[Kịch bản 101] #3: Không ai vào nhà nghỉ để mua khăn giấy và tự thủ dâm

[Kịch bản 101] #3: Không ai vào nhà nghỉ để mua khăn giấy và tự thủ dâm

Tôi quyết định đặt cho bài viết hôm nay một tiêu đề khá sốc, sau khi nhận được gợi ý từ một người bạn là nên đặt tiêu đề liên quan đến sex để câu view. Tuy nhiên, lý do thực sự mà tôi quyết định lựa chọn tiêu đề này, là vì nó liên quan mật thiết đến chủ đề mà tôi muốn nói tới trong bài viết hôm nay. Đây cũng là lần cuối cùng tôi nói về chủ đề này trong một bài viết riêng biệt. Nếu sau đi đọc xong bài viết này, bạn vẫn không thể thoát khỏi những quan điểm sai bét của mình, thì hãy dừng lại đi, bạn không đủ IQ để trở thành biên kịch đâu.

Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng đến với chủ đề hôm nay:

THẾ NÀO LÀ KỊCH BẢN ?

Trong các bài viết trước, có một vấn đề mà tôi lặp đi lặp lại rất nhiều lần, đó là ĐIỆN ẢNH KHÔNG PHẢI VĂN HỌC. Nguồn gốc của Điện ảnh được thể hiện thông qua sơ đồ dưới đây:

7 MON NGHE THUAT

Bạn thấy đó, về nguồn gốc, Điện ảnh là đứa con được sinh ra bởi Nhiếp ảnh và Kịch nghệ, và gọi Văn học là ông. Cháu có thể giống ông một chút nào đó, nhưng nó vẫn phải giống cha nó hơn. Đằng này, nhiều người lại bỏ qua người cha, khăng khăng bắt buộc Điện ảnh phải giống với ông nó. Cách nghĩ này chẳng khác nào bảo rằng cô Nhiếp ảnh loạn luân với ông bố chồng Văn học để đẻ ra Điện ảnh cả. Bạn nghe có hợp lý không? Nếu bạn thấy hợp lý, tôi khá lo ngại về nhân cách của bạn.

ĐIỆN ẢNH KHÔNG PHẢI VĂN HỌC

Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh điều này vì đến thời điểm này vẫn có quá nhiều người bước chân vào ngành điện ảnh và bộ môn biên kịch với tư duy của một nhà văn. Đứng ở vị trí của một người làm phim, tôi xin khẳng định rằng, viết kịch bản phim theo lối tư duy, thể hiện, trình bày của văn học chẳng khác nào bận đầm dạ hội với giày cao gót để đi leo núi cả. Hãy nhớ thật kỹ rằng, mỗi thể loại nghệ thuật đều có những nguyên tắc và cách thể hiện, trình bày, biểu đạt nghệ thuật khác nhau. Nếu bạn vẫn không thể chấp nhận điều đó, thì đừng mong bộ môn này chấp nhận bạn.

Vậy thì, hãy nói tôi nghe đi, kịch bản phim khác với tác phẩm văn học ở chỗ nào ?

Bản thân câu hỏi trên đã có câu trả lời trong đó rồi. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại gọi đó là kịch bản chứ không phải văn học. Nói về sự khác nhau, có rất nhiều sự khác nhau giữa kịch bản phim và một tác phẩm văn học (sau đây tôi sẽ gọi tắt là truyện).

Điểm khác nhau đầu tiên, chính là:

KỊCH BẢN LÀ MỘT PHẦN CỦA BỘ PHIM, CÒN TRUYỆN LÀ MỘT TÁC PHẨM ĐỘC LẬP.

Điện ảnh là một ngành công nghiệp – thương mại – dịch vụ. Mỗi một bộ phim được sản xuất ra, trước khi trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, đều phải trải qua rất nhiều công đoạn. Kịch bản chỉ là một trong những công đoạn đầu tiên, là một bánh răng trong cả cỗ máy.

