[Kịch bản 101] #23: Lựa chọn đấu trường của riêng bạn

[Kịch bản 101] #23: Lựa chọn đấu trường của riêng bạn

Mỗi câu chuyện phù hợp với một thể loại, cách kể, thời lượng khác nhau. Nếu bạn dành tới hai mươi tập phim chỉ để kể về khoảnh khắc hoa đào rụng, hay viết một kịch bản dài năm phút với hai mươi nhân vật đang tìm cách giết nhau, thì rõ ràng là không phù hợp. Có một nguyên tắc là “Kể càng ngắn gọn càng tốt”, nhưng nếu chủ đề và câu chuyện mà bạn lựa chọn cần phải mất tới ba mươi tập phim để thể hiện đầy đủ mọi ý nghĩa và góc cạnh, thì đừng cố gắng để gom hết toàn bộ vào một kịch bản dài tiếng rưỡi.

Vậy làm sao để biết được câu chuyện của bạn phù hợp để làm phim ngắn, phim điện ảnh hay truyền hình? Dưới đây là một số tiêu chí giúp bạn dễ dàng phân loại ý tưởng, câu chuyện vào từng định dạng/hình thức phù hợp.

concurs-dramaturgie

THỜI LƯỢNG

Phương pháp dễ dàng nhất để xác định hình thức thể hiện truyện phim là dựa vào thời lượng. Tất nhiên, thời lượng ở đây không chỉ đơn thuần là “phim lẻ” hay “phim bộ”, và từ bây giờ, hy vọng rằng bạn sẽ – làm ơn – đừng dùng hai từ “phim lẻ”“phim bộ” nữa. Khán giả không biết thì còn có thể bỏ qua, cơ mà bạn đi ra đường tự xưng biên kịch mà ai hỏi tới bạn lại bảo rằng “em viết phim lẻ”, “em viết phim bộ” thì nghe nó có nghiệp dư rõ ràng quá không? Đừng dùng hai từ đó nữa. Năn nỉ đó.

Vậy thì chính xác phải dùng những từ nào để có vẻ chuyên nghiệp?

Có thể bạn đã biết, khi nói về phim, đầu tiên người ta sẽ chia ra hai hướng chính: Phim tài liệu và phim truyện. Ở đây, chúng ta không bàn tới phim tài liệu, mà chỉ bàn tới phim truyện. Phim truyện là gì? Giải thích ngắn gọn thì, phim truyện là dạng phim mà ở đó bạn kể ra một câu chuyện hoàn toàn hư cấu (fiction) với mọi hình ảnh, nhân vật, tình huống… đều là sản phẩm của trí tưởng tượng được dàn dựng sao cho giống thật. Kể cả khi bộ phim của bạn dựa trên câu chuyện có thật (based on the true story) hay lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật (inspired from the true story) thì nhiều chi tiết trong phim cũng được sáng tạo thêm cho lôi cuốn, hấp dẫn khán giả, chứ không chỉ đơn thuần tái tạo lại sự kiện và nhân vật một cách chính xác gần như tuyệt đối (non-fiction) như phim tài liệu (documentary).

Hình thức thể hiện của phim truyện thường được phân loại dựa vào thời lượng như sau:

Phim ngắn:

il_fullxfull.1933791448_qjc7

Theo quy định của nhiều liên hoan phim, phim ngắn (short film) là những phim có thời lượng từ 40 phút trở xuống, có câu chuyện và thông điệp rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều liên hoan phim cho biết, con số đẹp nhất là dao động trong khoảng 20 phút.

Cần phải lưu ý điều này, bạn có thể làm phim ngắn dài 10 giây, cũng có thể làm tới 40 phút, nhưng nhất thiết phim ngắn của bạn phải kể ra được một câu chuyện hoàn chỉnh và có thông điệp nhất định. Nếu bạn làm một cái clip dài 40 phút chỉ để nói về quá trình Ngọc Trinh đi shopping thì đó là vlog chứ không phải phim. Nếu bạn làm một cái clip 20 phút với toàn những hình ảnh động (gif) bắt chước mấy tấm ảnh trong tạp chí National Graphic thì đó là clip chứ không phải phim arthouse. Đừng nhầm lẫn.

À sém quên, nhiều bạn đi làm cho các công ty quảng cáo cũng thường nghe khách hàng bảo làm “clip viral”, nhưng thực ra ý họ là làm như phim ngắn. Vụ này bàn sau, vì chủ đề “viral” dài dòng lắm.

Phim điện ảnh:

movies-tiles.jpg

Theo quy định (cũng) của nhiều liên hoan phim, phim điện ảnh (feature film, movie) là những phim hư cấu (fiction) có thời lượng trên 60 phút. Thông thường, phim điện ảnh hiện nay có thời lượng dao động từ 90 đến 120 phút, trừ vài trường hợp đặc biệt như “Avengers: End Game” có thời lượng 3 tiếng hơn. Tại sao phim điện ảnh lại có giới hạn như vậy? Đầu tiên, đó là giới hạn chịu đựng của bàng quang khán giả khi vừa ngồi xem phim vừa ăn bắp rang uống nước ngọt trong rạp. Thứ hai, đó là con số được đưa ra bởi các phân tích, thống kê thuộc lĩnh vực kinh tế mà chúng ta sẽ bàn trong một bài khác để tránh lạc đề.

Cũng trong hạng mục điện ảnh này, bạn thường nghe nhiều người chia ra phim thương mại (commercial), phim độc lập (indie), phim nghệ thuật (arthouse). Sự phân chia này chủ yếu dựa vào nội dung và cách bộ phim được sản xuất, không liên quan đến thời lượng.

Trước đây, phim điện ảnh được sản xuất chủ yếu để chiếu rạp hoặc bán đĩa DVD. Từ khi Netflix xuất hiện, khái niệm này đã được mở rộng ra một chút.

Phim truyền hình:

american-series

Phần này chắc bạn đã biết. Phim truyền hình (drama) là những phim được chia thành nhiều tập, chủ yếu chiếu trên TV. Mỗi quốc gia lại có phân loại phim truyền hình khác nhau.

