[Kịch bản 101] #15: Miêu tả hình ảnh trong kịch bản

[Kịch bản 101] #15: Miêu tả hình ảnh trong kịch bản

Kịch bản cần hình ảnh. Công việc của biên kịch là miêu tả hình ảnh trên kịch bản để đạo diễn và quay phim biết ra hiện trường cần phải quay cái gì. Nhưng khi bạn đi học, cả khi bạn đi làm, chẳng có ai chỉ cho bạn cách làm thế nào để miêu tả hình ảnh trong kịch bản.

Tôi sẽ chỉ cho bạn.

Phần này có sử dụng những thuật ngữ về kỹ thuật quay. Tôi sẽ có một bài riêng về các thuật ngữ điện ảnh sau. Hãy đón đọc nó. Đừng nghĩ rằng biên kịch chỉ cần biết những gì liên quan đến kịch bản là đủ. Biên kịch mà không có kiến thức về hình ảnh, ánh sáng, quay, dựng, màu sắc, thẩm mỹ thì sẽ không thể xử lý hình ảnh trong kịch bản tốt được, và kịch bản đó cũng sẽ không thể mang ra quay hoặc đạo diễn sẽ phải ngồi sửa lại (vừa sửa vừa chửi biên kịch như một con chó) rồi mới mang ra quay được.

Tất nhiên, khi nói về miêu tả hình ảnh, chúng ta sẽ dùng văn miêu tả. Tuy nhiên, khác với văn học, chúng ta không cần phải miêu tả hình ảnh kiểu “những cánh hoa anh đào bay trong gió mang theo hương thơm tươi mát của mùa xuân”. Kịch bản đòi hỏi những chỉ dẫn, miêu tả ngắn gọn, rõ ràng. Có một quy tắc bắt buộc trong viết kịch bản mà mọi biên kịch phải tuân theo, đó là:

31

Đây là một quy tắc bắt buộc.

Nhiều người khi đọc kịch bản phim lần đầu tiên sẽ cảm thấy nó hơi khô khan, không được bay bổng như tiểu thuyết. Đó là bởi vì người làm phim không cần những câu văn bay bổng, mà cần những chỉ dẫn quay được.

Điện ảnh là nghệ thuật nghe nhìn. Khác với những bộ môn nghệ thuật dùng chữ viết để khơi gợi trí tưởng tượng của khán giả như văn thơ, điện ảnh là bộ môn sử dụng hình ảnh, và gần đây là âm nhạc, âm thanh, lời nói để trình diễn trước khán giả. Khán giả ngồi trong rạp hay trước màn hình TV, laptop, điện thoại chỉ có thể cảm nhận được bộ phim thông qua hình ảnh và âm thanh. Vậy nên kịch bản cần phải chỉ dẫn rõ hai yếu tố đó.

Người ta thường nói “Viết kịch bản là làm phim trên giấy”. Đúng là như vậy. Cho nên biên kịch nào mà gu thẩm mỹ kém, năng lực không tới, đọc kịch bản có thể thấy ngay.

Cũng vì viết kịch bản là làm phim trên giấy, nên những yếu tố cấu thành nên bộ phim, ở đây là hình ảnh và âm thanh, phải được thể hiện đầy đủ trong kịch bản.

Vậy thì, làm sao để miêu tả hai yếu tố đó trong kịch bản?

Trước tiên, là hình ảnh.

Bạn còn nhớ gì về thơ haiku của Nhật Bản không? Tôi nhớ hồi cấp 3 chúng ta từng được học về nó. Đó là một thể loại thơ đặc trưng của người Nhật, với số lượng từ và câu cực kỳ ít. Thơ haiku nổi tiếng bởi sự ngắn gọn, súc tích nhưng đầy hình ảnh và cảm xúc trong đó.

Tôi lấy ví dụ một bài:

Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao

Nguyên tác Basho – Nhật Chiêu chuyển ngữ

Chỉ với 3 câu, nhà thơ đã vẽ lên một bức tranh, à, nếu nói như bây giờ, một cảnh phim đẹp tuyệt vời, với đầy đủ hình ảnh, âm thanh, bố cục, cấu trúc, câu chuyện, cảm xúc. Bạn có thể miêu tả cảnh này với 5000 hay 10.000 từ, như Basho chỉ cần nhiêu đó chữ.