Khi bạn viết một cuốn truyện, chỉ cần bạn viết xong, là bạn đã hoàn thành tác phẩm. Trong khi đó, nếu như kịch bản của bạn không được dựng thành phim, thì nó chẳng có chút giá trị nào cả.

BẠN VIẾT TRUYỆN CHO BẢN THÂN, NHƯNG VIẾT KỊCH BẢN CHO NGƯỜI KHÁC.

Trong khi giới văn sĩ vẫn ngày ngày cãi nhau giữa “nghệ thuật vị nhân sinh” và “nghệ thuật vị nghệ thuật”, thì đã từ lâu, các nhà làm phim hàng đầu trên thế giới đều hiểu rằng “làm phim vị khán giả”. Chẳng có ai giàu và rảnh đến nỗi bỏ ra cả gia tài để làm một bộ phim xong sau đó xếp xó cả. Mục đích cuối cùng của mọi bộ phim đều là được trình chiếu trước khán giả, không phải để thỏa mãn cái tôi của một ai.

ĐIỆN ẢNH CÓ NGÔN NGỮ RIÊNG.

Vào khoảng những năm 2000, nền phim ảnh Việt Nam bắt đầu mở rộng. Các hãng phim tư nhân, các kênh truyền hình cáp mọc lên như nấm. Chỉ trong vòng 10 năm, Việt Nam trở thành một quốc gia nơi mà “người người làm phim, nhà nhà làm phim”. Sự phát triển như vũ bão này dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là ở mảng biên kịch. Nhu cầu kịch bản gia tăng, trong khi nguồn biên kịch thì ít. Kết quả là, bất kỳ ai cầm được cây bút trong tay, đều có thể trở thành biên kịch. Từ nhà văn, nhà báo, nhà thơ, đến cả thợ sửa xe, cave, bán gạo đều có cơ hội trở thành biên kịch. Tốt thôi, ai cũng có cơ hội sáng tạo và làm phim mà.

Nhưng điều khốn nạn nhất ở đây là, chẳng ai chịu dành ra chút thời gian để tìm hiểu về lịch sử điện ảnh, các nguyên tắc, kỹ thuật, ngôn ngữ và những gì đặc trưng nhất, cơ bản nhất, cần thiết nhất để tạo nên một bộ phim thực sự. KHÔNG MỘT AI CẢ. Và rồi, những người đi trước, vốn chẳng biết cái quái gì về cấu trúc hay kỹ thuật viết kịch bản phim, đành xuyên tạc, đưa ra những chỉ dẫn sai lệch, dựa trên mớ kiến thức cóp nhặt và những suy luận vô căn cứ, làm hỏng bét tư duy của những con người vừa mới chập chững vào nghề, vốn ngu ngốc và tin răm rắp vào những gì mình được hướng dẫn.

Kết quả là nền phim truyện Việt Nam trở thành một hố rác khổng lồ không tài nào lấp lại được.

Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có một ngôn ngữ riêng. Điện ảnh cũng vậy.

Trong khi ngôn ngữ của Mỹ thuật được thể hiện qua những đường nét trong tranh, ngôn ngữ của Âm nhạc là những giai điệu, ngôn ngữ của Văn chương là những ngôn từ tinh xảo được ghép nối với nhau, thì ngôn ngữ của Điện ảnh là sự hòa trộn của cả ngôn từ – giai điệu – và hình ảnh.

Ngôn ngữ Điện ảnh, như tôi đã nói khá nhiều lần trong nhiều bài viết, là ngôn ngữ được tạo nên từ ngôn ngữ hình ảnh của bộ môn Nhiếp ảnh và Cấu trúc kịch bản của bộ môn Kịch nghệ. Người biên kịch, người đạo diễn, nhà làm phim kể chuyện bằng hình ảnh, chứ không phải bằng ngôn từ như trong bộ môn Văn học. Nếu bạn cứ nhất quyết muốn viết như một nhà văn, thì hãy đi làm nhà văn, đừng bao giờ bén mảng đến hành tinh Biên kịch.

KỊCH BẢN LÀ BẢN CHỈ DẪN PHÁC THẢO NỘI DUNG BỘ PHIM.