Ở Mỹ, phim truyền hình thường được chia thành nhiều phần, được gọi là mùa (season); mỗi mùa phim kéo dài từ 4 đến 23 tập, mỗi tập 40 phút, chiếu mỗi tuần một tập.

Ở Nhật Bản, người ta có cách chia đa dạng hơn, chắc mình sẽ nói trong bài khác.

Ở Hàn Quốc, phim truyền hình được chia làm 2 dạng chính: phim truyền hình buổi sáng (thường là phim gia đình) có thời lượng 30 phút/tập, số tập kéo dài từ 50 đến 100 tùy độ to của con rết (rating), chiếu gần như hàng ngày; phim truyền hình buổi tối có thời lượng trung bình 60 phút/tập, độ dài từ 16-24 tập, những phim cổ trang có thể dài tới 50 tập hoặc hơn, chiếu mỗi tuần 2 tập. Cá biệt có phim truyền hình của đài cáp OCN chỉ chiếu mỗi tuần 1 tập, mỗi phim dao động 8-12 tập và diễn viên nữ bao xinh. Gần đây, các đài mặt đất của Hàn Quốc bắt đầu có trò cắt đôi tập phim 60 phút thành 2 tập 30 phút chiếu liền nhau để có thêm tiền quảng cáo giữa mỗi tập phim, do Luật nước họ không cho các đài truyền hình mặt đất chiếu quảng cáo giữa lúc phim đang chiếu (truyền hình cáp vô tư).

Phim Trung Quốc thì đó giờ vẫn đều đều 30 đến 60 tập, mỗi tập 45 phút, tuần chiếu 3 tập (hoặc hơn). Phim Đài Loan với phim Ấn Độ thôi khỏi nói nha.

Còn riêng Việt Nam, hiện nay phim truyền hình được các nhà sản xuất quy định khoảng 40-45 phút/tập, tối thiểu 30 tập trở lên (để đảm bảo hoàn vốn); riêng phim chiếu trên VTV gần đây bắt đầu rút xuống còn có 20 phút/tập chưa bao gồm quảng cáo.

Sitcom:

2780dbe3-4b40-4926-93fc-cf16ab86c0f5.jpg

Sitcom (Situation Comedy), dịch ra là “Hài tình huống”. Sitcom vốn dĩ là một thể loại con xuất phát từ phim truyền hình, sau này được tách ra thành một định dạng riêng. Giống như phim truyền hình, sitcom cũng được chiếu trên TV, tuy vậy có vài sự khác nhau nhỏ về thời lượng. Ở Mỹ, một tập phim sitcom có thể dài từ 20 đến 40 phút, chia thành nhiều mùa, tương tự như phim truyền hình. Ở Hàn Quốc, một tập sitcom kéo dài khoảng 30 phút, có số tập nhất định. Ở Việt Nam, một tập sitcom dao động từ 5 đến 20 phút, tùy theo sitcom đó được chiếu trên TV hay chiếu online, số tập cũng dao động tùy theo vốn của nhà sản xuất.

Webdrama:

Webdrama, thuật ngữ mới nổi tầm 10 năm nay, còn được gọi một cách dài dòng là “phim truyền hình chiếu mạng”. Webdrama thường bị nhầm lẫn với sitcom vì có thời lượng tương tự (5-20 phút/tập), lại cùng được trình chiếu trên nền tảng online. Tuy nhiên, webdrama có nội dung đa dạng hơn, số tập ít hơn (từ 4 đến 30 tập), là phim truyền hình (drama) được sản xuất để trình chiếu duy nhất trên nền tảng online (Youtube, Vlive hay các ứng dụng truyền hình trực tuyến/Online TV).

Như vậy, dựa vào độ dài của truyện phim mà bạn muốn kể, bạn có thể tự xác định rằng kịch bản tiếp theo của bạn sẽ là kịch bản phim truyền hình, phim điện ảnh hay một hình thức nào khác phù hợp hơn.

SỐ LƯỢNG NHÂN VẬT

Hãy thử tưởng tượng bạn phải viết một kịch bản 100 phút với 20 nhân vật, hay một phim truyền hình 45 phút x 30 tập với chỉ có một nhân vật duy nhất đi lang thang giữa sa mạc. Ác mộng. Đó quả thật là một cơn ác mộng kinh khủng mà không ai muốn nghĩ tới. Tất nhiên, nếu bạn có đủ kỹ năng và một câu chuyện phù hợp, bạn vẫn có thể làm ra một kịch bản như vậy. Tuy nhiên, nếu nghĩ về chuyện phải bỏ ra bao nhiêu chất xám, tóc và thanh xuân để tự làm khó bản thân như vậy, thì rõ ràng quay về con đường dễ dàng vẫn đỡ cực hơn.

Vậy mỗi định dạng phim có số lượng nhân vật thế nào?

Thông thường, một phim điện ảnh sẽ có số lượng nhân vật dao động từ hai đến dưới bảy người. Ở đây chúng ta sẽ chỉ tính những nhân vật quan trọng như nhân vật trung tâm, thứ chính, nhân vật phụ, không bao gồm cameo hay quần chúng. Một số phim hầu hết thời lượng chỉ xoay quanh một nhân vật (127 Hours, Cast Away…), có những phim mà số nhân vật đông hơn cả đội ngũ làm phim (Avengers: End Game, Planet of Apes… nếu tính luôn mấy nhân vật CGI). Dù vậy, số lượng nhân vật chủ yếu thường không quá con số bảy thần thánh, truyện phim cũng chỉ tập trung vào một đến ba nhân vật chủ chốt.

Với phim truyền hình, do thời lượng dài, nếu truyện phim chỉ xoay quanh một hay hai nhân vật thì chẳng mấy chốc biên kịch sẽ hết chuyện để kể. Vậy nên, phim truyền hình thường có số lượng nhân vật nhiều hơn, thường rơi vào khoảng mười đến mười hai nhân vật, trong đó có khoảng bốn đến sáu nhân vật chủ chốt (bao gồm nhân vật chính).

22d1c7_f0cf4626170b4c169a325255973f0eb8_mv2.jpg

Sitcom, tương tự như phim truyền hình, cũng có số lượng nhân vật khá nhiều, đơn giản là để dễ tạo tình huống. Tuy nhiên, do kinh phí sản xuất và thời lượng hạn chế, sitcom hiện nay thường chỉ xoay quanh bốn đến sáu nhân vật chủ chốt (bao gồm nhân vật chính) và ít khi xuất hiện cameo hay quần chúng như phim truyền hình.