Tại sao tôi lại nhắc tới thơ haiku? Bởi vì một ngày nọ, tôi chợt nhận ra điểm tương đồng thú vị giữa thơ haiku và cách dùng từ trong kịch bản phim. Ở cả 2 thể loại này, người viết đều phải sử dụng từ ngữ ngắn gọn súc tích nhưng cũng phải đầy đủ yếu tố âm thanh, hình ảnh trong đó. Nó dễ nhớ và dễ giải thích hơn.

Như tôi đã nói ở trên, bạn chỉ được phép liệt kê những gì có thể nghe thấy và nhìn thấy trên màn ảnh. Cụ thể hơn, là những gì mà máy quay có thể ghi lại được.

Ví dụ thế này, trong văn chương, bạn có thể ghi rằng “cô ấy cảm thấy đau đớn đến tận xương tủy” hay “cơn gió mát lạnh nhẹ nhàng thổi bay cái nóng mùa hè dưới bầu trời không một gợn mây”. Giờ tôi đố bạn nào có thể xách máy ra quay được hình ảnh đó đấy. bạn sẽ không thể quay được đâu, vì chẳng có tí hình ảnh nào trong 2 ví dụ đó cả.

23

Như đã nói trong bài trước, có rất nhiều biên kịch viết trong kịch bản của họ những chỉ dẫn sơ sài kiểu “cô ấy khóc”, “cô ấy cười”, có người viết chi tiết hơn một chút thì “cô ấy cảm thấy hạnh phúc”, “cô ấy cảm thấy đau khổ”, “cô ấy cảm thấy trái tim mình đau nhói”… và mấy chỉ dẫn kiểu đó không quay được. Tại sao? Vì nó không có hình ảnh trong đó.

Tất cả mọi hành động, mọi cảm xúc, mọi tình cảm, mọi trạng thái tâm lý của nhân vật đều phải được thể hiện bằng hình ảnh. Nhân vật buồn? Cô ta buồn như thế nào? Cô ta khóc lóc, say xỉn, hay cứ ngồi coi TV rồi cười ngây dại? Nhân vật vui? Cô ta vui đến mức nào? Cô ta cười to? Nhảy theo nhạc? Hay chạy ra đường hú hét như con điên? Hãy miêu tả thật rõ ràng, mọi hành động của nhân vật, thể hiện cảm xúc của nhân nhân vật.

Nếu bạn cảm thấy miêu tả hành động quá khó khăn, bạn có thể làm như các phim VN hiện giờ, cho nhân vật mở mồm ra nói “Tôi buồn quá”, “Tôi vui quá”, “Tôi cảm thấy ê mông”… Và khán giả sẽ phản ứng với bạn như này:

thoi-dep-me-di-anh-comment-facebook.jpg

MỌI THỨ PHẢI ĐƯỢC MIÊU TẢ BẰNG HÌNH ẢNH

Nhưng mà tôi phải miêu tả hình ảnh thế nào?

Chúng ta lại quay lại với thơ haiku.

Thực ra trong tất cả các giai đoạn của viết kịch bản, miêu tả hình ảnh là dễ nhất. Nghĩ ra hình ảnh mới khó. Viết kịch bản phim không cần bạn phải màu mè hoa lá hẹ như viết tiểu thuyết. Bạn chỉ cần miêu tả, tường thuật lại hình ảnh đầy đủ và đơn giản như những gì bạn tưởng tượng trong đầu là được.

Ví dụ:

Trên ngọn đồi xanh mướt, có một cây anh đào to lớn, nở hoa đỏ hồng.

Những bông hoa rung rinh trong gió.

Một cơn gió thổi qua, làm những cánh hoa tung bay khỏi cành.

Những cánh hoa anh đào bay giữa bầu trời.

Những cánh hoa anh đào bay đi thật xa, thật xa khỏi ngọn đồi.

Cây anh đào vẫn đứng yên, mặc cho cơn gió thổi bay những cánh hoa khỏi cành lá.

Bạn nghĩ cảnh đó có thể quay được không? Có thể phải dùng tới chút kỹ xảo, nhưng chắc chắn là quay được.