Khi bạn bắt đầu vẽ, bạn sẽ phải phác họa vài đường nét chì. Trước khi bạn viết văn, bạn phải lập dàn ý. Kịch bản, đối với bộ phim, cũng giống như dàn ý trong văn chương vậy. Trong văn chương, dàn ý là nơi bạn liệt kê, phác họa cấu trúc câu chuyện, chứ không phải là nơi để bạn thể hiện cách hành văn đầy nghệ thuật. Kịch bản phim, cũng là nơi bạn đưa ra những chỉ dẫn đầu tiên, giúp 200 người trong đoàn làm phim hiểu được bộ phim mà họ sắp làm nói về cái gì và họ cần phải làm những gì để tạo thành một bộ phim hoàn chỉnh.

BIÊN KỊCH KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI VIẾT VĂN HAY, NHÀ VĂN TÀI NĂNG CŨNG CÓ THỂ VIẾT RA MỘT KỊCH BẢN TỒI.

Có một sự khác biệt rõ ràng trong cách hành văn giữa kịch bản và các thể loại văn học. Điều này bắt nguồn từ chính lịch sử hình thành và ngôn ngữ thể hiện của hai bộ môn.

Văn học, là bộ môn của ngôn ngữ đọc. Điện ảnh, là bộ môn của nghệ thuật nghe-nhìn. Sự khác biệt về bản chất tạo ra sự khác biệt về ngôn ngữ thể hiện và cách trình bày.

Trong khi với văn chương, bạn có thể thoải mái bay bổng trong ngôn ngữ, có thể miêu tả một hạt mưa rơi bằng 5900 từ, thì trong kịch bản, mưa là mưa, hết. Kịch bản không có chỗ cho những câu văn bóng bẩy, mượt mà. Mỗi câu trong kịch bản đều phải ngắn gọn, súc tích, rõ ràng và quan trọng hơn cả là phải cho thấy được hình ảnh có thể quay thành phim được.

VĂN CHƯƠNG CÓ THỂ DÀI NGẮN KHÁC NHAU, NHƯNG KỊCH BẢN THÌ PHẢI ĐÚNG THỜI LƯỢNG.

Khi bạn viết văn, chẳng ai bắt bạn chỉ được viết nhiêu đó trang cả. Bạn có thể viết một truyện cực ngắn chỉ 5 từ, cũng có thể viết một cuốn tiểu thuyết 5000 trang. Không ai cấm bạn cả. Nhưng trong kịch bản phim, thời lượng được quy định rất rõ ràng và nghiêm ngặt.

Khi viết văn, bạn có thể buông lơi bản thân, để cảm xúc dẫn lối. Nhưng viết kịch bản không phải sân chơi của cảm xúc, mà là bếp của Ramsay, nơi bạn phải luôn tính toán gia giảm nguyên liệu, sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau một cách cẩn thận và kỹ lưỡng.

NHÀ VĂN CẦN CÁI TÔI, KỊCH BẢN CẦN BÁN ĐƯỢC.

Tôi đã từng gặp không ít người bước chân vào con đường biên kịch với tâm thế của một nhà văn. Họ tự hào về khả năng viết lách của mình. Họ tự tin vào giá trị nghệ thuật của bản thân. Còn cái mà tôi nhìn thấy ở họ là cái tôi to hơn bầu trời còn tài năng không bằng hạt bụi. Sự thật phũ phàng.

Có rất nhiều kẻ đua đòi chuyển hướng từ viết văn sang viết kịch bản vì nghe đồn viết kịch bản có thể kiếm được nhiều tiền, và dễ dàng hơn là phải viết ra một cuốn tiểu thuyết. Thực tế thì chẳng có cái nào là dễ ăn. Những tay buôn kịch bản, nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn… đều là sói là cáo. Chẳng có con lừa nào ngoài bạn trong khu rừng.