Webdrama, bởi thời lượng hạn chế (chỉ từ 5-20 phút/tập, 4-20 tập) nên số lượng nhân vật trong phim cũng chỉ xoay quanh từ hai đến sáu nhân vật chủ chốt (bao gồm nhân vật chính).

Phim ngắn, thường được xem như “phim điện ảnh ngắn”, có thời lượng hạn chế (thường dưới 20 phút), vậy nên số lượng nhân vật cũng chỉ dao động từ một đến ba nhân vật chủ chốt (bao gồm nhân vật chính).

Bằng việc xác định số lượng nhân vật bạn cần để thể hiện ý đồ, nội dung, câu chuyện mà bạn muốn kể, bạn có thể xác định được truyện phim của bạn sẽ cần bao nhiêu thời lượng để diễn đạt đầy đủ, từ đó xác định hình thức phù hợp với kịch bản của bạn.

3fgt

Dĩ nhiên, đôi khi cũng có vài trường hợp ngoại lệ. Tôi và biên kịch cộng sự từng thử thách bản thân viết ra một kịch bản webdrama 20 phút x 26 tập với tổng cộng 13 nhân vật. Ừa đúng rồi, kịch bản đó viết xong bỏ xó vì nghe tới 13 nhân vật là hổng ai dám đầu tư. Vậy nên mới gọi là thử thách.

THỂ LOẠI – ĐỀ TÀI – NỘI DUNG

Thông thường, bên cạnh mấy câu hỏi xã giao kiểu “em viết phim lẻ hay phim bộ?”, người ta sẽ hỏi nhau rằng “phim này thể loại gì vậy?”, hay “phim này nói về cái gì vậy?”. So với việc phân loại phim dựa trên thời lượng thì phân loại dựa vào thể loại hay nội dung khó hơn nhiều. Đó là lý do bạn vẫn thường xuyên thấy nhiều phim chiếu rạp với chất lượng nội dung chẳng khác gì sitcom chiếu Youtube hay tiểu phẩm hài trong mấy cái VCD bán đầy ngoài chợ cuối thế kỷ 20.

Vậy thì những đề tài nào phù hợp làm thành điện ảnh, thể loại nào hợp chiếu truyền hình, nội dung nào tốt nhất nên chôn trước khi nó kịp đẻ trứng? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem.

How-to-Write-a-Screenplay_720x370

Đề tài – Nội dung:

Phim ngắn:Khi nhắc đến đề tài – nội dung phim, có thể khẳng định rằng, phim ngắn là môi trường làm phim tự do nhất cho sự sáng tạo. Bởi vì bạn không chịu áp lực từ mấy con cá béo phì, cũng không phải suy tính quá nhiều về đầu ra sản phẩm, lại ít được các bác kiểm duyệt ở trên chú ý nếu có làm quá giới hạn (về mặt pháp lý, đạo đức…); vậy nên bạn có thể thử thách bản thân ở mọi thể loại, đề tài, nội dung mà bạn có thể nghĩ ra. Bên cạnh đó, chỉ khi làm phim ngắn, bạn mới có thể nhờ và người này người kia, được hỗ trợ để làm ra phim với kinh phí thấp, không tốn quá nhiều chi phí vào những trang thiết bị fancy hoàn toàn không giúp kịch bản của bạn hay thêm được chút.

Phim điện ảnh: Như bạn đã biết ở trên, thời lượng một phim điện ảnh hiện nay chỉ kéo dài từ 90-120 phút. Vậy nên, phim điện ảnh phù hợp với những câu chuyện có nội dung cô đọng, chặt chẽ, súc tích, thời gian trong phim ngắn, sự kiện dồn dập, liên tục. Đề tài và nội dung trong phim điện ảnh (về lý thuyết) khá đa dạng. Bạn có thể sáng tạo thoải mái, từ tình yêu đôi lứa, thanh xuân vườn trường, đến chạy bộ trên nóc tàu hay tắm biển vì môi trường… Tuy nhiên, vì phim điện ảnh vốn được mặc định là phải có chất lượng nghệ thuật cao hơn các hình thức phim ảnh khác với vốn đầu tư tính bằng tiền tỷ, nếu câu chuyện của bạn quá dài dòng, không có gì gây ấn tượng mạnh cho khán giả, hay cố tình đi ngược với pháp luật và đạo đức xã hội, sẽ rất khó để phim của bạn có thể sống qua vòng cấp vốn (trừ khi sugar daddy của bạn là người da trắng hoặc mẹ bạn giàu).

giphy (1).gif

Phim truyền hình:Nếu ví phim điện ảnh như truyện ngắn, thì phim truyền hình giống như tiểu thuyết chương hồi. Với đặc thù trình chiếu trên sóng truyền hình, phim truyền hình có nội dung nhẹ nhàng, dễ xem, dễ hiểu, dễ cảm nhận hơn phim điện ảnh. Nội dung của phim truyền hình thường xoay quanh tình yêu, tình bạn, gia đình, các mối quan hệ trong xã hội. “Mẹ chồng nàng dâu” là đề tài yêu thích của khá nhiều biên kịch và khán giả nữ có tuổi. Khán giả trẻ thì thích ngoại tình. Các vấn đề xã hội thì thường chỉ có VFC làm (dòng phim chính luận). Khán giả miền Tây, nhất là khán giả của THVL, thích phim hình sự hơn. Nếu bạn có một câu chuyện xoay quanh chuyện gia đình, tình yêu, hay trinh thám, với thời gian câu chuyện diễn biến trong phim từ vài tháng đến vài năm, thì phim truyền hình là hình thức phù hợp với bạn.