Trước đó, trong một ví dụ ở trên có nhắc tới “cơn gió”, tôi nói rằng ví dụ đó không quay được. Còn ở ví dụ này, cũng có “cơn gió”, nhưng lại quay phim được. Tại sao? Thứ nhất, “cơn gió” là một sự vật vô hình. bạn không thể quay được cơn gió. Nhưng nếu cơn gió tác động vào một vật nào đó có thể nhìn thấy được, thì khi quay vật thể đó di chuyển bởi cơn gió, bạn cũng có thể quay được cơn gió, và khán giả có thể cảm nhận được hình ảnh cơn gió trong khung hình. Trong các bộ phim, người ta quay những hạt cát bay trên sa mạc, những ngọn gió thổi qua cánh đồng lúc mạch, cối xay gió xoay, tấm rèm cửa tung bay nhẹ nhàng, những trang sách lật, chiếc khăn quàng cổ bay mất… Có rất nhiều cách để quay một cơn gió, hay một sự vật vô hình như vậy.

Có thể lấy một ví dụ khác.

Bạn muốn miêu tả một nhân vật đang nhớ người yêu. Vậy thì hãy cho nhân vật đó nhìn tấm hình của người yêu, hoặc flashback hình ảnh người yêu nhân vật.

Nhi ngồi trên giường, hai bàn tay ôm lấy chiếc điện thoại.

Bàn tay Nhi lướt trên màn hình điện thoại.

Trên màn hình điện thoại là hình một chàng trai.

Nhi nhìn xuống điện thoại, khẽ mỉm cười, rồi bất giác thở dài.

Nhi nhìn ra cửa sổ, gương mặt Nhi thoáng chút buồn.

Bên ngoài cửa sổ, bầu trời đêm yên tĩnh le lói vài ánh sao.

Hãy chú ý, trong cả 2 ví dụ trên, không hề có bất cứ một câu thoại nào xuất hiện. Nhưng nội dung vẫn đầy đủ và rõ ràng. Nếu dùng thoại (theo kiểu phim VN) thì sẽ thế này:

Nhi ngồi trên giường.

NHI

(thở dài)

Mình nhớ anh ấy quá!

Nhi nhìn ra cửa sổ.

Bạn thấy cái nào “điện ảnh” hơn”?

Bí quyết để bạn có thể dễ dàng miêu tả hơn, đó là hãy sử dụng từ tượng thanh, từ tượng hình và đặt câu đơn giản, ngắn gọn, súc tích là được.

13

Trong một trong những phim điện ảnh mà tôi thích nhất “More than blue”(2009), một phim melodrama đậm chất Hàn do một nhà thơ tình hàng đầu Hàn Quốc đạo diễn và Kwon Sang Woo (K), Lee Bo Young (Cream) và Lee Bum Soo (Bác sĩ) đóng chính, có một cảnh mà tôi nhớ mãi. Đó là cảnh khi K dắt tay Cream bước vào lễ đường. Cream đã rất hạnh phúc.

사용자 지정 5.jpg

Nhưng rồi trước mặt cô, Bác sĩ đang đứng ở vị trí chú rể.

maxresdefault (2).jpg

Bàn tay K đưa bàn tay Cream cho Bác sĩ. Bàn tay Cream khẽ siết lấy bàn tay K. bàn tay K từ từ rút ra, nhẹ nhàng vỗ vỗ lên bàn tay Cream như để trấn an, rồi nắm lấy bàn tay Cream đưa cho bàn tay Bác sĩ.

inikencesimorethanblue.jpg

K quay đi, Cream bước theo Bác sĩ tiến về phía lễ đường.

한국영화 - 슬픔보다 더 슬픈 이야기 More Thanfullsizephoto80995fullsizephoto80996

Tất cả những gì đau lòng nhất của khoảnh khắc người đàn ông trao người phụ nữ mình yêu cho người đàn ông khác, tất cả được thể hiện chỉ trong một cú máy duy nhất, một cú máy cận cảnh quay mỗi 3 bàn tay. Không một lời thoại, không có biểu cảm gương mặt, chỉ có những cử động của bàn tay, cũng đã đủ thể hiện tất cả cảm xúc của cả 3 nhân vật vào khoảnh khắc đó. Đối với tôi, đó là một cú máy rất điện ảnh. Đó chính là ngôn ngữ của điện ảnh.