Có một lời khuyên từ các biên kịch hàng đầu thế giới, được lưu truyền qua nhiều cuốn sách, nhưng chẳng lớp học nào cho bạn biết về lời khuyên này. Đó là phải luôn nhớ rằng, người ta sẽ tìm đủ mọi cách để loại trừ kịch bản của bạn, chứ không phải là mua nó bằng mọi giá. Và nếu kịch bản của của bạn không được ai mua, nghĩa là nó vô giá trị. Thế nhưng vẫn có nhiều người tin rằng, họ có thể trở thành một biên kịch tài năng, viết ra những kịch bản xuất sắc, mà chẳng cần phải biết một tí gì về cấu trúc, kỹ thuật hay những nguyên tắc trong điện ảnh. Vẫn có nhiều người tin rằng, để trở thành một biên kịch tài ba, chỉ cần viết văn hay là đủ.

Ôi, những kẻ đó, xin quỷ sứ hãy bắt hết chúng đi.

Phần lớn những tay biên kịch hạng hai, và lũ trẻ ranh mới chập chững vào nghề, có cái tôi rất lớn. Đôi khi là vô cùng lớn. Những kẻ đó suốt ngày chỉ biết quanh quẩn bên trong cái vòng kim cô do cái tôi đó tạo nên; không màng tới việc học hành, tìm hiểu; không thèm nghĩ xem cái mớ hỗn độn mình đang viết dở có ra cái khỉ mốc gì không. Thế nhưng khi có ai đó bình luận về cái thứ bên trong cái tôi đó, chúng sẽ lồng lên, gào thét, cắn xé, sỉ vả, nhục mạ, chì chiết người ta, như những con chó hoang bị dại, để bảo vệ bản thân chúng, chứ không phải bảo vệ cái thứ mà chúng cho rằng đó là kịch bản.

Hãy hiểu rằng, công việc của biên kịch không chỉ đơn thuần là sáng tạo nghệ thuật. Công việc của biên kịch là tạo ra khung sườn cho một tác phẩm nghệ thuật, để từ đó 200 người khác sẽ cùng nhau xây dựng, bồi dắp và làm việc dựa trên khung sườn đó để biến những dòng chỉ dẫn vô tri trở thành một tác phẩm thực sự. Đó không phải là sở thích hay trò vui, mà là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi nhiều hy sinh, học hỏi, tìm tòi, lắng nghe, nghiên cứu, suy nghĩ. Điện ảnh là một ngành công nghiệp. Biên kịch là một người kỹ sư. Cái gọi là “tính văn học” không nằm ở kịch bản, mà nằm sâu bên trong linh hồn của bộ phim. Và “tính văn học” ấy, không có nghĩa là bạn phải viết thành văn thì nó mới hiện ra, mà trong cả hội họa, nhiếp ảnh, hay bất kỳ loại hình/tác phẩm nghệ thuật, cũng đều có tính văn học trong đó.

Tính văn học là một cái giếng lớn, nơi những kẻ thảm hại đứng ngẩng cao đầu, cố gắng phun nước bọt lên bầu trời điện ảnh.

Khi bạn bắt đầu học cách trở thành biên kịch, rào cản lớn nhất bạn phải đối mặt chính là cái tôi của bản thân. Cái tôi lớn giúp bạn tự tin hơn, bảo vệ sự tự ti và yếu đuối bên trong bạn. Cái tôi lớn sẽ ngăn cản bạn đối mặt với khó khăn, ngăn cản bạn tiến bước và trưởng thành. Trong ngành công nghiệp điện ảnh này, mỗi khi bạn có ý tưởng hay kịch bản mới, bạn sẽ nhận được rất nhiều nhận xét khác nhau. Phần lớn là rất khó nghe. Vào lúc đó, cái tôi của bạn sẽ vùng lên để bảo vệ bản thân bạn. Cũng vào lúc đó, kịch bản của bạn trơ trọi giữa cuộc tấn công, và chết thảm.

Giữ cho bản thân có một cái tôi lớn, cũng là nuôi dưỡng cho sự ngu dốt và đần độn bên trong trí óc ngày càng lớn lên. Đến cuối cùng, thứ mà những kẻ có cái tôi lớn còn lại, chỉ là sự ngu dốt, đần độn, yếu ớt, tự ti, và chẳng còn một chút năng lực nào cả. Giữ lấy cái tôi hay gạt nó qua một bên để tiến bước, đó là sự lựa chọn của bản thân bạn.