Sitcom:Sitcom – hài tình huống – không yêu cầu bạn có nội dung quá cao siêu, phức tạp. Nội dung sitcom thường xoay quanh chuyện tình yêu, tình bạn, gia đình, quan hệ công sở… với những khó khăn, bị kịch được thể hiện với góc nhìn hài hước. Sitcom vốn dĩ không dễ viết, bởi khiếu hài hước đủ để mang lại tiếng cười cho khán giả đại chúng không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay là sitcom được sản xuất tràn lan với giá nhuận bút rẻ bèo và biên kịch non tay thiếu kỹ năng được tuyền dụng để tiết kiệm chi phí. Nếu bạn mới vào nghề, không có gu hài hước duyên dáng, không có kỹ năng vững vàng, viết sitcom tầm vài tháng sẽ đủ để bạn gãy cánh vĩnh viễn. Hãy nghĩ kỹ trước khi quyết định.

Webdrama:Được sinh ra chủ yếu với mục đích giải trí, kinh phí sản xuất thấp, webdrama chủ yếu xoay quanh đề tài tình yêu, tình bạn, các vấn đề thường nhật của giới trẻ. Đầu năm 2019, nếu để ý, bạn sẽ thấy là có khá nhiều diễn viên hài đầu tư tiền tỷ sản xuất webdrama về giang hồ theo hướng hài – hành động. Tuy nhiên, đừng dại mà lao theo, bởi Quốc Hội đang có kế hoạch đưa ra các điều Luật mới nhằm kiểm soát nội dung webdrama, tránh tình trạng webdrama cổ súy bạo lực, tình dục, chất lượng nội dung thấp kém, tràn ngập các kênh online, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ như hiện nay.

Muốn làm phim có ăn, đầu tiên nên hiểu Luật, rồi hiểu cả khán giả nữa, thì may ra.

giphy (4).gif

Thể loại:

Nhiều người cho rằng, môi trường điện ảnh đa dạng thể loại và nội dung hơn truyền hình. Điều này đúng, về mặt lý thuyết. Nếu bạn có để ý thị trường phim chiếu rạp Việt Nam mấy năm gần đây, bạn có thể thấy số lượng thể loại phim được đầu tư sản xuất và công chiếu ngoài rạp khá hạn chế. Thể loại được sản xuất nhiều nhất trong 5 năm gần đây chủ yếu là tình cảm hài/rom-com (Gái Già Lắm Chiêu 1, Gái Già Lắm Chiêu 2, Em Chưa 18, Cua Lại Vợ Bầu, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Yêu, Chị Trợ Lý Của Anh…), hài (Hồn Papa Da Con Gái, Xóm Trọ 3D…), hành động (Hương Ga, Găng Tay Đỏ, Hai Phượng…), hành động – hài (Vệ Sĩ Sài Gòn, Táo Quậy, Lật Mặt…), hiếm hoi lắm mới có vài phim tâm lý-tình cảm (Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh…), kinh dị (Cô Hầu Gái, Cha Ma…), fantasy/giả tưởng (Ngày Nảy Ngày Nay, Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể, Người Bất Tử…). Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là 2 thể loại hài và tình cảm. Lỗ nhiều nhất cũng là 2 thể loại đó.

71501257_599713440432951_7546568039437697024_o
Nguồn: Box Office Vietnam

Từ đây, có thể thấy rằng hiện nay hầu hết người làm phim điện ảnh ở nước ta ưa chuộng 3 thể loại chính: tình cảm, hài, hành động. Là biên kịch viết kịch bản kiếm tiền, đường nào bạn cũng sẽ phải chọn lựa làm một trong 3 thể loại đó. Tuy vậy, bạn vẫn có thể làm cho kịch bản của bạn phong phú hơn bằng cách kết hợp thêm những thể loại phụ khác, miễn là thể loại phù hợp với câu chuyện.

Còn nếu kịch bản của bạn không nằm trong 3 thể loại đó, chẳng sao cả. Bởi khán giả thích phim hành động sẽ chọn xem phim hành động, khán giả thích phim hài sẽ chọn xem phim hài. Cho dù bạn viết phim tình cảm melo bi lụy xuất sắc coi rơi nước mắt mà khán giả lại thích xem phim đấu trí thông minh nhiều kỹ xảo thì phim bạn có hay đến đâu cũng có khán giả không xem.  Không có thể loại nào có thể thu hút được tất cả mọi thể loại khán giả. À, thực ra là có một thể loại, cơ mà với tình hình phim ảnh nước nhà hiện nay, chẳng ai dám đầu tư vào đó đâu.

Ở mảng phim truyền hình, thể loại có phần hạn chế hơn, chủ yếu là tâm lý xã hội (drama), trinh thám (một nhánh của thriller), hiếm hoi lắm mới có một phim chính luận (chính trị, dòng phim kết hợp tâm lý và hồi hộp) của VFC sản xuất. Kinh dị (horror), hành động (action) và giả tưởng (fantasy) là những thể loại gần như không được sản xuất để chiếu trên truyền hình. Một phần vì phim truyền hình được kiểm soát bởi cả Luật điện ảnh lẫn Luật báo chí nên có những hạn chế (liên quan đến độ tuổi người xem, mê tín dị đoan, bạo lực…), phần nữa là vì những thể loại đó tốn khá nhiều chi phí cũng như năng lực đạo diễn – biên kịch, thứ mà cả nhà đài lẫn nhà sản xuất đều không kham nổi. Trong khi đó, mảng webdrama chủ yếu xoay quanh thể loại tình cảm, tình cảm hài, hành động – hài là chính, với lý do đơn giản là chi phí hạn chế.

Mỗi biên kịch đều có những sở thích và thế mạnh riêng (về thể loại, đề tài, cách kể chuyện…), vậy nên nếu như bạn cảm thấy không phù hợp với thể loại này, hãy thử thách bản thân với thể loại khác. Thể loại chỉ là một phần rất nhỏ để bạn xác định đầu ra cho kịch bản, không phải là nhân tố tối quan trọng quyết định chất lượng kịch bản của bạn. Xác định thể loại phù hợp với câu chuyện bạn muốn kể, vừa giúp câu chuyện có hướng đi rõ ràng hơn, vừa giúp bạn vững vàng hơn trong việc xác định kịch bản này sẽ được thể hiện theo hướng nào.