Đây là phim của một nhà thơ tình, có lẽ vì vậy mà bộ phim rất giàu chất thơ, từ hình ảnh, lời thoại, đến cả cấu trúc.

Đôi khi, tôi nghe vài biên kịch phim truyền hình VN bảo rằng “phim truyền hình và phim điện ảnh khác nhau, nên phim truyền hình không phải chú trọng vào hình ảnh hay ý nghĩa như phim điện ảnh”. Thiệt nếu giết người không phải đi tù tôi sẵn sàng nhét đầu mấy người đó vô máy xay sinh tố đầu tiên. Cái suy nghĩ của mấy người đó là một kiểu tư tưởng hết sức lệch lạc, nhưng lại được quá nhiều kẻ lười biếng tiếp thu và làm theo, dẫn đến kết quả là phim VN bây giờ như-thế-nào-bạn-cũng-biết-rồi-đấy.

Khi tôi bắt đầu tìm hiểu về làm phim và công nghệ giải trí, tôi lựa chọn học hỏi từ Hàn Quốc đầu tiên. Bởi vì Mỹ, Trung hay Nhật đều đã đi trước VN quá lâu, còn HQ lại là một nước tuy đi sau nhưng lại tiến quá nhanh. Họ lại là một quốc gia châu Á, có nhiều nét tương đồng về suy nghĩ và văn hóa như VN. Vậy nên tôi muốn tìm hiểu về bí mật thành công của họ.

Sau hơn 10 năm, xem hàng trăm bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh HQ, tôi đã tìm ra một trong những bí quyết thành công của họ: Đó là BÁM SÁT VÀO KỸ THUẬT. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng không dễ thực hiện. Sau khi xem hơn chục phim truyền hình của 1 dòng phim, tôi có thể nhận ra motif của dòng phim đó khá dễ dàng. Phim Hàn tuân thủ khá chặt chẽ cấu trúc 3 hồi, cũng như sử dụng các kỹ thuật kể chuyện khá nhuần nhuyễn. Đó là kết quả của hàng chục năm miệt mài tập viết của biên kịch. Bỏ qua vấn đề thiết bị, phim truyền hình HQ học theo phim truyền hình Mỹ, quay phim truyền hình như phim điện ảnh để đạt được hình ảnh đẹp nhất. Mà thực ra chính bản thân người Mỹ cũng từng nói “phim điện ảnh và phim truyền hình chỉ khác nhau về thời lượng, còn kỹ thuật sản xuất thì như nhau”. Phim HQ bám sát điều đó. Dù là phim truyền hình, nhưng họ vẫn quay bằng máy quay điện ảnh, màu sắc điện ảnh, kịch bản đậm tính điện ảnh, bố cục khung hình điện ảnh, công nghệ sản xuất điện ảnh luôn. Đó là lý do phim HQ luôn đẹp và hấp dẫn khán giả.

Bạn nghĩ phim truyền hình VN làm được không? Chắc chắn được. Miễn là ngưng trò biên kịch ma, lựa kịch bản không phụ thuộc vào độ tuổi hay quan hệ của biên kịch, đạo diễn ngưng nghịch ipad khi on set, đổi máy quay Z7 lên C200, chi thêm tiền chỉnh màu, ngưng trả 10tr/tập cho mấy diễn viên chính 1 ngày chạy 3 phim như Lương Thế Thành, và mấy mẹ biên tập viên hãng phim cũng như đài truyền hình ngưng đòi lobby để kịch bản và phim được duyệt thì tự nhiên phim sẽ hay và đẹp lên thôi.

Mà chắc chẳng ai trong số đó chịu hy sinh lợi ích vậy đâu.

12

Nói thật là vấn đề này nhắc hoài cũng chán, mà không nhắc thì mọi người cứ hay quên.

