KHÔNG AI CỨU NỔI CON MÈO

Sau khi mất nửa bầy mèo từ năm ngoái, tôi chợt nhận ra một điều quan trọng: Không phải ai cũng biết cách để cứu-con-mèo.

Khi Blake Snyder phát hành cuốn sách bán chạy nhất trong sự nghiệp của mình – Save The Cat! – ông ấy đã đề hẳn một dòng chữ ngay dưới tiêu đề: “The Last Book on Screenwriting That You’ll Ever Need”; dịch thô có nghĩa là “Cuốn sách cuối cùng về viết kịch bản mà bạn sẽ cần”.

Save The Cat!(tạm dịch: Cứu Con Mồn Mèo)nhanh chóng trở thành cuốn sách về viết kịch bản bán chạy nhất thế giới, nhanh như cách lũ mèo rời bỏ bạn. Những nhà làm phim, biên kịch, đạo diễn, Youtuber, Tiktoker, nhà phê bình nổi lên từ vài bình luận phê phim nhiều tương tác, nhà đầu tư ăn may thắng được một phim… từ khắp mọi ngõ ngách trên thế giới đổ xô tìm đọc cuốn sách, tìm nghe các clip recap nội dung sách, tìm xem các bản vẽ minh họa một phần nội dung và rồi sau đó cùng nhau nâng tầm quyển sách lên hàng kinh thánh cho người kể chuyện.

Gần đây nhất, một người dịch sách còn sẵn sàng sửa luôn lời nhắn của tác giả từ “The Last Book on Screenwriting That You’ll Ever Need” thành “Bạn sẽ không cần đến quyển sách nào về nghề biên kịch nữa”. Vâng, tôi thật sự nghi ngờ về tính chính xác và chất lượng của bản dịch khi nhìn thấy khả năng dịch thuật của người dịch hiển hiện ngay trên trang bìa như vậy.

Không thể phủ nhận rằng, Save The Cat! là một trong những cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn đối với điện ảnh thế giới nói chung và cộng đồng biên kịch nói riêng; thông qua những kỹ thuật kể chuyện được tác giả Blake Snyder hướng dẫn, tổng hợp thành công thức dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ áp dụng.

Dù vậy, không phải ai cũng hiểu rõ chính xác “Save The Cat” nghĩa là gì.

Trong rất nhiều bài viết, bài giảng, khóa học về viết kịch bản, người ta thường gọi Save The Cat là cấu trúc (structure). Đây là một định nghĩa sai lầm. Save The Cat! chưa bao giờ là một cấu trúc. Blake Synder (1957-2009), người đã để lại dấu ấn ngay từ khi ra mắt với giải Worst Screenplay tại Razzie Awards – hay còn được biết đến với cái tên Golden Rasperry Awards (Mâm Xôi Vàng) – cho kịch bản phim điện ảnh đầu tay Stop! Or My Mom Will Shoot năm 1992 (Nguồn: imdb), đã dựa vào cấu trúc của các câu chuyện thần thoại, cấu trúc Hero’s Journey (Hành Trình Anh Hùng) và 50 phim điện ảnh biểu tượng của Hollywood để tạo ra một công thức xây dựng truyện phim với 15 nhịp (beats) chi tiết đến từng phút với 40 index cards (được gọi là “The Board”) trong bộ ba cuốn sách có cùng tên gọi: Save The Cat!.

Save The Cat cũng không phải beat sheet (nhịp phim). Thứ mà mọi người thường gọi là “cấu trúc Save The Cat” (Save The Cat Structure) hay “nhịp phim Save The Cat” (Save the Cat Beat Sheet) được tác giả đặt tên chính thức là Blake Snyder Beat Sheet, còn có tên gọi khác là BS2.

Save The Cat là tên gọi của một kỹ thuật kể chuyện được Blake Synder sáng tạo và đặt tên, cũng như các kỹ thuật khác trong cuốn sách như The Pope in the Pool, Black Vet, Watch Out for That Glacier!, Convenant of the Arc…Ý nghĩa của kỹ thuậtSave The Cat khá đơn giản: Nhân vật làm một hành động gì đó khiến khán giả chú ý, yêu mến và ủng hộ nhân vật, chẳng hạn như cứu một con mèo bị mắc kẹt trên cây, hết.

Bản thân Save The Cat không phải là một kỹ thuật tệ. Ngược lại, các kỹ thuật được Blake Snyder chia sẻ trong cuốn sách giúp gợi mở những phương pháp kể chuyện thú vị, thực tiễn, có thể áp dụng dễ dàng trong trường hợp người đọc đã có sẵn kiến thức nền tảng về viết kịch bản phim.

Thế nhưng, chính vì cảm giác quá dễ dàng để áp dụng, Save The Cat đi kèm với một rủi ro lớn: Cliché.

Từ khi ra đời lần đầu tiên năm 2005, cuốn sách đã bị chỉ trích vì lo ngại dẫn đến những kịch bản phim rập khuôn, công thức, sáo rỗng (cliché). Trong khi những cuốn sách viết kịch bản trước đó chỉ hướng dẫn về các khái niệm, quy luật, Save The Cat! lại chỉ ra cụ thể đến từng phút, từng trang các cột mốc sự kiện sẽ xảy ra trong truyện phim (nhịp phim/beats). Điều này dễ gây ra sự lười biếng cho các biên kịch mới khi họ chỉ đơn thuần sắp xếp thứ tự các sự kiện, tình huống xảy ra trong phim theo chính xác công thức mà không thèm quan tâm đến cảm xúc, không khí, sự vận hành của cốt truyện hay sự phát triển của tâm lý nhân vật trong phim. Tệ hơn nữa, việc áp dụng kiến thức sai mà không có kiểm chứng, cụ thể là áp dụng BS2 dưới cái tên Save The Cat, khiến truyện phim trở nên dễ đoán, tiền đề cho sự nhàm chán của khán giả xem phim.