CÁCH THỂ HIỆN

Sự thật là, dù bạn có cố gắng động não đến đâu, thì câu chuyện của bạn cũng sẽ chỉ gói gọn trong khoảng 36 kiểu câu chuyện, hay na ná một câu chuyện gì đó đã được kể lại trong lịch sử. Điều này không có gì bất thường cả. Giống y hệt một tác phẩm nổi tiếng ai cũng biết mới là vấn đề. Cùng một ý tưởng, cùng một câu chuyện gốc, nhưng cách diễn giải, cách thể hiện của mỗi người lại khác nhau. Người kể chuyện giỏi nhất, sẽ được gọi là nghệ sĩ.

Cùng một câu chuyện về hai con người ở hai thế lực đối nghịch lại phải lòng nhau, Shakespeare đã viết nên tuyệt phẩm “Romeo and Juliet”, mà mỗi lần Hollywood remake lại có cách thể hiện khác nhau. Cũng kiểu câu chuyện đó, điện ảnh thế giới đã chứng kiến nhiều tác phẩm ra đời như “Titanic”, “The Best Of Me”, “Avatar”, “The Notebook”, “Atonement”, “Her”, “The Shape of Water”… Có thể thấy rằng, cách bạn thể hiện câu chuyện, cách bạn kể truyện, quan trọng hơn cả bản thân ý tưởng hay câu chuyện của bạn.

romeo-and-juliet-adaptations.jpg

Cũng câu chuyện đó, cũng đề tài đó, phim truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đã sáng tạo ra những bộ phim đình đám như “Dòng Sông Ly Biệt”, “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”, “Thiên Thần Tuyết”, “Hoàng Tử Ếch”, “Vườn Sao Băng”, “Come And Hug Me”…

Rất dễ nhận ra, rằng cùng một kiểu câu chuyện, một đề tài, phim điện ảnh và phim truyền hình có cách thể hiện khác nhau. Trong khi phim điện ảnh tập trung vào việc kể chuyện một cách nhanh gọn, cô đọng, giàu hình ảnh, ít thoại, thì phim truyền hình lại có tiết tấu chậm hơn, nhẹ nhàng hơn, nhiều nhân vật và mối quan hệ hơn. Nếu bạn cảm thấy câu chuyện của bạn chỉ cần kể trong hai tiếng là đủ, hãy kể bằng điện ảnh. Nếu bạn có quá nhiều thứ muốn kể, nhiều vấn đề muốn thể hiện, nhiều nội dung mà bạn muốn truyền tải trong truyện phim, thì truyền hình có lẽ phù hợp với câu chuyện của bạn hơn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngoài việc dùng nhiều thoại hơn và tiết tấu, nhịp điệu chậm hơn, thì cấu trúc của phim truyền hình không khác mấy so với phim điện ảnh. Ngược lại, giữ chân khán giả ngồi lại rạp hai tiếng đồng hồ coi vậy mà có khi lại dễ dàng hơn nhiều so với việc giữ khán giả theo dõi một bộ phim suốt ba tháng liên tục không bỏ tập nào.

THÔNG ĐIỆP

Thông điệp, có rất nhiều người lơ là phần thông điệp. Thông điệp của phim, là phần chìm phía dưới đáy tảng băng, không phải phần nổi mà bạn dễ dàng thấy thông qua trailer. Ví dụ: Bumblebee là phim hành động giả tưởng về cuộc chiến của robot, nhưng thông điệp ẩn sâu lại là câu chuyện về gia đình. Her là câu chuyện về tình yêu giữa con người và AI (trí thông minh nhân tạo), nhưng thông điệp/chủ đề lại nói về sự cô đơn. Thông điệp không chỉ là chủ đề, tiền đề, mà còn là ý chí, quan điểm mà người làm phim muốn truyền tải đến khán giả. Thông điệp trong phim điện ảnh và phim truyền hình vẫn có những điểm giống nhau, nếu thông điệp của bạn xoay quanh chuyện gia đình, tình yêu, tình bạn. Tuy nhiên, không phải thông điệp nào cũng phù hợp truyền tải trên truyền hình, cũng không phải thông điệp nào cũng nên đưa vào điện ảnh.

giphy (13).gif

Ngành phim ảnh Hàn Quốc từ thế kỷ trước đã có câu quote thế này: “Điện ảnh là là giải trí, truyền hình là giáo dục”. Thực tế, từ Thế chiến II, điện ảnh thế giới đã cho thấy phim ảnh không chỉ là sản phẩm giải trí, mà còn là công cụ truyền thông và tiếng nói chính trị mạnh mẽ. Thông điệp trong phim điện ảnh là thông điệp xã hội tầm vĩ mô, như phim hoạt hình Ghibli luôn có thông điệp về môi trường, những phim khoa học viễn tưởng/hậu tận thế mang thông điệp về phát triển khoa học – công nghệ, dự báo tương lai hay hậu quả chiến tranh… Nhiều phim điện ảnh truyền tải những thông điệp xoay quanh các vấn đề lớn của con người hiện đại như nỗi cô đơn, các vấn đề tâm lý, nạn phân biệt chủng tộc, khoảng cách giàu – nghèo, mặt trái của chủ nghĩa tư bản… Đó là phim nước ngoài, còn phim nước mình vẫn chưa lên nổi tầm đó. Tại biên kịch – đạo diễn chưa đủ trình.

Đối với phim truyền hình, gánh vác thông điệp giáo dục, nâng cao dân trí, là nhiệm vụ của đài truyền hình, Đảng và Nhà Nước yêu cầu vậy. Thực tế thì ai cũng thấy rồi. Về lý thuyết, phim truyền hình sẽ khai thác và truyền tải các thông điệp hướng đến giáo dục nhân cách, nâng cao dân trí như hòa hợp giữa các thành viên trong gia đình, các vấn đề thường nhật khi giao tiếp ngoài xã hội và cách xử lý, cách đối xử giữa người với người, tình trạng bạo hành học đường, câu chuyện khởi nghiệp, các nghề nghiệp ít người biết tới trong xã hội… Gần đây có phim “Tổng Thống 60 Ngày” của tvN, sau khi tôi gửi cho mấy người bạn xem xong phim thì nhận thức chính trị của họ tăng lên hẳn, đó là tác dụng giáo dục của phim truyền hình. Rất lâu trước đây, cuối những năm 90, khi nền kinh tế thị trường nước ta bắt đầu phát triển, TFS đã sản xuất ra những bộ phim như “Giã Từ Dĩ Vãng”, “Đồng Tiền Xương Máu”, “Hướng Nghiệp”… cung cấp thông tin về khởi nghiệp cho giới trẻ khi đó. Đầu những năm 2000, khi phong trào sống thử được giới du học sinh 8X mang về châu Á từ Âu Mỹ, truyền hình Hàn Quốc đã có ngay bộ phim “Lối Sống Sai Lầm” cho khán giả trẻ toàn châu Á thấy được những vấn đề có thể xảy ra khi sống thử không suy nghĩ. Cuối những năm 2000, phim thần tượng Đài Loan xuất hiện, sau đó là phim thần tượng Hàn Quốc, phim ngôn tình Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý của khán giả và dẫn đến lối suy nghĩ lệch lạc, thiếu nhận thức hiện thực mà rất nhiều thanh thiếu niên 9X, 2K sau này gặp phải.