Biên kịch là một ngành dịch vụ. Trong ngành này, bạn phải làm mọi thứ mà khách hàng yêu cầu. Nếu khách hàng bảo bạn sửa kịch bản, bạn phải sửa nó. Nếu khách hàng bảo bạn bỏ nó đi và viết cái mới, bạn cũng phải bỏ nó đi. Bạn không được phép đặt cái tôi cao hơn công việc, cao hơn khách hàng, cao hơn kịch bản. Nhiệm vụ của bạn là viết ra một kịch bản hay nhất, tốt nhất, ăn khách nhất. bạn phải nỗ lực hết sức mình, làm tất cả mọi khả năng, để đạt được nó. Đừng bao giờ quên, bạn không viết cho bạn, bạn viết cho khách hàng, cho khán giả, cho các nhà làm phim.

Làm biên kịch, cũng giống như làm gái vậy. Bạn không viết kịch bản để ngắm cho vui, mà là để phục vụ cho việc tạo ra một bộ phim có giá trị. Bạn không làm việc cho bản thân, mà là để phục vụ khách hàng, phục vụ khán giả. Không được phép quên điều đó. Không ai cùng bạn vào nhà nghỉ chỉ để mua khăn giấy và tự thủ dâm. Không ai trả tiền cho bạn vì mục đích như vậy.

Mọi ngành dịch vụ đều như thế cả thôi.

©yooribae


Comments

6 bình luận cho “[Kịch bản 101] #3: Không ai vào nhà nghỉ để mua khăn giấy và tự thủ dâm”

  1. Em muốn nói về dòng phim art house. Những bộ phim thể loại này thường ít được công chúng biết đến và nhắm đến những khán giả đã có kiến thức về phim ảnh. Những bộ phim này lại thường được nhiều giải thưởng danh giá và mang lại danh tiếng cho quốc gia của họ. Bản thân em thấy khâm phục những người làm ra những bộ phim như vậy, vì họ dám đi ngược lại với thị trường. Tất nhiên ở Việt Nam, người ta vẫn xem phim với mục đích để giải trí, nên dòng phim ” nghệ thuật vì nghệ thuật ” không thể nào tồn tại được. Rất cảm ơn anh vì những bài viết có tâm như thế này. Em chỉ nói một chút cảm nghĩ của mình thôi.

    1. Chào Nga,
      Trước tiên, anh muốn làm rõ khái niệm “phim arthouse” một chút. “Phim arthouse”, hay còn gọi là “phim nghệ thuật”, là những phim được làm ra với mục đích thể nghiệm, tìm tòi cách kể, cách diễn đạt mới bằng hình thức điện ảnh. Đó là lý do mà phim arthouse thường do nghệ sĩ tự bỏ tiền túi ra làm hoặc có sự tài trợ từ các quỹ văn hoá nghệ thuật. Còn giải thưởng, thực tế nếu nhìn vào Cannes em có thể thấy những phim đoạt giải không phải phim nào cũng là dạng “arthouse”. Có rất nhiều phim đoạt giải trên thế giới vẫn có sức hút đại chúng, thậm chí đạt tỷ lệ doanh thu phòng vé cao. Tuy nhiên, không phải giải thưởng nào cũng có giá trị thật sự.

      Các quỹ văn hoá / nghệ thuật trực thuộc các liên hoan phim lớn trên thế giới đều có những đề cử và giải thưởng riêng dành cho những phim mà họ tài trợ. Kiểu như trao giải cho gà nhà để lấy tiếng ấy (vấn đề này hơi nghiêng về bên kinh tế). Những giải đó, nghe thì kêu, nhưng đôi khi cũng gây tranh cãi về giá trị nghệ thuật.