Đọc thêm: Bài viết từ The New York Times

Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, Save The Cat trở thành một xu hướng. Từ các biên kịch tự học, sinh viên ngành Điện ảnh, những người đi làm nghề đến các nhà đầu tư tay ngang; mọi người tôn sùng Save The Cat như một công thức thần thánh, như cách người Ai Cập cổ đại tôn thờ loài mèo, như cách người nuôi mèo lần đầu tin rằng mèo cũng ăn cơm giống chó. Kết quả là cứ 10 kịch bản áp dụng Save The Cat (theo cách mọi người gọi) thì 11 kịch bản chẳng ra hồn. Và rồi người làm phim cứ gào mồm lên là tại khán giả sính ngoại, tại điện ảnh nước mình đi sau nước người ta, để lấp liếm cho sự lười biếng trong tư duy và thiển cận trong tư tưởng đã tồn tại trong đầu những người làm phim lấp sóng, phim mì ăn liền suốt hàng thập kỷ.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Blake Snyder phải ghi ngay trên trang bìa sách dòng chữ: “The Last Book on Screenwriting That You’ll Ever Need”.Save The Cat! chưa bao giờ là sách dành cho người chưa hoặc mới vào nghề. Đó là cuốn sách tham khảo dành cho những người đã có kiến thức nền tảng, cơ bản, có ít nhất vài năm kinh nghiệm viết kịch bản phim điện ảnh. Nội dung cuốn sách cũng chỉ đề cập đến nhịp phim (được phân tích dựa trên nền tảng cấu trúc Hero’s Journey), kỹ thuật kể chuyện và một số motif tiêu biểu của vài thể loại phim cơ bản được tác giả tổng hợp và đặt tên dựa trên kinh nghiệm và quan điểm của bản thân. Cuốn sách cũng không đề cập gì đến các cấu trúc, kỹ thuật cơ bản hay bất kỳ nội dung nào liên quan đến linh hồn của mọi bộ phim: Nhân vật và cách xây dựng, phát triển tâm lý nhân vật. Nói đúng hơn, nội dung liên quan đến tâm lý nhân vật, cụ thể là Character Arc, nằm trong chính BS2 và được chia sẻ trong vài câu, mà nếu người đọc không có nền tảng sẵn, sẽ không bao giờ nhận ra được.

Đó cũng là lý do nhiều phim Việt Nam bạn xem gần đây (nếu có) bị đuối trong việc khai thác tâm lý nhân vật. Bởi vì rất nhiều biên kịch và đạo diễn không được dạy kỹ càng về xây dựng nhân vật. Và họ cũng không có ý định học, kể cả khi có nơi dạy.

Save The Cat! nổi tiếng vì cách dẫn chuyện, giải thích dễ hiểu, chuyển hóa kiến thức, kỹ thuật (bị gọi là hàn lâm) trở thành công thức đơn giản, dễ làm theo. Tuy nhiên, sách công thức vừa có lợi vừa có hại. Cũng giống như những cuốn sách nấu ăn, nếu người đọc nấu theo công thức mà không hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên nhân, cách thức khiến công thức đó hiệu quả; thì kết quả món ăn làm ra sẽ không bao giờ được như mong muốn.

Save The Cat! là một cuốn sách tham khảo tốt. Nhưng trước khi đọc cuốn sách đó, bạn cần trau dồi cho bản thân đủ kiến thức, kỹ năng để có thể tiếp nhận nội dung sách trọn vẹn. Kiến thức đó ở đâu? Chúng ở ngay trước mắt bạn.

Mấy cô trap girl thường nói “Nếu muốn người ta sẽ tìm cách, nếu không muốn người ta sẽ tìm lý do”. Ngày nay, chỉ với vốn tiếng Anh cơ bản tích lũy sau những năm học phổ thông cùng với sức mạnh của các ứng dụng dịch thuật và kỹ năng tìm kiếm trên Google, bất kỳ ai cũng dễ dàng tìm được các kiến thức về viết kịch bản và làm phim được chia sẻ miễn phí trên mạng. Thế nhưng, việc lựa chọn học theo bất kỳ kiến thức nào xuất hiện trước mặt bạn cũng sẽ đòi hỏi kỹ năng tìm kiếm, sàng lọc, phân tích, tổng hợp, phản biện, chứng minh… để đảm bảo rằng bạn không bị nhầm lẫn và hiểu sai kiến thức, gây rủi ro cho quá trình tự học và sáng tác của chính bạn.

Để kể ra một câu chuyện hay, điều đầu tiên bạn cần làm là phải kể được một câu chuyện hoàn chỉnh. Và điều thứ hai bạn cần phải làm là hiểu rõ chính xác mình đang kể về cái gì.

Kể chuyện là một hành trình dài, mỗi câu chuyện là một lần khám phá. Người kể chuyện cũng như một nhà thám hiểm, muốn sống sót qua chuyến phiêu lưu cần phải chuẩn bị cho bản thân mọi kỹ năng và công cụ cần thiết. Mọi hành trình đều có nhiều khó khăn, thử thách riêng; ngay cả bản thân còn chưa tự cứu được, thì sức đâu để cứu con mèo?

Cat Save GIF - Find & Share on GIPHY

©yooribae

Discover more from Yoori's Blog

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue Reading

%d