giphy (15).gif

Phim Việt Nam, từ khi Luật điện ảnh bổ sung những điều khoản liên quan đến việc tăng % suất chiếu phim Việt tại rạp và tăng thời lượng phát sóng phim Việt trên sóng truyền hình tầm 10 năm trước, đã dẫn đến tình trạng “phim lấp sóng”“hài nhảm chiếu rạp” xuất hiện tràn lan. Không khó để chỉ mặt đặt tên hàng loạt phim truyền hình cổ xúy ngoại tình hay gây mất đoàn kết gia đình bằng đề tài mẹ chồng bật cả họ nàng dâu. Không có thông điệp gì đằng sau đó. Hậu quả là thị trường phim truyền hình phía Nam đang hấp hối, còn truyền hình phía Bắc chỉ mỗi VFC còn sống sót. Điện ảnh Việt Nam bây giờ được thống trị bởi CJ E&M và các đạo diễn Việt kiều, kịch bản remake scene-by-scene hay những tiểu phẩm từ các sân khấu hài được phát hành ngoài rạp chiếu phim là chuyện mà ngoài những người làm phim ra thì khán giả đều đã thấy.

Tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim. Trong tỷ lệ đó, phim truyện Việt Nam phải được phát sóng vào khoảng thời gian từ 20 -22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác.
Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên hệ thống các rạp phải bảo đảm đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu, và phải được chiếu vào khoảng thời gian từ 18-22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác.
Thời lượng phát sóng phim trên truyền hình dành cho trẻ dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng thời lượng phát sóng phim. Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 16 tuổi tại rạp và cả trên truyền hình phải kết thúc trước 22 giờ.
Những nội dung đáng chú ý này được Chính phủ nêu cụ thể tại nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18/6/2009. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 7/7/2010.
Nguồn: chinhphu.vn

giphy (16).gif

Đó là thực trạng chung 10 năm nay. Hiện nay thị trường bắt đầu đa dạng hơn, chất lượng phim tốt hơn, nhưng để điện ảnh Việt Nam có thể tự bảo vệ bản thân trước sự xâm lăng văn hóa của làm sóng Hanlyu và các nền văn hóa từ các quốc gia mạnh khác, người làm phim cần phải học tập, rèn luyện và chiến đấu với 3000% năng lực thay vì ngồi nhà gõ phím chửi chế độ xong ra đường làm hài nhảm với phim mẹ chồng – nàng dâu. Đó là thông điệp. Một thông điệp rõ ràng rằng hãy xác định rõ câu chuyện của bạn muốn truyền tải thông điệp gì, từ đó lựa chọn hình thức truyền tải phù hợp. Còn nếu bạn chỉ có ý tưởng mà không có thông điệp gì, thử viết sitcom xem, nếu may mắn mấy ekip nghiệp dư làm sitcom chiếu Youtube có thể sẽ chấp nhận.

ĐỐI TƯỢNG KHÁN GIẢ

audience

Đây là thứ mà mọi bản brief kịch bản và mọi nhà sản xuất, nhà đầu tư đều nhắc tới. Vì nó quan trọng. Xác định đối tượng khán giả mà bộ phim nhắm tới là bước chuẩn bị cần thiết để cả biên kịch, đạo diễn lẫn đội ngũ marketing nắm được rằng mình cần phải thể hiện câu chuyện theo hướng nào, thể loại nào, trình chiếu trên nền tảng nào, quảng bá ra sao để khán giả mục tiêu (target) biết đường đến xem. Biên kịch hay đạo diễn có thể nghĩ “Đây là việc của đội ngũ marketing”, nhưng thực tế, đội ngũ marketing chỉ có thể làm việc dựa trên những gì mà biên kịch hay đạo diễn làm ra trước đó.

Nghe có vẻ khó khăn? Thực ra là không. Phim điện ảnh cho khán giả trẻ (18-35 tuổi); phim truyền hình cho mẹ bỉm sữa và bà nội trợ, gia đình (trên 30 tuổi); webdrama cho giới trẻ bận rộn (20-30 tuổi) hay thiếu niên (15-20 tuổi); cơ bản là vậy.

Cụ thể hơn, nếu kịch bản của bạn thuộc thể loại kinh dị hay khoa học viễn tưởng, rõ ràng kịch bản đó không phù hợp làm phim truyền hình. Nếu câu chuyện của bạn là cuộc chiến ngoại tình giữa mẹ chồng và nàng dâu hay hành trình trả thù của một tiểu tam suốt hàng năm trời đằng đẵng, thì câu chuyện khó mà thể hiện hết chỉ trong 100 phút phim. Tương tự, nếu phim của bạn có thông điệp về môi trường hay đề cập về những đề tài mang tính cá nhân, phim điện ảnh sẽ phù hợp hơn phim truyền hình…

Là người kể chuyện, bạn cần phải xác định câu chuyện này bạn muốn kể ai nghe, từ đó tìm cách kể phù hợp. Dù bạn là biên kịch, đạo diễn hay người lên kế hoạch truyền thông, thì chỉ cần xác định đúng mục tiêu, bạn sẽ có cơ hội sống.