      Ở Việt Nam, và trên toàn thế giới, hầu hết khán giả xem phim đầu tiên là “vì mục đích giải trí”. Điện ảnh khác với các bộ môn nghệ thuật còn lại. Không ai bỏ tài sản trị giá vài chục căn nhà ra để làm một bộ phim chẳng thu hút nổi một khán giả. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là phim thương mại thì không có giá trị nghệ thuật. Không. Khán giả xem để giải trí, nhưng bên trong họ lại ngầm lựa chọn phim (có vẻ) có yếu tố nghệ thuật nhất định, nhất là đối tượng khán giả trên 20 tuổi.

      “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” là cái chủ đề mà rất nhiều người mang ra tranh cãi suốt hàng thế kỷ nay, dù thực sự phần lớn tranh cãi kiểu đó vô nghĩa.

      Điện ảnh không chỉ là thương mại hay nghệ thuật, đó còn là công cụ để giáo dục, tuyên truyền, thể hiện tiếng nói, quan điểm cá nhân… Làm phim cần có khán giả, dù em làm thương mại hay arthouse. Cơ mà, anh nghĩ sẽ rất buồn nếu phim làm ra không có khán giả.

      Anh định chia sẻ chút thôi, mà nhìn lại hơi dài rồi nhỉ? À, có điều này, tế nhị thôi, nhưng theo quan điểm cá nhân của anh, ở Việt Nam hiện nay hiếm có phim nào đúng nghĩa “arthouse” lắm. Nhất là khi xét về phần “art”.

  2. […] ra, hai phương pháp vừa được giới thiệu ở trên có liên quan mật thiết đến Phương pháp 4W: When (Khi nào) – Where (Ở đâu) – Who (Ai) – What (Làm gì). Trong đó, […]

  3. Tác giả có vẻ kỳ thị nhà văn phết nhỉ. Theo mình ko phải cứ là nhà văn thì sẽ có cái tôi lớn. Ngoài ra, văn học và biên kịch cũng có điểm giống nhau, đấy là cần phải có kỹ thuật và 1 hệ thống nguyên tắc quy củ cần phải tuân theo. Viết văn ko phải cứ đặt bút xuống rồi để tâm hồn bay bổng mới là viết, chả có 1 cuốn sách hay nào được hoàn thành theo cách này cả. Viết 1 cuốn tiểu thuyết cần có ý tưởng, sau đó lập dàn ý, thiết kế bối cảnh câu chuyện, tạo profile nhân vật và brainstorm nội dung cũng như plot twist nếu có,… Đáng buồn là hầu hết các nhà văn Việt Nam thường ko làm được điều này, nhưng nếu bạn nhìn các nhà văn có tên tuổi và đọc sách của họ sẽ hiểu, viết văn cũng phức tạp không kém gì làm biên kịch. 1 bộ phim hay 1 cuốn sách, rốt cục thứ làm nên linh hồn cho nó chính là bản thân câu chuyện, để có 1 câu chuyện hay thì nhà văn hay biên kịch viên cũng sẽ cần những lối tư duy và kỹ thuật giống nhau mà thôi.

    1. Đừng hiểu lầm nha, mình không kỳ thị nhà văn đâu. Giống như ý kiến của bạn, nhà văn và biên kịch cũng cần những lối tư duy và kỹ thuật giống nhau. Tuy nhiên, do đặc thù ngành nghề, hình thức thể hiện nghệ thuật khác nhau, biên kịch cần phải hiểu và điều chỉnh cách viết kịch bản cho phù hợp, chứ không nên giữ trong đầu tư tưởng có thể viết kịch bản phim như viết tiểu thuyết. Nhất là với biên kịch mới, những người còn chưa nắm vững kỹ thuật và có xu hướng bỏ qua các nguyên tắc trình bày kịch bản do không quen hoặc không thích.

  4. Ảnh đại diện Phan Phùng Hưng
    Phan Phùng Hưng

    Khi viết một kịch bản phim Việt, ngại nhất của mình là nó đòi hỏi phải mang tính bản sắc dân tộc, truyền thống văn hóa, trong phim phải là những thực tế đời thường nằm trong nó. Nếu ở ngoài thì nó là vẽ vời và ảo tường, không thực tế. Bạn có cách nghĩ gì về vấn đề này ?

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d