuy cùng một cảnh phim, nhưng diễn ra 4 câu chuyện liên tiếp nhau, khiến khán giả bị cuốn theo và không thấy nhàm chán.
5. Thời lượng:
Cảnh này có thời lượng gần 7 phút. Vâng, gần 7 phút. Gấp 3,5 lần so với các cảnh phim thông thường trong phim VN.
MỘT CẢNH PHIM DÀI BAO NHIÊU LÀ ĐỦ ?
Cách đây vài năm khi tôi còn đi viết thuê, tôi từng nghe chuyện biên tập một số hãng phim truyền hình VN đưa ra yêu cầu kịch bản không được dài quá 2 phút/phân đoạn (cảnh). Tại sao lại có yêu cầu đó?
Dân gian có câu “Nói dài, nói dai, nói dở”. Viết lách cũng vậy, “viết dài, viết dai, viết dở”. Nhiều biên kịch, à không, người-viết-kịch-bản ở VN vốn chuyển từ ngành văn chương hay báo chí sang, quen cách viết hoa mỹ, bay bổng, mà không biết viết hình ảnh, nên kịch bản hầu hết là thoại với thoại, chẳng khác nào kịch bản sân khấu. Mà tệ hơn, một cảnh dài 3-4 trang Word toàn thoại. Diễn viên có ăn cả túi bánh mì trí nhớ của Doraemon cũng chẳng tài nào thuộc nổi. Và 3-4 trang thoại trên Word (tương đương 5-6 phút phim) thì khán giả coi kiểu gì? Vậy nên để hạn chế tình trạng “viết dài, viết dai, viết dở” trên, vài biên tập không có nghề, cũng không dám loại kịch bản hoặc yêu cầu người-viết-kịch-bản viết lại, mới nghĩ ra cái trò đó. Nhưng mọi mánh khóe kiểu khôn lỏi, khôn vặt như vậy đều có hậu quả.
Có vài biên kịch, lại nhầm, người-viết-kịch-bản, học theo cách viết phim Hàn, phim Mỹ, viết kiểu điện ảnh, viết đúng quy chuẩn, thế là có những kịch bản 1 tập 40 trang nhưng có tới 80 cảnh, trong đó có những cảnh dựng, cảnh nhỏ chỉ khoảng 5-10 giây. Cứ tạm cho rằng 80 cảnh đó đều cần thiết cho tập phim. Nhưng, đạo diễn không chịu. Mỗi cảnh phim để dàn dựng đều mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, dù đó là cảnh 3 phút hay cảnh 3 giây. Mà tiền nhà đài trả thấp, hãng phim trả thấp hơn, đạo diễn phải kiêm luôn điều hành sản xuất, phải xoay sở cho đủ tiền, nhiều cảnh quá sẽ đội kinh phí, nên không thể chấp nhận. Biên tập nghe vậy cũng có lý, nên phải nghĩ cách để đáp ứng yêu cầu đạo diễn. Cuối cùng, lại một mánh khôn lỏi nữa được nghĩ ra. Đó là yêu cầu một tập phim chỉ được tối đa 20-25 cảnh.
Một tập phim truyền hình VN có độ dài 45 phút, tương đương 40-45 trang kịch bản (khoảng 28-30 trang Word). Nếu một tập chỉ được tối đa 20-25 cảnh, mỗi cảnh tối đa 2 phút, thì người-viết-kịch-bản sẽ tự suy ra cứ mỗi cảnh viết tầm 2 phút là đủ. Hậu quả của việc này là một mớ kịch bản viết ra không có nhịp điệu, không có tiết tấu, bởi nhiều người-viết-kịch-bản chỉ chăm chăm viết sao cho đủ 2 trang giấy.
VIẾT CẢNH DÀI: NÊN HAY KHÔNG NÊN ?
Hàn Quốc có không ít phim truyền hình đi theo lối này. Khi bộ phim truyền hình được sản xuất với kinh phí cao, những cảnh hành động đã chiếm quá nhiều kinh phí, thì những cảnh thoại với thời lượng dài, những cảnh hổi tưởng, những cảnh dài tới 15-20 phút được cắt nhỏ thành 3-4 cảnh… là phương thức giúp cân bằng tổng kinh phí cho phim (dù khá nhiều biên tập và đạo diễn với nhà sản xuất phim VN tôi từng gặp không biết điều này). Nếu bạn để ý, trong các phim truyền hình Hàn Quốc, các tập cuối thường có nhiều cảnh hồi tưởng, và ngoài vài cảnh quan trọng ra thì hầu hết mấy cảnh còn lại rất là dài. Lý do thì tôi vừa mới nói đó.
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh điều này: ĐỪNG CỐ THỬ. Thời lượng cảnh phim dài hay ngắn, mấu chốt nằm ở cảm xúc và thông tin mà cảnh ấy truyền tải. Nếu một cảnh phim chỉ cần một khung hình 2 giây là thể hiện đủ, thì đừng cố gắng kéo ra thêm khung hình thứ hai. Nếu một cảnh phim cần tới 5-7 phút mới có thể đưa khán giả đến đúng cảm xúc cần có, thì đừng dại cắt xuống 2 phút, hay chia nhỏ nó ra thành 3-4 cảnh 2 phút rồi xen kẽ với những cảnh khác. Cảm xúc vốn rất khó nắm giữ, nếu lơi ra là sẽ mất ngay, chưa kể cảm giác khó chịu như đang gần lên đỉnh thì bị xìu vậy. Khi khán giả đã mất hứng, thì họ nghỉ xem.
Nếu bạn cố gắng kéo dài một cảnh ra chỉ vì muốn đủ thời lượng, hay bạn cố gắng làm “cho giống hàn Quốc”, thì bạn thua rồi. Các biên kịch Hàn Quốc mất hàng chục năm tập viết mới viết được như vậy, chứ không phải cứ đặt bút xuống là viết được ngay. Viết cảnh dài rất nguy hiểm, vì những cảnh dài kiểu này là “được ăn cả, ngã về không”; nếu bạn viết tốt, cảnh này ăn tiền, nếu bạn viết tệ, cảnh bị cắt bỏ, mà công việc của bạn có khi cũng mất luôn.
Vậy nên, khi bắt đầu viết kịch bản, đừng cố viết cho dài. Cứ viết ngắn trước đã. Khi cảnh đó cần phải dài, tự nó sẽ dài thôi.
Δ Funfact: Kịch bản Chuno đoạt giải “Kịch bản xuất sắc nhất” năm 2010, biên kịch phim cũng có công việc khác là nhà sản xuất và đạo diễn. Cách kể chuyện của đạo diễn, quả nhiên, khác hẳn cách kể chuyện của biên kịch thông thường.
©yooribae
Cám ơn bạn. Thông tin rất có ích cho tôi.
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^