giphy (19).gif

Gần đây báo Tuổi Trẻ có bài viết “13 phim Việt mùa hè đều… lỗ trong ngỡ ngàng”. Trong số này, một vài phim quá rõ ràng là thất bại ngay từ khâu quảng bá. Điển hình như “Ngôi Nhà Bươm Bướm”, “Thưa Mẹ Con Đi” đã đi vào vết xe đổ của “Song Lang” năm ngoái, khi quảng bá rầm rộ rằng đây là phim về “tình yêu đồng tính” hướng đến chỉ duy nhất đối tượng khán giả đồng tính và ủng hộ đồng tính, trong khi nội dung và thông điệp của phim là về gia đình (???). Hậu quả là khán giả dị tính (chiếm phần lớn dân số) vốn không có nhu cầu quan tâm đến chuyện tình yêu đồng tính quyết định không đi xem. Nghĩ cũng hơi kỳ nếu bạn trai rủ bạn gái đi xem phim vì “phim này buê đuê lắm”, hay bạn gái rủ bạn trai đi xem cũng với lý do đó? Người dị tính không xem phim về tình yêu đồng tính không có nghĩa là họ kỳ thị, đơn giản đó không phải là chủ đề họ quan tâm. Chưa hết, phát ngôn của một số diễn viên trong phim với thông điệp yêu cầu khán giả không được “kỳ thị một cộng đồng (đồng tính)” bằng việc không xem phim (nói về cộng đồng) cũng làm cho cộng đồng khán giả dị tính cảm thấy bị phân biệt đối xử nên không muốn xem.

giphy (22).gif

Một trường hợp khác, mà kha khá phim độc lập ra rạp năm nay mắc phải, đó là chỉ quảng bá trong đối tượng khán giả nhỏ hẹp với từ khóa “indie” (mà khán giả đại chúng hay nghe nhầm thành “im đi”), nhưng lại phát hành phim tại cùng lúc hàng trăm cụm rạp, dẫn đến tỷ lệ số ghế/suất chiếu thấp, khiến rạp buộc phải cắt suất chiếu, mà nếu đạo diễn không khóc kịp thì phim chết luôn rồi. Về trường hợp này, có thể học hỏi cách công ty A24 phát hành phim The Farewell.

“Cách A24 tung bộ phim ra như thế này: Chỉ mở chiếu tại 4 rạp phim ở New York và Los Angeles trong thời kỳ đầu ra mắt. Từ đó xây dựng hiệu ứng truyền miệng đám đông (word of mouth) để khiến mọi người háo hức về một bộ phim indie đang được tung ra dần dần tại các rạp. Nhờ đó kéo được lượt khán giả đông đảo đến rạp để xem The Farewell, thu về doanh số trung bình mỗi rạp (per-theater average) trong tuần đầu tiên công chiếu ở mức 88.916 đô la Mỹ (trong khi Endgame chỉ đạt mức per-theater average là $76.601)”
Nguồn: Xinê House
MV5BMWE3MjViNWUtY2VjYS00ZDBjLTllMzYtN2FkY2QwYmRiMDhjXkEyXkFqcGdeQXVyODQzNTE3ODc@._V1_.jpg
Poster phim The Farewell (ra rạp tại VN từ 11/10/2019)

Vậy mới thấy, dù nội dung phim có hay đến đâu, nếu bạn không xác định trước đối tượng khán giả chính mà bộ phim hướng tới, bộ phim của bạn sẽ có nhiều cơ hội kết thúc trước khi được sản xuất. Việc xác định đối tượng khán giả mục tiêu không quá khó, nhưng đây là công đoạn mất thời gian, đòi hỏi tìm hiểu kỹ và xác định chính xác. Xác định đối tượng khán giả sai, kịch bản của bạn có thể sẽ biến thành một quả bom với kinh phí khổng lồ sau đó bể tanh bành ngay trước khi kịp ra rạp, hay vĩnh viễn không có cơ hội ló mặt trên sóng truyền hình.

Sai một ly, đi chục tỷ.

Nhớ cho kỹ.

giphy (8).gif

Kết.

Tất nhiên, không có gì là tuyệt đối. Bạn vẫn có thể viết một kịch bản webdrama 26 tập với 13 nhân vật, viết một phim điện ảnh xoay quanh góc nhìn của hai chục người về một quả bóng, hay một phim truyền hình ba mươi tập chỉ nói về một chú cún đi lang thang giữa rừng. Tất cả phụ thuộc vào năng lực của bạn. Còn việc viết xong được sản xuất và ra mắt hay không lại phụ thuộc vào mấy con cá béo phì có hiểu được tầm nhìn của bạn hay không.

source.gif

Thử thách bản thân là niềm vui, cũng là sự nguyền rủa, của người làm sáng tạo. Không phải ý tưởng mới lạ nào cũng được chấp nhận ngay. Không phải người ham viết lách nào cũng có thể nghĩ ra được những câu chuyện hay ho, ấn tượng. Nhất là khi bạn mới chập chững vào nghề và chẳng có tí kinh nghiệm nào ngoài vài thứ cảm giác tích cóp được sau vài buổi xem phim. Vậy nên trước khi tung cánh bay lên giữa bầu trời sáng tạo, ít nhất bạn cũng nên biết được đôi cánh của bạn được làm từ chất liệu gì.

5632b3208e61673f3e70.jpg

Dựa vào những tiêu chí trên, bạn có thể sắp xếp và điều chỉnh câu chuyện cho phù hợp với hình thức bộ phim mà bạn muốn thể hiện. Đừng giữ suy nghĩ phân biệt phim điện ảnh với phim truyền hình dựa vào chất lượng hình ảnh hay cách kể đơn thuần; bởi ngày nay, khi mà Netflix đã trở thành tiêu chuẩn cơ bản cho mọi phim điện ảnh và truyền hình muốn trình chiếu toàn cầu, và phim chiếu trên kênh truyền hình tvN Hàn Quốc được sản xuất hoàn toàn theo tiêu chuẩn và thiết bị điện ảnh tối tân, thì việc tự thủ dâm tinh thần rằng “phim truyền hình và phim điện ảnh hoàn toàn khác nhau” chỉ khiến cho năng lực và tư duy làm phim của bạn ngày càng tụt xuống đáy bùn thôi.

Pieter_Bruegel_de_Oude_-_De_val_van_Icarus.jpg

Mong rằng sau khi đọc xong bài viết này, bạn có thể nhìn thấy rõ ràng hơn, con đường tương lai của kịch bản mà bạn đang ấp ủ.