Quay lại vụ phim truyền hình. Tôi chú trọng mảng này vì phần lớn biên kịch ở VN hiện nay kiếm sống bằng phim truyền hình và sitcom. Từ khi cái tư tưởng “phim truyền hình khác phim điện ảnh” trở nên phổ biết, chất lượng phim VN ngày càng tệ đi. Mọi người đổ lỗi cho nhau. Khi nhắc tới hình ảnh trong phim, biên kịch thường sẽ đổ lỗi cho đạo diễn và quay phim. Nhưng sau khi xem qua mấy cái kịch bản phim truyền hình, thì tôi vẫn thấy là biên kịch không hẳn vô tội.

Bản thân tôi từng có thời gian chạy việc ngoài phim trường. Sau khi tham quan nhiều đoàn phim truyền hình khác nhau, tôi nhận thấy điều này: Không có đạo diễn và diễn viên nào sáng tạo cả. Với áp lực 3 ngày 2 tập như hiện nay, để quay cho đủ nội dung trong kịch bản đã rất khó khăn rồi, không còn thời gian để đạo diễn và diễn viên sáng tạo thêm nữa. mà biên kịch thì viết kịch bản sơ sài, không có chỉ dẫn hình ảnh, chỉ dẫn hành động thì đạo diễn với diễn viên biết phải làm sao? Vậy nên, để có hình ảnh đẹp, thì biên kịch phải sáng tạo trên kịch bản trước đã.

Gần đây tôi đang theo dõi bộ phim truyền hình “Fight to my way”. Tôi xem phim này ban đầu là vì nữ chính, nhưng khi xem thì thấy phim khá hay. Trong tập 4 của phim có một cảnh thế này:

Ae Ra và Dong Man là bạn thân từ nhỏ. Hai người có tình cảm với nhau nhưng không nhận ra. Một ngày nọ, Ae Ra hẹn hò cùng một chàng trai. Dong Man nhìn thấy và ghen nên đến kiếm chuyện. Nghe Ae Ra và chàng trai kia cùng đi ăn mì, Dong Man cũng đòi đi theo.

tumblr_oqst41pCzY1tuhbk3o1_1280.png

Trong cảnh này, 3 người bị chia cắt bởi 2 khung cửa sổ. Ae Ra ngồi cùng chàng trai kia một bên, Dong Man ngồi một mình một bên. hình ảnh này cho thấy mối quan hệ của 3 người: Ae Ra và chàng trai kia một cặp, Dong Man cô đơn. Sau đó Dong Man kéo ghế của Ae Ra, kéo Ae Ra về phía mình. Mối quan hệ thay đổi: Dong Man và Ae Ra một cặp, chàng trai kia cô đơn. Hành động này cũng cho thấy dấu hiệu Dong Man có tình cảm với Ae Ra và mối quan hệ giữa Ae Ra và chàng trai kia sẽ không thành.

Bạn có thể nghĩ khung hình này do đạo diễn sắp xếp, nhưng nếu biên kịch không cho những chi tiết như 3 người đi ăn, Ae Ra và chàng trai kia ngồi chung, tạo khoảng cách để Dong Man kéo ghế Ae ra lại sát bên mình, thì tài thánh đạo diễn cũng chẳng thể có đủ nguyên liệu để sắp xếp cảnh như thế này được.

Trong một cảnh khác cũng của phim này, Ae Ra gặp vấn đề trong công việc. Dong man muốn an ủi Ae Ra. Dong Man định ôm Ae Ra vào lòng, bàn tay Dong Man định ôm lấy vai Ae Ra nhưng rồi lại buông lơi.

tumblr_oqtjk927EG1tdti74o4_1280.png

Chi tiết này cho thấy Dong Man vẫn chưa sẵn sàng để tiến tới với Ae Ra.

Dong Man bảo Ae Ra cứ khóc đi, anh sẽ che cho cô. Khi Ae Ra bật khóc tức tưởi, Dong Man đã dùng thân mình, và cả áo, để che cho cô.

fight-for-my-way-2017-filming-location-episode-3-seoul-metropolitan-library-koreandramaland-d.jpg

Chi tiết này cho thấy sự quan tâm mà Dong Man dành cho Ae Ra, cũng như sự tin tưởng của Ae Ra đối với Dong Man.

Với cảnh này, chẳng có gì để đạo diễn phải sáng tạo đặc biệt cả. Tất cả những gì cần thiết đã có sẵn trong kịch bản rồi. Tất cả mọi chi tiết biên kịch đã viết ra hết rồi, mọi người chỉ việc làm theo.