©yooribae


Comments

12 bình luận cho “[Kịch bản 101] #23: Lựa chọn đấu trường của riêng bạn”

  1. Thật tuyệt khi đọc bài Yoo viết, cám ơn Yoo rất nhiều…

    1. Cảm ơn Jo đã ủng hộ blog ^_^

      1. Yoori ơi, hồi có thể cho mình biết 36 kiểu câu chuyện là gi không ạ

  2. Cực kì ko ưa mấy thể loại phim nói về tình yêu đồng tính của Việt Nam, vừa ko hay vừa dơ

    1. Dơ là sao bạn?

    2. Là kiểu thấy phim bẩn bẩn, gớm gớm, dùng mấy chiêu câu khách rẻ tiền, nội dung thì vớ vẩn, pr thì tào lao, đọc review xong đi coi mới biết bị lừa và bỏ phí mất 90 phút của cuộc đời. Nhiều lúc chỉ mong có thể nói với mấy nhà đầu tư và sản xuất phim rằng làm ơn hãy làm phim gì đó có não hơn xíu, khán giả đâu có ngu như…phim

    3. @Hương: Kiểu phim “bẩn bẩn, gớm gớm, dùng mấy chiêu câu khách rẻ tiền, nội dung thì vớ vẩn, pr thì tào lao, đọc review xong đi coi mới biết bị lừa và bỏ phí mất 90 phút của cuộc đời” thì không những phim đồng tính không, mà còn cả một nùi phim dị tính nữa nhé :)))))))))

      Tối nay 8 giờ
      Cột mốc 23
      Vòng eo 56
      Đích Tôn Độc Đắc
      Em hiền như ma sơ
      Lệnh xóa sổ
      Tây du ký hậu truyện
      Yêu Em Từ Khi Nào
      S.O.S Sói Trắng

      Nhớ sơ sơ được mấy phim trên vì toàn là phim mà tôi phải bỏ tiền để ra rạp xem để rước cục tức vào người. Vài trong số đó là đạo diễn có tiếng tăm chứ không phải tay mơ. Còn phim đồng tính mà tôi ra rạp xem chỉ có duy nhất 2 bộ phim là Hot Boy Nổi Loạn và Thưa Mẹ Con Đi, tuy không phải là xuất sắc nhưng không đến mức tệ thảm hại như bạn nói.

  3. Mình là fan lâu năm của yoo, các bài viết của yoo cũng rất hay, đọc xong mình có thể hiểu ít nhiều hơn về ngành biên kịch thú vị này. Nhưng yoo cho mình hỏi nhé? Có bài viết của yoo nói rằng phim thì phải nói ít và dùng nhiều hình ảnh hơn, vậy theo bạn, cái phim mới lên sóng là hoa hồng trên ngực trái nó có hay và đáp ứng đủ các tiêu chí đấy không? Nếu có thể trả lời được thì cảm ơn nhiều.

    1. Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog ^_^
      Về nguyên tắc thì phim chỉ nên dùng lời thoại để nói lên những gì không thể hoặc khó dùng hình ảnh diễn tả được. Phim truyền hình với ngân sách ít và thời lượng dài nên có thể dùng nhiều lời thoại hơn so với phim điện ảnh để phù hợp kinh phí. Còn việc dùng nhiều hình ảnh hay lời thoại thế nào trên phim truyền hình thì phụ thuộc vào nội dung phim và cách dàn dựng của đạo diễn nữa.

  4. Anh ơi cho em hỏi, em đang muốn học và làm nghề đạo diễn và biên kịch, anh cho em biết là hai nghề đấy khi học xong có dễ xin việc không ạ, hay là có việc làm không ạ, anh chị em bảo phải con ông cháu cha hoặc có nhiều tiền thì mới xin được việc.
    Với lại cho em hỏi ấn nút theo dõi anh chỗ nào vậy, em tìm mãi mà chả thấy chỗ nào cả

    1. Chào em, đối với ngành nghệ thuật, chuyện em có kiếm được việc không phụ thuộc nhiều vào năng lực và mối quan hệ của em trong giới. Việc em tốt nghiệp và có bằng không có nghĩa là em đủ năng lực để trở thành đạo diễn hay biên kịch ngay lập tức. Em cần thêm nhiều thời gian để làm việc ở các vị trí nhỏ trong đoàn phim để trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng làm việc trên hiện trường. Nếu đủ may mắn và năng lực, em có thể tìm được cơ hội làm được phim của mình. Kể cả con ông cháu cha hay con đại gia mà không có năng lực thì làm phim ra vẫn flop như thường thôi em. Khán giả đâu có quan tâm ^_^
      Nếu em muốn học làm phim, em nên chọn học đạo diễn nhé. Trong ngành đạo diễn có môn viết kịch bản luôn, với lại học đạo diễn ra em dễ xin việc trong đoàn phim hơn biên kịch.

      Ở cuối trang và mỗi bài viết đều có nút follow, em kiểm tra xem sao nhé. Thank em!

  5. Lần đầu tiên tôi đọc 1 mạch hết bài viết của bạn. Tuy dài nhưng rất có ý nghĩa. Tôi đã hiểu thêm ra được nhiều thứ. Đúng là làm 1 người đạo diễn hay 1 người biên kịch, viết kịch bản không phải là dễ. Ko bit Yoo có phải là 1 người viết kịch bản ko mà sao viết có vẻ tường tận thế. Nếu Yoo là người đang viết kịch bản thì mình thấy Yoo nên viết mấy kiểu giống Liêu Trai Chí Dị của Trung Quốc ý. Hiện VN mình vẫn chưa có nhiều phim mảng đó, cả phim dạng kiếm hiệp nữa. TQ nó làm phim kiếm hiệp từ hơn 20 năm trước. Trước kia may ra có mấy phim của Lý Hùng như “Lửa cháy thành Đại La”, “Tây Sơn hào kiệt”, “Thăng Long Đệ Nhất Kiếm”…là còn tạm đc. Giờ phim VN toàn làm toàn thấy dở, còn ko bằng 1 nửa của trước kia. Hy vọng phim VN sớm có chỗ đứng của riêng mình.

Leave a Reply

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d