Nhưng làm sao để đạo diễn quay theo cách mà tôi muốn?

Đây là thắc mắc của không ít biên kịch. Tất nhiên vì chẳng ai dạy nên chẳng ai biết cách. Thực ra cũng không khó lắm đâu. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua về cái đợc gọi là “cỡ cảnh” một chút.

Cỡ cảnh trong quay phim được chia ra khá nhiều cỡ, nhưng biên kịch chỉ cần nhớ 4 loại chính:

  • Toàn cảnh: Cảnh rộng, bao quát toàn bộ bối cảnh, thường là ngoại cảnh như đồi núi, thành phố, khu biệt thự… Trong Toàn cảnh, con người rất nhỏ hoặc không thể nhìn thấy.
  • Trung cảnh: Những cảnh cho thấy toàn thân hoặc ít nhất là nửa người nhân vật.
  • Cận cảnh: Quay gần các vật thể như gương mặt, bàn tay, cái bình, bàn học…
  • Đặc tả: Quay sát những vật thể, chi tiết nhỏ như đôi mắt, ngón tay, sợi len, những dòng chữ trên giấy, giọt nước…

Như vậy, khi bạn muốn đạo diễn quay cái gì, chỉ cần ghi vào kịch bản cái đó, đạo diễn sẽ chọn lựa góc quay phù hợp.

Tuy nhiên, có đôi lúc bạn xác định cú máy này trung cảnh, nhưng đạo diễn lại quay toàn cảnh, thì bạn phải làm sao?

Tôi lấy ví dụ thế này:

Một người đàn ông đứng trên sân ga.

Trên sân ga, một người đàn ông đang đứng.

Nội dung 2 câu trên giống nhau, nhưng góc quay khác nhau. Khi bạn viết “Một người đàn ông đứng trên sân ga”, đạo diễn sẽ biết “À, người đàn ông là chủ thể” và sẽ quay một cú trung cảnh. Ngược lại, trong trường hợp “Trên sân ga, một người đàn ông đang đứng” thì “Trên sân ga” là chủ thể, vậy nên đạo diễn sẽ cho quay một cú lấy toàn cảnh sân ga và có người đàn ông đứng trong đó.

Tương tự, đối với trường hợp giữa một cú trung cảnh và cận cảnh.

Anh ấy nắm tay cô ấy.

Bàn tay anh ấy nắm lấy bàn tay cô ấy.

Trong câu “Anh ấy nắm tay cô ấy”, “Anh ấy” là chủ thể, vậy nên đây là một cú trung cảnh. Ngược lại, câu “Bàn tay anh ấy nắm lấy bàn tay cô ấy”, “Bàn tay” là chủ thể, vậy nên đạo diễn sẽ quay cận cảnh bàn tay.

Đối với cận cảnh và đặc tả, hay đối với các cỡ cảnh khác nhau cũng đều như vậy.

Trên sân ga, Nam đứng khóc -> Toàn cảnh

Nam đứng khóc trên sân ga -> Trung cảnh

Gương mặt Nam nức nở -> Cận cảnh

Đôi mắt Nam đẫm nước -> Đặc tả

Tóm lại:

Trong câu miêu tả, vật thể/chi tiết được nêu ra trước là chủ thể để xác định cỡ cảnh.

Tuy nhiên, cách này chỉ có tác dụng gợi ý, còn quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về đạo diễn. Vậy nên nếu sau này bạn có thấy đạo diễn chọn một cú toàn cảnh thay vì đặc tả như trong kịch bản, thì cũng đừng chửi vội mà hãy thử nghĩ xem tại sao đạo diễn lại chọn cỡ cảnh đó, ý nghĩa của hình ảnh đó là gì. (Còn nếu là do chọn ngu thật thì chửi sau cũng chưa muộn)

Miêu tả hình ảnh trong kịch bản không hề khó khăn so với việc nghĩ ra hình ảnh. Hình ảnh không tự dưng hiện ra. Hình ảnh phải dựa trên nội dung, minh họa và thể hiện ý nghĩa mà nội dung đó muốn truyền đạt. Muốn có hình ảnh đẹp, ấn tượng thì đầu tiên nội dung phải có chất lượng trước đã. Nhưng có nội dung hay mà thay vì thể hiện bằng những hình ảnh tuyệt vời lại dùng vài ba câu thoại để lướt qua thì thật quá lãng phí. Vậy nên, từ nay, thay vì viết ra những kịch bản thoại liên tu bất tận, bạn hãy thử dừng lại và thay đổi chúng bằng cách sử dụng những hình ảnh thật đẹp, thật ấn tượng, thật độc đáo xem sao. Còn một điều thú vị nữa, đó là kịch bản nhiều hành động sẽ dài hơn một kịch bản nhiều thoại có cùng nội dung. Với biên kịch phim truyền hình nhuận bút tính theo trang, chẳng phải nhiều hơn là tốt hơn sao?

Hitchcook đã nói: “Điều gì làm nên một bộ phim hay? Kịch bản, kịch bản, kịch bản”. Vậy nên hỡi biên kịch, trước khi đổ lỗi cho ai khác, hãy viết kịch bản của bạn thật xuất sắc trước đã.

©yooribae


Comments

17 bình luận cho “[Kịch bản 101] #15: Miêu tả hình ảnh trong kịch bản”

  1. rất hay 😀

    1. Cảm ơn Lin ^_^

  2. Anh Hiếu viết hay kinh khủng luôn :)))

    1. Excuse me, chúng ta có biết nhau không?

  3. Anh cho em hỏi, vốn từ vựng của em khá yếu, nhất là về khoảng từ tượng hình và tượng thanh, liệu anh có thể chia sẽ cho em có tài liệu nào chuyên về từ tượng hình và tượng thanh không ạ? Cám ơn anh ^^

    1. Theo anh biết thì không có tài liệu đó. Tuy nhiên, em có thể tìm thử những cuốn sách có liên quan như ca dao tục ngữ, từ điển tiếng Việt, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa… anh nhớ từng có sách viết về từ tượng thanh, từ tượng hình mà lâu lắm rồi không biết mấy tiệm sách cũ còn không?

  4. Anh ơi!
    Em có thể gửi đề cương kịch bản cho anh xem qua giúp em được không ạ?

    1. Dear, em muốn anh xem giúp về vấn đề gì?

  5. Anh cho em hỏi, trong trường hợp phần đầu của movie “I can speak”, đoạn các nhân viên công vụ kể cho nam chính về bà Na Ok Boon, trong đoạn hội thoại đó có các cảnh về bà Ok Boon như là dẫn chứng, thì đoạn đó trong kịch bản sẽ format thế nào? sẽ tách ra làm các cảnh khác nhau hay vẫn chỉ là một cảnh? Em cảm ơn nhiều!

    1. Trong trường hợp này, kịch bản sẽ ghi rõ ràng cụ thể tất cả các cảnh nha em. Có thể kịch bản sẽ ghi toàn bộ phần thoại (nhân viên công vụ kể về bà Na), sau đó là các cảnh dẫn chứng liên tục. Khi về hậu kỳ cắt dựng thì lồng ghép lại.

      1. À em hiểu rồi. Cảm ơn anh nhé! Cả buổi hôm qua em dành đọc hết blog của anh, cảm thấy rất thú vị và bổ ích. Em cũng mong chờ những bài mới của anh ^^

  6. Ảnh đại diện Đặng Kiều Trinh
    Đặng Kiều Trinh

    Em cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết ạ, tài liệu cực quý luôn ạ <3

    1. Ngủ sớm nha em, đừng thức khuya quá, không tốt cho sức khỏe lâu dài đâu 😁

  7. Trong căn phòng lúc 00h,có một anh bạn trẻ đang đọc say sưa những bài viết quý giá này.Đôi mắt anh ta long lanh tràn đầy hi vọng!
    Cảm ơn tác giả! Tôi sẽ theo dõi và chia sẻ blog này.

    1. Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^

  8. Ảnh đại diện Phạm Cao Nhân
    Phạm Cao Nhân

    Hay quá, mấy hôm nay em đang đọc bài của anh trên trang. Cám ơn anh

    1. Cảm ơn Nhân đã ủng hộ blog ^_^

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d